Hội thảo Phát triển kinh tế-xã hội dân tộc Chứt

03:29 AM 15/10/2010 |   Lượt xem: 2636 |   In bài viết | 

Thực hiện Nghị quyết 22 của Chính phủ, UBDT được trao trách nhiệm phối hợp cùng với các Bộ, ngành và các địa phương triển khai khảo sát, đánh giá để xây dựng Đề án “Bảo tồn và phát triển kinh tế-xã hội các dân tộc thiểu số có số dân dưới 10.000 người”. Theo đó, dân tộc Chứt cư trú ở tỉnh Quảng Bình thuộc đối tượng được khảo sát, đánh giá để đưa vào Đề án. Tính đến cuối năm 2009, Quảng Bình có 883.728 khẩu, trong đó vùng dân tộc miền núi chiếm 30% dân số của tỉnh. Dân tộc Chứt (gồm Sách, Rục, Mày, A rem, Mã Liềng) là một trong 2 dân tộc ít người có số dân đông nhất của tỉnh (cùng với dân tộc Bru-Vân Kiều) với 1.337 hộ, 5.923 khẩu. Các nhóm dân tộc Chứt cư trú trong 20 bản tập trung, 53 bản xen ghép thuộc 21 xã miền núi, vùng cao của 3 huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa và Bố Trạch.

Nhiều năm qua, vùng đồng bào dân tộc Chứt đã được thụ hưởng nhiều chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước. Nhưng nhìn chung đời sống kinh tế-xã hội của người dân vẫn còn rất khó khăn, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và phúc lợi xã hội còn yếu kém. Phần lớn đồng bào dân tộc Chứt sống dưới mức nghèo khổ, tỷ lệ hộ nghèo trên 76%, thu nhập bình quân chỉ khoảng 144 nghìn đồng/người/tháng. Cùng với đó, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng đang ngày một mai một.

Chính vì vậy, việc hỗ trợ đồng bào dân tộc Chứt từng bước nâng cao đời sống kinh tế-xã hội trở nên cấp thiết. Để xây dựng Đề án “Phát triển kinh tế-xã hội dân tộc Chứt”, tỉnh Quảng Bình đã giao Ban Dân tộc tỉnh triển khai khảo sát, đánh giá. Theo đó, thời gian để triển khai Đề án là 10 năm (từ 2011-2020) với tổng mức đầu tư 166 tỷ 457 triệu đồng, trong đó vốn Trung ương 103 tỷ 473 triệu đồng, vốn địa phương 13,4 tỷ, các nguồn vốn khác gần 50 tỷ đồng.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã đóng góp nhiều tham luận đánh giá những nguyên nhân dẫn đến thực trạng yếu kém, những chính sách đã và đang được triển khai thực hiện... đối với cộng đồng người Chứt ở tỉnh Quảng Bình. Vấn đề được quan tâm nhất là những giải pháp mang tính đột phá để đưa người Chứt thoát nghèo và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Sỹ Hào