Ủy ban Dân tộc đã có nhiều bước tiến mới trong xây dựng, thực hiện chính sách dân tộc

10:35 AM 13/08/2013 |   Lượt xem: 2718 |   In bài viết | 

Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm, xin Thứ trưởng có thể cho biết tình hình triển khai chính sách dành cho đồng bào DTTS và miền núi trong thời gian qua đã đạt được những kết quả như thế nào?

 

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Sơn Phước Hoan: Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, những năm qua vùng dân tộc và miền núi đã ban hành nhiều chính sách khá toàn diện, bao phủ hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Cùng với sự phát triển đi lên của đất nước, cơ chế chính sách cho vùng dân tộc và miền núi cũng đã có sự thay đổi căn bản. Từ chỗ chính sách chủ yếu hỗ trợ trực tiếp cho người dân chuyển sang chính sách vừa đầu tư phát triển vừa hỗ trợ trực tiếp cho người dân. Địa bàn và đối tượng trong hệ thống chính sách cũng có thay đổi cơ bản, từ chỗ “dễ làm trước, khó làm sau” chuyển sang ưu tiên đầu tư và hỗ trợ cho những vùng khó khăn nhất. Trước đây, các chính sách mới tập trung vào hỗ trợ đời sống của người dân như chính sách trợ cước, trợ giá và cấp không thu tiền một số mặt hàng thiết yếu cho người dân vùng dân tộc và miền núi. Sau khi có phân định các xã, thôn theo trình độ phát triển lần thứ nhất, năm 1998 Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình 135 với những dự án thành phần bao gồm: hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ đời sống văn hóa của người dân và đào tạo cán bộ cơ sở; song song đó, các chính sách về lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, y tế, giáo dục, đào tạo nghề ... cung lần lượt được ban hành, đã làm thay đổi cơ bản về định hướng và cơ chế chính sách cho vùng dân tộc và miền núi.

 

Kinh phí thực hiện chính sách những năm gần đây tuy trong điều kiện suy thoái kinh tế, ngân sách nhà nước có nhiều khó khăn, nhưng Chính phủ vẫn bố trí nguồn lực cho các chương trình, chính sách vùng dân tộc và miền núi cao hơn mức tăng chi bình quân của cả nước.

 

Việc tổ chức thực hiện chính sách cũng được các Bộ, ngành và địa phương quan tâm triển khai, ban hành văn bản hướng dẫn theo lĩnh vực quản lý, phân cấp mạnh cho địa phương với nguyên tắc công khai dân chủ, có sự tham gia tích cực của cộng đồng, doanh nghiệp và người dân, từng bước hạn chế được tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Thường xuyên tổ chức đôn đốc, kiểm tra, tháo gỡ kịp thời những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện. Định kỳ tổ chức sơ kết, đánh giá hiệu quả của chính sách, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành chính sách mới thay thế. Cho nên chính sách cho vùng dân tộc và miền núi nhất là Chương trình 135 không chỉ được đánh giá cao ở trong nước mà còn được nhiều nước, các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ đánh giá cao và ủng hộ.

 

Tuy vậy, việc xây dựng và thực hiện chính sách dân tộc cũng còn bộc lộ không ít những hạn chế, yếu kém  như: Chính sách còn mang tính nhiệm kỳ, thời gian thực hiện ngắn. Kinh phí chưa đảm bảo thực hiện các mục tiêu. Hiệu quả của chính sách chưa thực sự bền vững.

 

Nhiều chính sách khi hết hiệu lực nhưng mục tiêu chưa đạt do nguồn lực cấp không đủ theo dự án được phê duyệt, phải kéo dài thời gian thực hiện dẫn đến các định mức của chính sách không còn phù hợp với thực tế. Có chính sách do huy động nhiều nguồn vốn, khi cấp vốn không đồng bộ dẫn đến khó khăn trong triển khai. Nguồn vốn từ ngân sách nhà nước chủ yếu mang tính chất hỗ trợ, chưa đủ mạnh để làm chuyển biến vùng khó khăn. Việc bố trí vốn đối ứng của hầu hết các địa phương chưa đáp ứng theo quy định.

 

Có chính sách chưa sát thực tế, không phù hợp với địa bàn, định mức hỗ trợ thấp, chậm hướng dẫn, sửa đổi. Có chính sách tính công khai, dân chủ còn thấp, người dân ít có điều kiện tham gia triển khai và giám sát trong quá trình thực hiện.

 

Phân công chủ trì thực hiện một số chính sách chưa hợp lý. Việc phối hợp giữa các Bộ, ngành có lĩnh vực chưa chặt chẽ, công tác quản lý chỉ đạo có mặt còn chồng chéo, trùng lắp về địa bàn và đối tượng; Công tác phối hợp, lồng ghép các chính sách trên địa bàn, việc kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết chính sách còn hạn chế. Có chính sách mới kiểm tra, đánh giá tổ chức thực hiện ở các địa phương, thậm chí có chính sách chưa được sơ kết, tổng kết đánh giá.

 

Nhìn chung, hệ thống chính sách thực hiện trên địa bàn vùng dân tộc và miền núi hiện nay mặc dù vẫn còn những hạn chế, yếu kém, nhưng đem lại những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Hầu hết chính sách là đúng hướng, phù hợp với thực tiễn, đáp ứng được nguyện vọng của đồng bào các dân tộc. Chính sách bao trùm được các lĩnh vực kinh tế - xã hội, các địa bàn, đối tượng thuộc vùng dân tộc và miền núi. Phân cấp quản lý thực hiện chính sách theo hướng tập trung nhiều hơn cho cơ sở, dân chủ hơn, người dân ngày càng có điều kiện tham gia triển khai và giám sát quá trình thực hiện. Hệ thống chính sách dân tộc đã góp phần có tính quyết định làm thay đổi bộ mặt nông thôn vùng dân tộc và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn; cơ sở hạ tầng được tăng cường, đời sống đồng bào dần được cải thiện, tỷ lệ đói nghèo giảm nhanh, dân trí được nâng lên, văn hóa được bảo tồn, khối đại đoàn kết được phát huy, hệ thống chính trị cơ sở được củng cố, quốc phòng an ninh được giữ vững.

 

Đạt được kết quả trên, thể hiện sự quan tâm của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, các Bộ ngành, các tổ chức chính trị xã hội, hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương; được sự đồng tình ủng hộ của đồng bào trong cả nước; sự ủng hộ của các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

 

Phóng viên: Ngày 4/4/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định 551/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình 135, bao gồm hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2012 - 2015, là dự án thành phần của Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững (gọi tắt là Chương trình 135) giai đoạn 2016 – 2020. Cùng với 2 giai đoạn trước, Chương trình 135 được coi là “xương sống” của Chính sách dân tộc. Thứ trưởng có thể cho biết sự chuẩn bị cũng như tiến độ việc triển khai QĐ 551 hiện nay như thế nào? Định hướng những việc cần triển khai từ nay đến cuối 2013?

 

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Sơn Phước Hoan: Chương trình 135 giai đọan II (2006-2010) được triển khai tại 1.848 xã và 3.274 thôn bản. Đây là một chương trình được thực hiện theo cơ chế đặc thù, đơn giản, phù hợp với trình độ quản lý và tổ chức thực hiện của các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn. Người dân được tham gia từ khi xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện, đến giám sát và bàn giao công trình. Quá trình thực hiện đảm bảo tính dân chủ, huy động được sự tham gia đóng góp của người dân, góp phần tạo nên việc làm, tăng thu nhập cho người dân thuộc các địa bàn thụ hưởng chính sách. Chương trình được cộng đồng quốc tế, nhất là nhà tài trợ ngân sách quan tâm, đánh giá là chương trình giảm nghèo toàn diện, đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, ít thất thoát, hiệu quả được nhân dân cả nước đồng thuận và được các nước, tổ chức quốc tế đến tham quan, học tập và chia sẻ kinh nghiệm.

 

Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng khích lệ; song do xuất phát điểm của vùng dân tộc và miền núi thấp, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, địa bàn chia cắt, thường xuyên bị thiên tai, kinh tế-xã hội khó khăn, mặt bằng dân trí thấp, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo và tái nghèo còn rất cao; trình độ cán bộ cơ sở nhất là cấp xã, thôn bản còn nhiều bất cập; có nơi kẻ xấu còn lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc để làm nảy sinh diễn biến phức tạp. Hệ thống cơ sở hạ tầng còn yếu kém, chưa đồng bộ như: đường giao thông nông thôn, thủy lợi, nước sinh họat, hệ thống điện, trường học, nhà sinh họat cộng đồng, trạm y tế…. đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất hàng hóa và phục vụ nhu cầu cơ bản của đời sống nhân dân.

 

Từ thực tế đó, theo kiến nghị của cử tri, đoàn đại biểu Quốc hội các địa phương trong cả nước và nhiều Bộ ngành Trung ương, ngày 29/10/2012, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành văn bản số 258/UBTVQH13-TCNS, về mục tiêu, nhiệm vụ, thời gian thực hiện và nguồn lực cụ thể của các dự án thành phần thuộc từng chương trình mục tiêu quốc gia giai đọan 2011-2015. Thực hiện văn bản trên, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Ủy ban Dân tộc xây dựng chương trình 135 cho giai đọan tiếp theo và đã được phê duyệt tại Quyết định số 551/QĐ-TTg ngày 04/4/2013 gồm 2 nội dung: hỗ trợ phát triển sản xuất và hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các xã ĐBKK, xã biên giới, xã an toàn khu, thôn bản ĐBKK.

 

Để các địa phương có căn cứ triển khai thực hiện Chương trình, ngay từ đầu năm 2013, Ủy ban Dân tộc đã chỉ đạo thực hiện một số nội dung sau:

 

* Xây dựng Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện Chương trình

 

Đến nay tổ biên soạn đã hoàn thành bản dự thảo lần 2; đã tổ chức các cuộc hội thảo ở ba vùng để lấy ý kiến vào dự thảo thông tư với sự tham gia của đại diện cán bộ trực tiếp quản lý, chỉ đạo, triển khai thực hiện chương trình của các địa phương trong cả nước và một số Bộ, ngành và các Ban chỉ đạo có liên quan.

 

Dự thảo thông tư hiện đang được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Ủy ban Dân tộc và sẽ gửi các địa phương để lấy ý kiến bằng văn bản trong tháng 8/2013. Sau khi có ý kiến của các địa phương và Bộ ngành, Tổ soạn thảo tiếp tục hoàn thiện, trình Lãnh đạo các Bộ ký ban hành chậm nhất cuối tháng 10/2013.

 

* Xác định đối tượng Chương trình

 

Đối tượng của Chương trình là các xã ĐBKK, xã biên giới, xã an toàn khu, thôn ĐBKK. Hiện nay, các địa phương đã gửi báo cáo kết quả phân định về Ủy ban Dân tộc để đưa ra Hội đồng tư vấn xem xét trình cấp thẩm quyền phê duyệt. Dự kiến sẽ hoàn thành phân định các xã, thôn bản Đặc biệt khó khăn theo tiêu chí của Quyết định 30/2012/QĐ-TTg vào tháng 8/2013; sau đó, tổng hợp danh sách xã ĐBKK (xã khu vực III), xã biên giới, xã an toàn khu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và danh sách các thôn ĐBKK của xã khu vực II trình Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc phê duyệt.

 

* Xây dựng các hướng dẫn cụ thể của một số hoạt động, gồm:

- Sổ tay đấu thầu.

- Sổ tay xã làm chủ đầu tư.

 

Ủy ban Dân tộc đã giao Văn phòng 135 triển khai thực hiện với sự hỗ trợ của UNDP thông qua dự án PRPP. Đến nay đã hoàn thành bản dự thảo và đang lấy ý kiến chuyên gia của Bộ Kế hoạch-Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và PTNT, sau khi hoàn thành sẽ ban hành kèm theo Thông tư hướng dẫn thực hiện Chương trình.

 

* Nghiên cứu, xây dựng và ban hành một số văn bản

 

Để các địa phương có thể triển khai thực hiện và Ủy ban Dân tộc có thể quản lý, chỉ đạo Chương trình hiệu quả, trong thời gian tới sẽ phối hợp nghiên cứu ban hành:

 

- Văn bản hướng dẫn về chi phí lập và quản lý đầu tư công trình cơ sở hạ tầng thuộc Chương trình 135 của Bộ Xây dựng.

- Văn bản hướng dẫn thanh quyết toán công trình, dự án thuộc Chương trình 135 của Bộ Tài chính.

- Văn bản hướng dẫn thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

- Hệ thống theo dõi, tổng hợp, báo cáo thực hiện Chương trình do Ủy ban Dân tộc ban hành.

 

Ủy ban Dân tộc đang giao Văn phòng 135 chủ động phối hợp với đơn vị chức năng của các Bộ liên quan để xây dựng các văn bản trên; sau khi hoàn thiện sẽ sớm đưa vào triển khai thực hiện.

 

* Xây dựng kế hoạch vốn Chương trình 135 năm 2014

 

Để đảm bảo nguồn lực thực hiện Chương trình, Ủy ban đã giao Văn phòng 135 xây dựng kế hoạch vốn Chương trình 135 năm 2014 để trình cấp thẩm quyền theo quy định.

 

Phóng viên: Để thực hiện hiệu quả Chương trình 135 cũng như một số chính sách khác, việc xác định đối tượng của các chương trình là vô cùng quan trọng. Qua kiểm tra thực tế của UBDT tại các địa phương Thứ trưởng có thể cho biết việc xét duyệt thôn ĐBKK, xã khu vực I, II, III thuộc vùng dân tộc và miền núi theo QĐ 30 của Thủ tướng Chính phủ đến thời điểm này đã đạt tiến độ như thế nào? Ý nghĩa việc hoàn thiện và đưa vào áp dụng QĐ 30 của Thủ tướng Chính phủ?

 

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Sơn Phước Hoan: Thực hiện Quyết định 30 của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban dân tộc đã ban hành Thông tư 01/2012/TT-UBDT. Căn cứ Thông tư 01 của Ủy ban Dân tộc, các địa phương đã tiến hành rà sóat phân định thôn ĐBKK, xã khu vực I,II,III ở vùng dân tộc và miền núi. Đến nay, đã có 49 tỉnh, thành phố gửi báo cáo kết quả phân định. Trên cơ sở báo cáo của các địa phương, Ủy ban Dân tộc đã tổ chức 18 đoàn kiểm tra thực tế tại 68 thôn/bản, 50 xã, 44 huyện của 21 tỉnh. Qua kiểm tra thực tế, hồ sơ rà soát thôn ĐBKK, xã khu vực I,II,III thuộc vùng dân tộc và miền núi giai đòan 2012-2015 của địa phương cho thấy: các tỉnh đã tổ chức rà soát, phân định cơ bản bám sát tiêu chí quy định tại Quyết định 30 và Thông tư 01; việc triển khai đúng lộ trình, chặt chẽ, đảm bảo công khai dân chủ tại cơ sở. Một số xã, huyện, tỉnh đã có báo cáo rà soát và giải trình nguyên nhân tăng các thôn ĐBKK, xã từ khu vực I, II lên xã khu vực III. Tuy vậy, cũng có một số xã, huyện chưa cung cấp đầy đủ các tài liệu theo yêu cầu của Đoàn kiểm tra như: thiếu Báo cáo phát triển kinh tế-xã hội của xã, huyện năm 2011-2012; Quyết định phê duyệt danh sách hộ nghèo, cận nghèo...

 

Thông qua kiểm tra thực tế tại địa phương các đoàn công tác đã phát hiện nhiều vấn đề cần điều chỉnh đối với kết quả phân định của địa phương: một số nơi phân định không đúng đối tượng theo quy định tại Quyết định 30; Số liệu rà soát thôn ĐBKK, xã khu vực I,II,III của một số nơi chưa thống nhất giữa thôn, xã, huyện; Thời gian sử dụng số liệu rà soát để xác định thôn ĐBKK, xã khu vực I,II,III có nhiều nơi chưa đúng với quy định, chưa có tính thống nhất giữa xã đạt chuẩn y tế, văn hóa, giáo dục. Sau kiểm tra có 17/21 tỉnh đã gửi kết quả rà soát, trong đó có 14 tỉnh báo cáo giảm 55 xã và 9 tỉnh giảm 521 thôn thuộc khu vực III, đồng thời các tỉnh đều có bản sắp xếp các thôn ĐBKK, xã khu vực III theo mức độ khó khăn.

 

Thường trực Hội đồng Tư vấn đang khẩn trương rà soát báo cáo Hội đồng xét duyệt kết quả phân định của các tỉnh, dự kiến sẽ trình cấp thẩm quyền trong tháng 8 năm 2013.     

 

Phóng viên: Về vấn đề kinh phí thực hiện các đề án, chương trình, dự án tại địa phương: Được biết nguồn lực cấp cho các địa phương thực hiện các đề án, dự án hiện nay là rất thấp. Với vị trí là đơn vị chủ trì, quản lý các đề án hỗ trợ phát triển vùng DTTS, xin Thứ trưởng cho biết UBDT sẽ làm như thế nào để đạt được mục tiêu như các đề án đã đề ra?

 

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Sơn Phước Hoan: Trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hết sức khó khăn, các đối tượng hộ nghèo và cận nghèo, địa bàn khó khăn và đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi vẫn tiếp tục được hỗ trợ đầu tư là thể hiện rõ sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện chính sách dân tộc. Do những khó khăn về ngân sách hiện nay, một số chính sách mới được sửa đổi hoặc ban hành quyết định mới thay thế có định mức thấp, có chính sách không được thay đổi định mức, chỉ kéo dài thời gian thực hiện; nguồn lực hàng năm cấp không đáp ứng theo yêu cầu của các chương trình, dự án là một thực tế.

 

Trước những khó khăn về nguồn lực và tính đặc thù của vùng dân tộc và miền núi, quá trình xây dựng chính sách, Ủy ban dân tộc đã kiên trì tham mưu, phối hợp với các Bộ ngành đề xuất với Thủ tướng Chính phủ nâng định mức một số chính sách và đã được phê duyệt như: Quyết định 54 nâng mức vay ưu đãi cho hộ DTTS đặc biệt khó khăn từ 5 triệu/hộ lên 8 triệu đồng/hộ; Chương trình 135 theo Quyết định 551/QĐ-TTg, năm 2012 và 2013 thực hiện theo định mức và vốn đã được phân bổ, năm 2014 và 2015 tăng 1,5 lần so với định mức vốn năm 2013, các năm tiếp theo bố trí tăng phù hợp với khả năng ngân sách nhà nước; Quyết định 755/QĐ-TTg thay thế quyết định Quyết định 1592/QĐ-TTg về Chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2013-  2015 cũng tăng các định mức như: hỗ trợ nước sinh họat phân tán hỗ trợ từ NS Trung ương 1 triệu lên bình quân 1,3 triệu đồng/ hộ; công trình nước tập trung hỗ trợ từ ngân sách trung ương 1.000 triệu lên bình quân 1.300 triệu đồng/công trình; Hỗ trợ đất sản xuất từ 20 triệu/hộ (hỗ trợ 10 triệu và vay ưu đãi 10 triệu đồng/hộ) lên 30 triệu đồng/ hộ, (hỗ trợ 15 triệu và cho vay ưu đãi 15 triệu đồng/hộ)… Tuy định mức còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế nhưng với mức tăng của các chính sách nêu trên cũng đã thể hiện sự chỉ đạo tập trung của Chính phủ nhằm chăm lo cho hộ nghèo và địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc và miền núi.

 

Để đảm bảo thực hiện có hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ, đầu tư của nhà nước, Ủy ban Dân tộc đang tập trung xây dựng các thông tư hướng dẫn để sớm đưa chính sách đi vào cuộc sống. Trong tham mưu xây dựng chính sách và thông tư hướng dẫn luôn chú trọng điều chỉnh cơ chế nhằm nâng cao vai trò chủ động và phân cấp mạnh cho địa phương để lồng ghép, kết hợp nhiều nguồn vốn  thực hiện chính sách trên địa bàn. Xây dựng cơ chế chính sách theo nguyên tắc công khai, dân chủ, minh bạch, nâng cao vai trò giám sát của người dân, địa phương trực tiếp thụ hưởng, hạn chế tư tưởng trông chờ, ỷ lại; có cơ chế khen thưởng, khuyến khích các địa phương làm tốt; Phối hợp với các Bộ ngành liên quan triển khai vốn đồng bộ, có văn bản chỉ đạo các địa phương tập trung vốn dứt điểm từng công trình, tránh đầu tư dàn trải, manh mún gây lãng phí nguồn lực; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các công trình, chính sách; định kỳ sơ kết, tổng kết đánh giá hiệu quả chính sách. 

 

Phóng viên: Xin cảm ơn Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm đã trả lời phỏng vấn !

Nhóm Phóng viên