Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng: Triển khai chính sách dân tộc cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị
08:19 AM 09/07/2014 | Lượt xem: 2370 In bài viết |Tham dự buổi làm việc có các đồng chí: Ksor Phước, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Giàng Seo Phử, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT; Nguyễn Văn Nên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; các đồng chí Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT; đại diện Lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương cùng toàn thể Lãnh đạo các Vụ, đơn vị thuộc UBDT.
Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước nhấn mạnh: những thay đổi ở vùng dân tộc, miền núi, nhất là trên lĩnh vực kinh tế-xã hội là rất đáng khích lệ. Điều này khẳng định hiệu quả thiết thực của hệ thống chính sách đầu tư, hỗ trợ vào vùng đồng bào dân tộc, miền núi. Tuy nhiên, qua giám sát, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội nhận thấy, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, giảm nghèo chưa bền vững nên cần tập trung giải quyết. Nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ để giảm nghèo đã được triển khai, nhưng hiệu quả chưa đạt như mong muốn. Do vậy, trong những năm tiếp theo, nhất thiết Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương phải xây dựng được một khung chính sách dân tộc phù hợp hơn, hiệu quả hơn...
Theo Báo cáo rà soát chính sách dân tộc do Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Giàng Seo Phử trình bày cho thấy, giai đoạn 2006 - 2014 đã có 130 chính sách được triển khai thực hiện ở vùng dân tộc, miền núi, trong đó UBDT quản lý 9 chính sách, các Bộ ngành quản lý 121 chính sách. Nguồn lực được bố trí thực hiện các chính sách cho giai đoạn 2006-2012 là 150 nghìn tỷ đồng; trong đó chính sách do UBDT quản lý được bố trí gần 32 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, các địa phương đã chủ động thể chế hoá quan điểm của Đảng, Nhà nước bằng việc ban hành những chính sách riêng phù hợp với địa bàn.
Thông qua hệ thống chính sách đầu tư, hỗ trợ toàn diện trên các lĩnh vực đã giúp diện mạo nông thôn vùng dân tộc, miền núi thay đổi rõ nét, nhất là hạ tầng kinh tế-xã hội. Một số vùng đã có bước phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hoá; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo giảm 3-4%/năm. Lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá-xã hội có bước phát triển; khối đại đoàn kết dân tộc được tăng cường.
Dù đã đạt được những thành tựu quan trọng nhưng vùng dân tộc, miền núi hiện vẫn là vùng khó khăn nhất. Qua rà soát cho thấy, hiện vẫn còn 2.068 xã ĐBKK và hơn 18.000 thôn ĐBKK có tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo trên 45%; Một bộ phận đồng bào DTTS vẫn còn thiếu đói, nhất là vào thời điểm giáp hạt. Các vấn đề như: chất lượng giáo dục, chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng dân số, tình trạng du canh du cư, văn hoá truyền thống của một số dân tộc đang bị mai một... đặt ra yêu cầu cấp bách phải giải quyết. Trong khi đó, một số chính sách đầu tư, hỗ trợ đã hết hiệu lực; một số chính sách không phù hợp với thực tiễn; Một số chính sách đang thực hiện nhưng nguồn lực bố trí không đủ, không kịp thời,...
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Giàng Seo Phử đề xuất với Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan cấp kinh phí cho các chính sách đang thực hiện ở vùng dân tộc, miền núi; cho phép thực hiện Chương trình 135 năm 2014 và 2015 với cơ chế đặc thù. Đối với các chính sách do UBDT quản lý đến năm 2015 hết hiệu lực (gồm các chính sách theo các Quyết định: 755/QĐ-TTg, 54/QĐ-TTg, 33/QĐ-TTg, 29/2013/QĐ-TTg) nhưng nguồn lực cấp không đủ, mục tiêu còn lớn, đối tượng thụ hưởng còn nhiều, UBDT đề nghị Thủ tướng cho phép kéo dài thực hiện đến năm 2020 hoặc tổng hợp thành 1 chính sách được tiếp tục thực hiện từ năm 2016 đến khi hoàn thành mục tiêu.
Bộ trưởng Giàng Seo Phử đề nghị, trong năm 2014-2015, Thủ tướng Chính phủ cho phép UBDT thành lập Học viện Dân tộc theo cơ chế đặc thù; đồng thời xây dựng Đề án chuyển UBDT thành Bộ đa ngành, đa lĩnh vực (Bộ Dân tộc). Đặc biệt, để thực hiện hiệu quả công tác dân tộc, chính sách dân tộc đề nghị Thủ tướng chỉ đạo sớm việc triển khai xây dựng Luật Dân tộc; Trước mắt, đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành triển khai thực hiện đầy đủ nội dung quy định tại Nghị định 05/2011/NĐ-CP về Công tác dân tộc và Quyết định số 2356/QĐ-TTG về phê duyệt Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2030, UBDT đề nghị Thủ tướng cho phép được xây dựng chính sách dân tộc theo nhóm, trong đó có nhóm chính sách đặc thù để hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội, nhóm chính sách theo địa bàn có giải pháp phù hợp đặc thù từng vùng (Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ),... Theo ý kiến thống nhất của các Bộ, ngành sau khi tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia và Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP, UBDT đề nghị hợp nhất đầu mối theo dõi quản lý chỉ đạo một số chính sách còn chồng chéo trên địa bàn dân tộc, miền núi như Chương trình 30a với Chương trình 135 thành chương trình có mục tiêu và giao UBDT làm đầu mối quản lý, theo dõi thực hiện. UBDT cũng đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành khi xây dựng chính sách trên địa bàn dân tộc, miền núi và phân bố nguồn lực cho các chính sách do UBDT quản lý cần có ý kiến trao đổi, thống nhất của UBDT...
Các ý kiến phát biểu của Lãnh đạo các Bộ, ngành tại buổi làm việc đã chỉ ra những nguyên nhân chủ quan và khách quan của những hạn chế, yếu kém của vùng dân tộc và miền núi như xuất phát điểm về kinh tế-xã hội thấp so với mặt bằng chung; đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống chủ yếu ở địa bàn vùng núi cao, độ dốc lớn, thường xuyên xảy ra thiên tai; cơ sở hạ tầng yếu kém; nước ta mặc dù đã có gần 30 năm đổi mới, nhưng thể chế quản lý Nhà nước nói chung và hệ thống chính sách dân tộc nói riêng vẫn đang trong quá trình hoàn thiện và tiếp tục đổi mới; nhận thức về công tác dân tộc, vị trí, vai trò của vùng dân tộc và miền núi trong phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước ở một số Bộ, ngành, địa phương còn chưa sâu sắc; việc khai thác các tiềm năng, lợi thế của vùng hiệu quả chưa cao…
Lãnh đạo một số Bộ, ngành đề xuất cần tiếp tục nâng cao nhận thức, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành, địa phương trong xây dựng và chỉ đạo triển khai chính sách sách dân tộc; xây dựng chính sách dân tộc theo hướng dài hạn, đa ngành, đa lĩnh vực, đa mục tiêu; duy trì các chính sách còn hiệu lực có hiệu quả và rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách bất cập, không phù hợp; quan tâm hơn nữa tới đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho vùng đồng bào dân tộc nhất là đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện; hỗ trợ vốn cho đồng bào phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo; thu hẹp khoảng cách phát triển giữa vùng dân tộc và miền núi với các vùng miền khác trong cả nước; chú trọng công tác hỗ trợ pháp lý cho đồng bào. Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng đề nghị cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền cho đồng bào về pháp luật, bảo vệ môi trường sinh thái; quan tâm đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề, có chất lượng cao, giải quyết việc làm cho lao động vùng dân tộc và miền núi; xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp trong cử tuyển học sinh dân tộc thiểu số vào học tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp…
Kết luận tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Buổi làm việc là một cuộc sơ kết, đánh giá, kiểm tra lại việc triển khai, thực hiện chính sách dân tộc, công tác dân tộc của Đảng, Nhà nước ta trong thời gian qua; cùng nhìn ra những kết quả đạt được, những hạn chế, nguyên nhân, từ đó thống nhất những nhiệm vụ, giải pháp trước mắt, lâu dài, đưa ra những nhiệm vụ thiết thực để thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn đối với các chính sách dành cho đồng bào các dân tộc, công tác dân tộc.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao Báo cáo giám sát của Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội và Báo cáo rà soát chính sách dân tộc của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc. Thủ tướng nhấn mạnh, công tác dân tộc, chính sách dân tộc không Bộ, ngành nào là không có trách nhiệm; Lãnh đạo các Bộ, ngành phải hết sức quan tâm và phải nắm chắc thực trạng vùng đồng bào dân tộc thiểu số để gắn với nhiệm vụ của Bộ, ngành mình.
Qua rà soát, đánh giá, giám sát và kiểm tra đã nhìn thấy các mặt được, những mặt chưa được, những hạn chế, yếu kém của những công việc đã và đang triển khai. Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chủ trì phối hợp với Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT và các Bộ, ngành dự thảo “Kết luận của Thủ tướng tại buổi làm việc với Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và UBDT ” và dự thảo “Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu xác định những công việc của các Bộ, ngành phải làm trong thời gian tới” với yêu cầu các Bộ phải được giao nhiệm vụ rõ ràng và có kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở trong thực hiện chính sách dân tộc, công tác dân tộc, đem lại hiệu quả tốt hơn, hiệu quả hơn.
Thủ tướng Chính phủ lưu ý: chính sách dân tộc, công tác dân tộc của Đảng, Nhà nước ta là một vấn đề chiến lược cơ bản lâu dài, không chỉ ở nước ta mà các nước trên thế giới đều xem chính sách dân tộc, công tác dân tộc là vấn đề có ý nghĩa cơ bản, lâu dài. Đối với nước ta, đây là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên của Đảng, Nhà nước ta, của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị và kết quả thực hiện chính sách dân tộc quyết định sự phát triển và ổn định, bền vững của đất nước. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội phải được phát triển trên nền tảng lòng tin, sự đồng thuận của nhân dân ủng hộ chủ trương của Đảng, Nhà nước, do đó để ổn định thì yêu cầu chính sách phải tốt, điều đó càng khẳng định vị trí của công tác dân tộc.
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các chủ trương được đề ra về chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước thời gian qua là hết sức đúng đắn và phù hợp, sớm được cụ thể hóa và đi vào thực tiễn cuộc sống, qua đó đã mang lại những kết quả tích cực, làm cho diện mạo vùng dân tộc và miền núi không ngừng được thay đổi. Những nỗ lực của cả hệ thống chính trị cũng như những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc, đặc biệt là những kết quả về giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách phát triển, được Liên Hợp quốc, các tổ chức quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nêu rõ cần nghiêm túc nhìn nhận, tập trung giải quyết, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong phát triển vùng dân tộc và miền núi, như tỷ lệ hộ nghèo còn cao; còn một bộ phận đồng bào thiếu đất sản xuất, điều kiện sản xuất khó khăn, trình độ canh tác, hiệu quả sản xuất thấp; y tế, giáo dục-đào tạo còn kém phát triển, trình độ dân trí thấp; cơ chế phối hợp trong thực hiện chính sách dân tộc nhiều lúc còn chưa hiệu quả…
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo, các Bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục quán triệt sâu sắc, nâng cao nhận thức về công tác dân tộc, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước; quan tâm, chăm lo thực hiện công tác dân tộc bằng tất cả quyết tâm của mình, bằng các chương trình, kế hoạch, giải pháp cụ thể, hiệu quả để làm tốt hơn nữa công tác dân tộc, chính sách dân tộc.
Cùng với đó, cần tiếp tục phát huy hiệu quả các cơ chế, chính sách hiện có, đặc biệt là chính sách cho vay, hỗ trợ đồng bào phát triển sản xuất, nâng cao đời sống; đồng thời lưu ý rà soát, bổ sung hoặc đề xuất bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với công tác dân tộc theo hướng đi thẳng vào khắc phục, xử lý những hạn chế, yếu kém, vướng mắc, bất cập còn tồn tại; huy động, tính toán bố trí tối đa nguồn lực, tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát trong thực hiện chính sách dân tộc.
Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tính toán lại nguồn lực bố trí tối đa ngân sách đối với các chính sách đã được ban hành đang thực hiện ở vùng đồng bào dân tộc và miền núi; rà soát và xây dựng chính sách dân tộc giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030....
Xuân Thường - Sơn Nam