Tăng cường vai trò của đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc các cấp trong việc bảo vệ môi trường vùng dân tộc, miền núi

04:19 AM 27/11/2013 |   Lượt xem: 2468 |   In bài viết | 

Cùng với sự phát triển hiện nay, môi trường sinh thái ở vùng dân tộc và miền núi đang bị suy thoái nghiêm trọng: mức độ da dạng sinh học bị giảm sút; nguy cơ rừng bị tàn phá dẫn đến việc đất đai bạc màu, xói mòn xảy ra ở nhiều nơi; tài nguyên thiên nhiên bị khai thác quá mức (đặc biệt là tài nguyên khoáng sản) dẫn đến có nguy cơ bị cạn kiệt, nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng ở nhiều nơi, cân bằng sinh thái bị phá vỡ ... Đây là những vấn đề đã và đang xảy ra hằng ngày, đòi hỏi phải có những kế hoạch, chính sách phát triển khoa học đúng đắn và mang tính hiệu quả, bền vững cao.

Trước thực trang trên, việc bảo vệ môi trường càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết; bởi nó vừa đảm bảo phát triển kinh tế, vừa bảo vệ được môi trường sinh thái, vì vậy, đòi hỏi sự quan tâm chỉ đạo, phối hợp thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả của các cấp, ngành và địa phương có liên quan; sự tham gia có hiệu quả của cộng đồng dân cư; sự đóng góp và tham gia của các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội và của toàn thể nhân dân đối với công tác bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học.

Những năm trước đây, hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc còn nhiều khó khăn trong việc hoàn thiện bộ máy từ Trung ương đến địa phương, nhiều địa phương chưa có bộ máy làm công tác dân tộc, một số địa phương có bộ máy nhưng chưa đồng bộ, thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Do đó, vai trò của cơ quan làm công tác dân tộc với công tác bảo vệ môi trường có phần hạn chế. Tuy nhiên, những năm gần đây, hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc đã tích cực quán triệt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đối với công tác bảo vệ môi trường; tham mưu kịp thời cho Đảng và Nhà nước ban hành những chính sách, giải pháp thiết thực và hiệu quả nhằm từng bước góp phần ổn định và nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc, nâng cao ý thức của người dân trong công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn.

Công tác bảo vệ môi trường trong cả nước đã được thực hiện khá hiệu quả, nhất là khu vực dân tộc thiếu số và miền núi. Bước đầu ngăn chặn được nhiều hiện tượng phá hoại làm suy thoái môi trường; ô nhiễm môi trường giảm đáng kể; sự cố môi trường từng bước được kiềm chế trên phạm vi cả nước. Trong những thành tích chung đó, cơ quan và đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc các cấp đã đóng góp một phần đáng kể.

Để phát huy và tăng cường hơn nữa vai trò, năng lực hoạt động của cơ quan, đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc trong công tác bảo bệ môi trường, cùng với các cấp, các ngành thực hiện tốt các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nói chung, chính sách về môi trường nói riêng; đưa vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển, tiến kịp miền xuôi, đòi hỏi phải tiến hành đồng bộ các giải pháp sau:

1. Kiện toàn bộ máy làm công tác dân tộc các cấp đủ sức thực hiện và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, trong đó có nhiệm vụ bảo vệ môi trường vùng dân tộc và miền núi.

2. Thực hiện lồng ghép quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn vùng dân tộc và miền núi.

3. Nâng cao trình độ mọi mặt của đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc các cấp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đồng bào các dân tộc sinh sống ở vùng dân tộc miền núi về vấn đề bảo vệ môi trường.

4. Tham gia thực hiện, phối hợp chặt chẽ với cơ quan làm công tác môi trường các cấp; các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển của ngành và của đơn vị.

5. Phối hợp với các cơ quan có liên quan tăng cường và đa dạng hoá nguồn lực tài chính cho công tác bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, để thực hiện tốt chiến lược bảo vệ môi trường vùng dân tộc và miền núi trong giai đoạn hiện nay, đòi hỏi các địa phương vùng dân tộc thiểu số và miền núi cần phải có chiến lược phát triển kinh tế - xã hội toàn diện trên cơ sở ban hành các giải pháp thực hiện một cách đồng bộ và xuyên suốt trong quá trình thực hiện. Cần đặt cơ quan và đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc trong công tác, chiến lược bảo vệ môi trường ở vị trí trung tâm, có vai trò đặc biệt quan trọng, có như vậy môi trường sinh thái mới được giữ vững, hiện tượng suy thoái môi trường từng bước bị khống chế và đẩy lùi, mức độ đa dạng sinh học được duy trì và bảo tồn phát triển góp phần tích cực vào công cuộc xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong giai đoạn hiện nay và trong những năm tiếp theo.                                                                          

Duy Hạnh