Tham dự Hội nghị còn có gần 600 đại biểu, đại diện các ủy ban của Quốc hội, các Ban của Đảng, Văn phòng Chính phủ; các Bộ, ban, ngành đoàn thể Trung ương, lãnh đạo Bộ Y tế, các Cục, Vụ, Viện, Tổng cục thuộc Bộ Y tế; lãnh đạo Ủy ban nhân dân, Ban Tuyên giáo, Sở Y tế, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước; đại diện một số tổ chức quốc tế tại Việt Nam…
Hội nghị nhằm đánh giá kết quả 10 năm thực hiện pháp lệnh dân số (PLDS) của Việt Nam; đồng thời đưa ra những khuyến nghị cho dự án Luật Dân số.
Pháp lệnh Dân số (PLDS) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI thông qua ngày 9/1/2003, có hiệu lực từ ngày 1/5/2003 và Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 PLDS được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XII thông qua ngày 27/12/2008, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/2/2009 và các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành PLDS của Chính phủ, của các Bộ, ngành có liên quan.
PLDS là văn bản pháp lý cao nhất của nước ta trong lĩnh vực dân số, có phạm vi điều chỉnh khá rộng và toàn diện, bao gồm những vấn đề liên quan đến kết quả của dân số (quy mô, cơ cấu, phân bổ và chất lượng dân số) và đến quá trình dân số (sinh, chết, di cư, phát triển về thể chất, trí tuệ và tinh thần của con người); quy định các nội dung quản lý nhà nước về dân số và công tác dân số.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh: Sau 10 năm thi hành PLDS, công tác quản lý nhà nước về dân số có nhiều tiến bộ, đạt được những kết quả đáng kể và từng bước đi vào nền nếp. Nhiều quy định của Pháp lệnh Dân số đã được triển khai, đem lại những kết quả tích cực. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về dân số được đẩy mạnh, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng, ý thức tuân thủ pháp luật về dân số của các cơ quan tổ chức, cá nhân có sự chuyển biến tích cực, hiểu biết sâu sắc hơn về sự cần thiết của KHHGĐ, chủ động và tự nguyện thực hiện mô hình gia đình có một hoặc hai con để ổn định quy mô dân số, bảo đảm chất lượng dân số, phân bố dân cư hợp lý và nâng cao chất lượng dân số. Các chỉ tiêu về dân số cơ bản đã đạt được mục tiêu đề ra, mức sinh thay thế ổn định liên tục trong nhiều năm (TFR 2012 = 2,05 con), tuổi thọ bình quân 73 tuổi (năm 2012), tỷ lệ tăng dân số đạt 1,06% năm 2012. PLDS đã góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên theo Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến, sau 10 năm thi hành, Pháp lệnh Dân số cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập trong việc điều chỉnh dân số và công tác dân số cần khắc phục, đó là: nhiều quy định trong PLDS và các văn bản pháp lý liên quan hiện không còn phù hợp với tình hình thực tiễn; tình hình kinh tế - xã hội của đất nước đã có nhiều thay đổi, khoa học công nghệ phát triển vượt bậc đang được ứng dụng trong công tác dân số, y tế, chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình...
Theo ông Arthur Erken- Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNFPA), hội nghị này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong quá trình xây dựng pháp luật về dân số của Việt Nam. Việt Nam đang xây dựng Luật Dân số dựa trên các bài học và kinh nghiệm từ việc thực hiện Pháp lệnh Dân số cũng như các bài học từ các quốc gia khác về những ảnh hưởng của thời kỳ quá độ dân số, mức sinh thấp và đáp ứng chính sách. Ông Arthur Erken cũng chia sẻ 4 thông điệp chính mà UNFPA và cộng đồng quốc tế đang hướng tới, khuyến nghị cho việc xây dựng Luật Dân số ở Việt Nam.
"Tôi tin tưởng rằng Luật Dân số của Việt Nam sẽ được xây dựng dựa trên bằng chứng khoa học và thích ứng với các cơ hội và thách thức của tình hình dân số mới, cũng như đáp ứng được những mong muốn và khát vọng của người dân Việt Nam về một tương lai tươi sáng và thịnh vượng" - ông Arthur Erken nói.
Tại Hội nghị, báo cáo "Kết quả 10 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số” do ông Dương Quốc Trọng – Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ, Bộ Y tế trình bày cho thấy, sau 10 năm thực hiện PLDS, bức tranh dân số nước ta hiện nay đã có nhiều thay đổi căn bản so với trước đây: Mức sinh đã giảm rõ rệt nhưng còn rất khác biệt giữa các vùng miền, tỉnh, thành; vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn tiếp tục gia tăng; làm thế nào để tận dụng cơ hội cơ cấu “dân số vàng"? chăm sóc và phát huy người cao tuổi khi Việt Nam đang “già hóa dân số" rất nhanh; phân bố, quản lý dân cư; di cư và đô thị hóa diễn ra ngày càng mạnh như một quy luật tất yếu trong quá trình phát triển; nâng cao chất lượng dân số, hôn nhân đồng tính, mang thai hộ... là những vấn đề rất mới, cần được điều chỉnh.
Ông Dương Quốc Trọng cho rằng: Với sự phát triển mạnh mẽ của đời sống kinh tế xã hội hiện nay; ý thức và hành vi của người dân về dân số đã có những thay đổi sâu sắc. Những tiến bộ như vũ bão về khoa học công nghệ nói chung, đặc biệt trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ, y tế nói riêng đã tác động tới các quá trình dân số (như thụ tinh trong ống nghiệm, sàng lọc và chẩn đoán trước sinh, việc lạm dụng tiến bộ KHCN để lựa chọn giới tính trước sinh...). Điều đó đòi hỏi cần có sự điều chỉnh hợp lý của pháp luật.
Theo ông Dương Quốc Trọng, trước bối cảnh mới, vấn đề mới, việc nâng cấp từ PLDS lên Luật Dân số là hết sức cần thiết tại nước ta.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Vấn đề dân số vô cùng quan trọng, không chỉ có ý nghĩa tác động đến ngày hôm nay mà có ý nghĩa cho sự phát triển của đất nước trong 30 - 50 năm nữa.
Đề cập về 5 thành tựu nổi bật của công tác DS-KHHGĐ, Phó Thủ tướng cho rằng Việt Nam đã duy trì được tỷ suất sinh, đã đạt và giữ vững mức sinh thay thế trong nhiều năm; duy trì mức sinh hợp lý, giúp Việt Nam có được cơ cấu dân số “vàng"; tuổi thọ người Việt Nam đã cao hơn; tỷ suất chết của trẻ dưới 1 tuổi ngày càng giảm, từ 51%o (phần nghìn) xuống còn 15%o; tỷ suất chết mẹ cũng giảm mạnh…
"Đây là những thành tựu hết sức tự hào. Để đạt được thành tựu trên đây, ngoài sự cố gắng, nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhân dân cả nước, còn có sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, các nước trên thế giới" – Phó Thủ tướng nói.
Cùng với những thành tựu đạt được, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng chỉ rõ những khó khăn, thách thức của công tác DS-KHHGĐ trong thời gian tới. Đó là, tổng tỷ suất sinh của Việt Nam đã đạt mức sinh 2 con nhưng còn có sự khác nhau giữa các vùng miền; tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh còn cao; tỷ suất chết trẻ dưới 5 tuổi ở miền núi rất cao; chăm sóc người cao tuổi không đồng đều, hầu như chỉ mới tập trung tại các thành phố lớn…
Từ những khó khăn, thách thức trên, Phó Thủ tướng đề nghị ngành Dân số khi xây dựng chính sách phải có tầm nhìn xa và phải có sự tính toán cho phù hợp. “Khi xây dựng dự án Luật Dân số, ngành Dân số cần tiếp thu các bài học trong 10 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số, hơn 50 năm thực hiện chính sách dân số của Việt Nam, các bài học quốc tế, cả bài học thành công cũng như chưa thành công… để có được một đạo luật tốt nhất, phù hợp, thúc đẩy công tác dân số nói riêng, sự phát triển của đất nước nói chung” - Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo.
Tại Hội nghị, hơn 20 báo cáo tham luận của các Bộ, ngành, đoàn thể trung ương và của các địa phương tập trung vào việc đánh giá tình hình triển khai và kết quả thực hiện PLDS cũng như các giải pháp về nâng cao chất lượng dân số, kiến nghị bổ sung để nâng cao chất lượng dân số… đã được trình bày./.
Đỗ Thoa (Nguồn: CPV)