Nâng cao nhận thức pháp luật cho đồng bào các dân tộc

02:32 AM 10/06/2014 |   Lượt xem: 2364 |   In bài viết | 

Phóng viên: Thưa bà, được biết trong tháng 6/2014, UBDT sẽ tổ chức Hội thi tìm hiểu pháp luật dành cho đồng bào DTTS khu vực Tây Nam Bộ, xin bà cho biết mục đích, ý nghĩa Hội thi lần này có gì khác so với những Hội thi đã được tổ chức ở các khu vực khác? Hội thi lần này sẽ được tổ chức ở đâu? thời gian cụ thể diễn ra như thế nào?

Bà Hoàng Phương Hoa, Vụ trưởng Vụ Pháp chế: Thực hiện Luật Phổ biến giáo dục pháp luật và thực hiện Quyết định 554 của Thủ tướng Chính phủ về tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào DTTS, trong đó có Tiểu đề án 2 giao cho UBDT chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành liên quan, các địa phương để tuyên truyền phổ biến pháp luật cho đồng bào DTTS. Năm 2014, Vụ Pháp chế đã tham mưu cho Lãnh đạo Ủy ban thực hiện Quyết định số 42 ngày 27/2/2014 về việc thành lập Ban Tổ chức, Ban Giám khảo Hội thi tìm hiểu pháp luật dành cho các dân tộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long do UBDT chủ trì phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và UBND của 9 tỉnh: Cà Mau, Kiên Giang, An Giang, Hậu Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Vĩnh Long và Cần Thơ. Trong đó có tỉnh Cà Mau đăng cai tổ chức Hội thi.

 

Cũng như những Hội thi trước đây, mục đích đầu tiên của Hội thi nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ và người dân chấp hành pháp luật; chuyển tải các quy định của pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của cán bộ công chức, người dân nông thôn và đồng bào DTTS; góp phần mở rộng giao lưu, học hỏi, tăng cường đoàn kết giữa các địa phương trong khu vực đồng bằng Sông Cửu Long. Ngoài ra cũng thực hiện các quy định của Luật Phổ biến giáo dục pháp luật, việc tạo điều kiện để đồng bào, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa tiếp cận pháp luật sẽ góp phần xã hội hóa việc tuyên truyền phổ biến pháp luật của nhà nước để đưa pháp luật đi vào cuộc sống, thực hiện sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. 

Hội thi lần này được tổ chức tại Thành phố Cà Mau, diễn ra trong 2 ngày 14-15/6/2014. 

Phóng viên: Trước thềm Hội thi, UBDT cũng đã tổ chức Thi tìm hiểu pháp luật trên Cổng Thông tin Điện tử của cơ quan, đây có phải là điểm mới của Hội thi lần này? và việc tổ chức Thi như vậy có ý nghĩa tác động như thế nào ?

Bà Hoàng Phương Hoa: Trước thềm Hội thi được tổ chức ở đồng bằng Sông Cửu Long, UBDT đã tổ chức thi tìm hiểu pháp luật trên Cổng thông tin điện tử cơ quan UBDT, đây là một điểm mới của Hội thi lần này. Ban Tổ chức mong muốn, Hội thi không chỉ dành cho 9 tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long, mà thông qua Cổng Thông tin Điện tử cơ quan sẽ chuyển tải những câu hỏi của Hội thi tới toàn thể cán bộ, công chức, viêc chức và người lao động thuộc UBDT cũng như tới cán bộ, công chức của các Ban Dân tộc địa phương và những ai quan tâm đến những nội dung của Hội thi lần này. Qua Cổng thông tin điện tử việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật sẽ được lan tỏa, đến được với nhiều người hơn, góp phần giải đáp về pháp luật cho những người quan tâm và có nhu cầu tìm hiểu về pháp luật. 

Phóng viên: Xin bà cho biết hình thức thi sẽ tổ chức như thế nào? nội dung có nhấn mạnh việc gắn liền với yếu tố văn hóa vùng miền hay không? Dự kiến của bà về kết quả cuộc thi như thế nào? 

Bà Hoàng Phương Hoa: Trong Hội thi lần này chúng tôi lựa chọn hình thức thi sân khấu hóa. Với hình thức này các đội phải trải qua 4 phần dự thi: thứ nhất là màn chào hỏi, thứ hai là phần thi trắc nghiệm, thứ ba là phần trả lời tình huống và thứ tư là phần thi tiểu phẩm tuyên truyền pháp luật theo chủ đề. Với việc tổ chức Hội thi tìm hiểu pháp luật bằng hình thức sân khấu hóa, các đội dự thi không chỉ mang đến phần thi về kiến thức pháp luật mà còn lồng ghép những nội dung mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc trong đó. Đặc biệt là ở màn chào hỏi và phần thi tiểu phẩm các đội thi sẽ có cơ hội lồng ghép kiến thức pháp luật với việc sử dụng song ngữ, thể hiện bản sắc văn hóa bằng các làn điệu thơ, ca, hò, vè, các điệu múa, cũng như các đạo cụ, trang phục đặc sắc của các dân tộc.

 

Qua theo dõi từ khi triển khai kế hoạch tổ chức Hội thi cho đến nay chúng tôi thấy rằng các đội đã đăng ký tham gia dự thi đều rất hào hứng, phấn khởi, nghiêm túc tập luyện với tinh thần, trách nhiệm cao. Đặc biệt lãnh đạo các địa phương cũng rất quan tâm, dành một phần kinh phí không nhỏ cho các đội tập luyện. Với tinh thần và khí thế như vậy, chúng tôi nghĩ rằng kết quả của Hội thi này sẽ đạt chất lượng cao và các đội tham gia dự thi đều có cơ hội để dành chiến thắng. 

Thực hiện: Xuân Thường – Sơn Nam