Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững
04:06 PM 09/06/2014 | Lượt xem: 1816 In bài viết |Thực hiện chương trình giám sát năm 2014, Quốc hội đã dành cả ngày để nghe và cho ý kiến vào Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005 - 2012. Trong phiên làm việc ngày hôm nay đã có 34 đại biểu Quốc hội phát biểu tại hội trường. Các ý kiến thảo luận tập trung vào những vấn đề như: Việc ban hành văn bản và tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật giảm nghèo; Việc thực hiện chỉ tiêu giảm nghèo; Về kết quả thực hiện các chính sách chung, gồm: chính sách tín dụng; chính sách hỗ trợ giáo dục - đào tạo; chính sách dạy nghề, tạo việc làm; chính sách y tế, chăm sóc sức khỏe; chính sách hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở, hỗ trợ đất sản xuất và nước sinh hoạt; chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh thông qua các chương trình khuyến nông-lâm-ngư nghiệp và xây dựng mô hình giảm nghèo; Về kết quả thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo đặc thù, gồm: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo; Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi (Chương trình 135 giai đoạn II); Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo (Chương trình 30a); Việc huy động, bố trí nguồn lực dành cho các chương trình giảm nghèo; Về công tác quản lý, điều hành, thanh tra, kiểm tra và kiểm toán các chương trình giảm nghèo; Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể, các tổ chức, các doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và người dân; Đánh giá nguyên nhân và bài học kinh nghiệm đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật giảm nghèo; Kiến nghị việc thực hiện chính sách, pháp luật giảm nghèo…
Đại biểu Lê Thị Nguyệt (đoàn Vĩnh Phúc) nhất trí cao với Báo cáo giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005-2012. Theo đại biểu Lê Thị Nguyệt: Mặc dù báo cáo đã khá đầy đủ và sâu sắc về cả kết quả, hạn chế, nguyên nhân và đề xuất, giải pháp, kiến nghị, tuy nhiên cũng cần đánh giá sâu hơn sự tham gia, đóng góp của các lực lượng vũ trang, biên phòng, tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế để thấy được sức mạnh tổng hợp của cả xã hội trong việc thực hiện chính sách pháp luật về xóa đói giảm nghèo; không chỉ chăm lo cho ăn ở, đi lại, mà còn tập trung vào vấn đề giáo dục đào tạo nghề, chăm sóc sức khỏe, văn hóa thông tin, tạo việc làm, nâng cao dân trí, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, đoàn kết, tương thân tương ái, thực hiện xã hội hóa về giảm nghèo. Đồng thời cũng đánh giá thêm ý thức, trách nhiệm, phát huy nội lực của bản thân người nghèo, gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư.
Đại biểu Lê Thị Nguyệt đề nghị, để đảm bảo mục tiêu giảm nghèo bền vững, cần tập trung và tăng cường nguồn lực cho phát triển vùng, địa bàn khó khăn, có tính chất lõi nghèo trên cơ sở giải quyết đất sản xuất do sức ép về dân số, di cư tự do, tái định cư đối với các dự án thủy lợi, thủy điện. Đối với địa phương hết quỹ đất, có nơi đá nhiều hơn đất như ở Đồng Văn - Mèo Vạc, Hà Giang, thiếu nước khô cằn như ở Bắc Á, Ninh Thuận và một số địa bàn phía bắc miền Trung và Tây Nguyên. Chính phủ cần rà soát để có chính sách chuyển dịch cơ cấu sản xuất để người dân có sinh kế làm ăn, chống tái nghèo.
Theo đại biểu Siu Hương (đoàn Gia Lai), vấn đề đáng quan tâm nhất hiện nay là tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 50% tổng số hộ nghèo, riêng Gia Lai là trên 82%. Một bộ phận cận nghèo, tiệm cận với mức chuẩn nghèo, nguy cơ tái nghèo cao, hàng năm tỷ lệ tái nghèo và phát sinh hộ nghèo mới khoảng 1/3 số hộ nghèo nên giảm nghèo chưa thực sự bền vững, chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư, nhất là các huyện, xã tỷ lệ nghèo còn cao, ngày càng có xu hướng tăng lên.
Với mục tiêu, yêu cầu và nguồn lực hiện nay, công tác giảm nghèo vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt với vùng miền núi, vùng dân tộc thiểu số.
Đại biểu Siu Hương đề nghị Chính phủ xóa dần chính sách cho không các mặt hàng, chuyển sang cơ chế hỗ trợ trực tiếp cho sản xuất, đầu tư, ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất. Đồng thời ban hành chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư vào các địa bàn như huyện, xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đồng tình với báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005 – 2012, đại biểu Nguyễn Trung Thu (đoàn Long An) cho rằng, kết quả giảm nghèo trong giai đoạn qua đã góp phần quan trọng vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống người dân đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng cường khối đoàn kết toàn dân giữ vững an ninh chính trị, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, nâng cao hình ảnh của Việt Nam với thế giới.
Thảo luận tại hội trường, đa số đại biểu Quốc hội cho rằng, việc chọn nội dung, phạm vi vấn đề để giám sát kỳ này về việc thực hiện chính sách pháp luật về giảm nghèo là đúng đắn. Cơ bản các đại biểu Quốc hội nhất trí với Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Với tinh thần nghiêm túc, công phu, Đoàn giám sát đã làm việc với Chính phủ, với các bộ, ngành, các địa phương có sự phối hợp chặt chẽ của Chính phủ, của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Cuộc giám sát đã nhận được sự quan tâm của các Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội và cử tri.
Kết luân phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định: Qua giám sát, Quốc hội tiếp tục khẳng định chính sách giảm nghèo của Đảng và Nhà nước đã được kiên trì thực hiện nhất quán, được sự quan tâm đặc biệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân, các lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân. Đây là một nội dung góp phần minh chứng cho tính ưu việt của chế độ ta là kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và thực hiện công bằng xã hội để thu hẹp dần khoảng cách về trình độ phát triển, về mức sống giữa các vùng, giữa các dân tộc, giữa các tầng lớp nhân dân cho nên lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước được giữ vững.
Qua giám sát, các vị đại biểu Quốc hội đều cho rằng việc xây dựng chính sách pháp luật từng bước được hoàn thiện và tổ chức thực hiện đạt kết quả quan trọng. Quốc hội đã ban hành hàng chục luật và nghị quyết về vấn đề này, Chính phủ đã ban hành hàng trăm nghị định, quyết định, các bộ, ngành có nhiều văn bản hướng dẫn thi hành, công tác tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật trong lĩnh vực giảm nghèo kịp thời qua Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, qua các cơ quan thông tin tuyên truyền đã góp phần tạo được sự đồng tâm, đồng thuận và sự nhất trí cao hưởng ứng của nhân dân và nhân dân tích cực hưởng ứng. Phát huy được truyền thống đoàn kết và tinh thần tương thân tương ái của dân tộc.
Các đại biểu Quốc hội cũng nhất trí với báo cáo là tỷ lệ giảm hộ nghèo của nước ta đã đạt và vượt chỉ tiêu, kết quả giảm nghèo đã góp phần quan trọng vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống của người dân, đặc biệt là bộ phận dân cư ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Uy tín và hình ảnh của Việt Nam trước bạn bè quốc tế được nâng lên. Cụ thể các chính sách về tín dụng, chính sách dạy nghề, tạo việc làm, chính sách về y tế, chăm sóc sức khỏe của nhân dân, chính sách về giáo dục, đào tạo, chính sách về nhà ở, các chính sách đặc thù cho các dân tộc thiểu số còn ít người như về đất ở, đất sản xuất, chương trình nước sạch, chương trình thủy lợi, khai hoang, định canh, định cư ở các vùng dẻo cao biên giới, chính sách chăm lo cho đồng bào vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo được triển khai sát đối tượng và có hiệu quả thiết thực.
Qua phát biểu ý kiến, các đại biểu cũng thấy qua giám sát các đại biểu góp ý Báo cáo cần tiếp thu và phân tích sâu hơn những mặt còn tồn tại, yếu kém trong lĩnh vực này. Đó là hiện nay mức sống của hộ nghèo, các hộ cận nghèo chưa có sự khác biệt đáng kể, nguy cơ tái nghèo còn cao, chênh lệch giàu, nghèo có xu hướng gia tăng. Tỷ lệ hộ nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn còn cao, khu vực đô thị còn một bộ phận người nghèo, người có thu nhập thấp, số người di cư, người phải chịu rủi ro vì biến đổi khí hậu, vì thiên tai gia tăng. Kết quả giảm nghèo chưa bền vững, việc lồng ghép chính sách và cân đối nguồn lực chưa đáp ứng được yêu cầu. Công tác quản lý và điều phối thực hiện chính sách giảm nghèo còn chồng chéo, có lúc thiếu thống nhất, có lĩnh vực bị buông lỏng hoặc thiếu kiểm tra, giám sát, một số chính sách xã hội còn chậm đổi mới so với chính sách kinh tế. Do đó, chưa động viên, thu hút được sự tham gia của toàn xã hội và khuyến khích chính người được thụ hưởng chính sách tự vươn lên thoát nghèo, để vươn lên làm giàu.
Qua phiên họp giám sát này, các đại biểu Quốc hội đều nhất trí Quốc hội cần ban hành nghị quyết về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững từ năm 2015 đến năm 2020, đặc biệt cũng có đại biểu góp ý kiến nên đến năm 2025.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, để đạt được mục tiêu giảm nghèo bền vững, đó là tiếp tục duy trì tỷ lệ giảm hộ nghèo bình quân trong cả nước ít nhất là 1,5%/ năm, đối với các huyện nghèo thì là 4%. Trong đó cần tập trung vào việc định hướng điều chỉnh chính sách giảm nghèo và rà soát lại chuẩn nghèo có ưu tiên đối với các huyện nghèo, các huyện đông đồng bào dân tộc thiểu số, các huyện, các xã biên giới, các xã, các thôn, các bản vùng đặc biệt khó khăn. Đặc biệt cần quan tâm hơn nữa đến vùng bãi ngang, ven biển, hải đảo gắn với việc xây dựng nông thôn mới và để thực hiện được phương châm “Nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ”.
Các đại biểu Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ khẩn trương rà soát, sửa đổi, sắp xếp hợp lí các văn bản pháp luật liên quan, bảo đảm cân đối nguồn lực để nâng cao chất lượng hơn nữa các chương trình về giáo dục ở các vùng khó khăn. Đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chấn chỉnh và tăng cường quản lí nhà nước về chương trình giảm nghèo, sớm có bộ chuẩn nghèo mới, phù hợp với thông lệ quốc tế. Tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung chính sách về tín dụng, về đất đai, chính sách về dạy nghề, chính sách bảo hiểm, chính sách định canh, định cư và các chính sách hỗ trợ khác để người nghèo được tiếp cận được chính sách để xóa được nghèo, thoát nghèo, tiếp tục vươn lên khá giả hơn.
Đồng thời các đại biểu Quốc hội cũng yêu cầu lãnh đạo các địa phương phải phát huy hơn nữa trách nhiệm trong quản lý về chương trình giảm nghèo, tăng cường chỉ đạo kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách này cũng như các đối tượng thụ hưởng chính sách. Các đại biểu cũng mong muốn nhận được sự quan tâm, phối hợp của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các đoàn thể nhân dân trong việc động viên, giúp đỡ dân còn nghèo để vươn lên thoát nghèo và vươn lên khá giả./.
Mạnh Hùng (Nguồn: CPV)