Bộ trưởng, Chủ nhiệm Giàng Seo Phử dự Lễ Bế giảng lớp đào tạo nghiệp vụ công tác dân tộc khoá IX

07:55 AM 13/07/2011 |   Lượt xem: 1514 |   In bài viết | 

Lớp đào tạo nghiệp vụ công tác dân tộc khoá IX năm 2011 được tổ chức tại Học viện Chính trị-Hành chính Khu vực I từ ngày 9/5 đến ngày 13/7/2011 nhằm cung cấp cho học viên một số quan điểm cơ bản của Đảng và Nhà nước ta về vấn đề dân tộc, công tác dân tộc và chính sách dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI Đảng Cộng sản Việt Nam; một số nghiệp vụ cơ bản trong công tác dân tộc; giúp học viên nâng cao năng lực hoạt động thực tiễn thực hiện chính sách dân tộc ở địa phương nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức thành thạo về chuyên môn nghiệp vụ, trung thành với chủ nghĩa xã hội, tận tuỵ với công việc, có trình độ quản lý tốt, đáp ứng yêu cầu kiện toàn và nâng cao hiệu quả của bộ máy Nhà nước nói chung, hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc nói riêng.

 

Trong thời gian đào tạo, ngoài việc nghiên cứu học tập ở giảng đường, Trường đã chú trọng kết hợp giữa giới thiệu lý thuyết với tổ chức thảo luận, nghiên cứu thực tế ở cơ sở. Trường đã bố trí cho học viên nghiên cứu thực tế tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Làng Văn hoá-Du lịch các dân tộc Việt Nam, Bảo tàng Dân tộc học, nghiên cứu thực tế tại tỉnh Hoà Bình…

 

Kết thúc khoá học, 100% học viên đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận đã qua đào tạo nghiệp vụ công tác dân tộc, trong đó có 01 học viên đạt loại xuất sắc (chiếm 3,5%), 25 học viên đạt loại giỏi (chiếm 86,2%), 03 học viên đạt loại khá (chiếm 10,3%). Có 5 học viên được tặng Giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong học tập và rèn luyện, 02 học viên được tặng Giấy khen vì có nhiều đóng góp trong việc tổ chức và quản lý lớp.

 

Phát biểu tại Lễ Bế giảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Giàng Seo Phử đã đánh giá cao sự cố gắng của các đồng chí lãnh đạo Nhà trường, đội ngũ cán bộ, giảng viên, học viên và các cơ quan chức năng trong việc quản lý, chỉ đạo, tổ chức lớp học. Mặc dù trong thời gian học tập còn gặp nhiều khó khăn: thời tiết khắc nghiệt, đời sống và cơ sở vật chất phục vụ lớp học còn nhiều thiếu thốn, bất cập, nhưng các học viên đã hết sức cố gắng vượt qua khó khăn để đạt kết quả tốt. Bộ trưởng cũng ghi nhận những đóng góp, đề xuất kiến nghị của Trường và sẽ nghiên cứu để chỉ đạo thực hiện. Bộ trưởng cũng mong rằng, sau lớp học này, các đồng chí học viên trở về địa phương, nơi công tác trên cơ sở kiến thức đã học, những kinh nghiệm qua lý luận và thực tiễn công tác dân tộc, các đồng chí chủ động vận dụng vào công việc cụ thể trong quản lý nhà nước về công tác dân tộc ở địa phương, nhằm nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện công tác dân tộc ở cơ sở. Bộ trưởng cũng chỉ đạo trong thời gian tới, nhiệm vụ đặt ra đối với mỗi cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về công tác dân tộc cần phải thực hiện, đó là: Tham mưu trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc, chính sách đặc thù, các chương trình, dự án, đề án phát triển kinh tế-xã hội, xoá đói giảm nghèo vùng dân tộc và miền núi; xây dựng tiêu chí phân định vùng theo trình độ phát triển, chính sách đào tạo nguồn nhân lực, bảo tồn và phát triển văn hoá vùng DTTS và miền núi. Tham mưu và làm tốt công tác thanh tra, sơ kết, tổng kết, tuyên truyền việc thực hiện chính sách dân tộc, các chương trình, dự án ở vùng dân tộc và miền núi, Nghị định về công tác dân tộc, thực hiện phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí và giải quyết tốt đơn thư khiếu nại ở vùng DTTS theo quy định của pháp luật. Tổ chức động viên tốt các phong trào làm kinh tế giỏi vùng dân tộc và miền núi, nhằm đẩy nhanh phát triển kinh tế-xã hội, xoá đói giảm nghèo, giải quyết khó khăn, trước mắt làm cơ sở lâu dài phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi. Tham mưu và làm tốt việc nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm giữa công tác dân tộc gắn với các huyện, các tỉnh tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, có hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc ở cơ sở. Trường Cán bộ Dân tộc cần đổi mới chương trình trong công tác đào tạo cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về công tác dân tộc, gắn lý luận với thực tiễn công tác quản lý nhà nước về công tác dân tộc, gắn lý luận với tổng kết thực tiễn về công tác dân tộc, chiến lược công tác dân tộc, chính sách dân tộc; xây dựng và thực hiện đề án Học viện Dân tộc, đáp ứng nguồn nhân lực vùng DTTS và miền núi giai đoạn từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo.

Nguyễn Văn Phong