Huyền thoại tiếng đàn bên dòng Sêrêpôk

09:11 AM 16/09/2011 |   Lượt xem: 1739 |   In bài viết | 
Yêu nhau bởi lời ca, tiếng hát
Điểm đầu tiên chúng tôi đến là khu du lịch Thanh Hà nằm ở bản Đôn, xã Ea Wel (Buôn Đôn - Đắk Lắk). Đến đây du khách không chỉ được thưởng ngoạn cảnh núi rừng hùng vĩ, mà còn được đắm chìm trong tiếng đàn Đinh năm, Goong kram của cặp vợ chồng nghệ nhân dân gian ông Y Gông B'dap và bà H'Uinh Byă.
Trong ngôi nhà dài, bốn bề là những vật dụng truyền thống của người Ê Đê, H'Hương, một hướng dẫn viên du lịch cho biết, vợ chồng nghệ nhân Y Gông đều sinh ra và lớn lên ở buôn Khít (xã Ea Blốk, huyện Krông Ana). Đây là cái nôi sản sinh ra nhiều nghệ nhân biết diễn tấu nhạc cụ truyền thống và biểu diễn dân ca. Tuổi thơ của hai người gắn liền với những lời ca, điệu nhạc của ông bà, cha mẹ… Có lẽ vì thế, đến nay dù tuổi đã cao nhưng họ vẫn nhớ từng lời hát, nốt nhạc. Sự hòa hợp giữa tiếng đàn và lời ca đã đưa họ nên duyên vợ chồng để rồi đến nay, khi đã có 4 người con trưởng thành, họ vẫn khăng khít như thuở đôi mươi.
Thỉnh thoảng người ta vẫn bắt gặp Y Gông B'dap và H'Uinh Byă ở đâu đó trong những lần liên hoan hay những buổi sinh hoạt văn hóa. Do có nhiều đóng góp cho lĩnh vực văn hóa của tỉnh nên tháng 7/2007, vợ chồng Y Gông B'dap và H'Uinh Byă được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam trao Bằng công nhận Nghệ nhân dân gian.
Theo H'Hương, nghệ nhân H'Uinh là người có khiếu âm nhạc từ nhỏ, chỉ cần nghe qua một lần là bà có thể biểu diễn trơn tru. Năng khiếu cộng với đam mê đã giúp nghệ nhân H'Uinh là người thuộc nhiều dân ca Ê Đê nhất tỉnh Đắk Lắk hiện nay. Bà có thể diễn xuất thật hay, thật chuẩn cả 3 làn điệu Ay Ray, Hơh Cư Jú và Vay Vay.
Còn Y Gông, từ nhỏ đã đam mê âm thanh huyền bí của Ki păh, bị hút hồn bởi tiếng réo rắt của Đing năm mỗi khi nghe người già diễn tấu. Hai mươi tuổi, chàng trai Ê Đê tài hoa này đã chơi và chế tác được hầu hết các loại nhạc cụ của dân tộc mình, trong đó có cây đàn Goong kram với nhiều bí quyết mà không phải ai cũng dễ dàng nắm bắt được.
Lắng đọng tình người
Trong ngôi nhà dài của người Ê Đê, Y Gông giải thích cho chúng tôi mỗi nhạc cụ có không gian diễn tấu riêng như gẩy Goong kram trên rẫy để xua đuổi con thú, không cho chúng vào phá cây trồng; thổi Ki păh để báo cho mọi người chuẩn bị đón voi vào nhà; riêng tiếng Đing năm chỉ tấu lên trong những cuộc vui, hội ngộ của buôn làng…
Y Gông B'dap biểu diễn cho đoàn du khách nghe liền một lúc 5-6 bản nhạc bằng nhiều thể loại nhạc cụ khác nhau. Ông đàn, bà hát cho chúng tôi những làn điệu về tình yêu lứa đôi, tình yêu quê hương đất nước và thể hiện lòng mến khách, ý rằng, khi bạn tới đây, bên dòng Sêrêpôk này, chúng tôi rất mến yêu và khi bạn về chúng tôi xin chúc bạn vui vẻ, hẹn gặp lại trong một ngày gần đây...
Tiếng đàn đã dừng lại, nhưng du khách vẫn còn đắm mình trong lời ca thì bỗng đâu đây giai điệu bài hát "Giấc mơ Chapi" vang lên. Thì ra, không chỉ biết diễn tấu những làn điệu dân ca quen thuộc của dân tộc mình, Y Gông B'dap còn có thể biểu diễn những bản tình ca hiện đại.
Được đắm mình vào những khúc hát, tôi mới thực sự hiểu vì sao đất và con người nơi đây đáng yêu đến thế, yêu bởi sự trong sáng, hồn nhiên của họ và bởi trong mỗi khúc hát chứa chan bao tình cảm chân thành.

Thúy Nga (Nguồn: Kinh tế nông thôn)