Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Giàng Seo Phử chủ trì Hội nghị sơ kết 1 năm triển khai thực hiện Chiến lược công tác dân tộc và 3 năm thực hiện Nghị định 05

08:31 AM 17/07/2014 |   Lượt xem: 1819 |   In bài viết | 

Tham dự Hội nghị còn có các đại biểu đại diện một số Bộ, ngành Trung ương, Lãnh đạo tỉnh, Ban Dân tộc các địa phương thuộc các tỉnh miền Đông và Tây Nam bộ; Lãnh đạo một số Vụ, đơn vị thuộc UBDT.

Theo báo cáo tại Hội nghị cho thấy: Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành 2 quyết định, Quyết định số 449/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020. Chiến lược xác định rõ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, nhanh, bền vững; đẩy mạnh công tác giảm nghèo vùng DTTS, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các dân tộc, giảm dần vùng ĐBKK; từng bước hình thành các trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học vùng DTTS, phát triển nguồn nhân lực, hoàn thành cơ bản định canh, định cư. Bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, tăng cường số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là người DTTS; củng cố hệ thống chính trị cơ sở, giữ vững khối đại đoàn kết các dân tộc, đảm bảo ổn định an ninh, quốc phòng.

Sau một năm triển khai Chiến lược công tác dân tộc, UBDT đã phối hợp với các Bộ, ban, ngành, từ Trung ương đến địa phương thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền; tổ chức các đoàn đi kiểm tra, đôn đốc và thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm, nhất là các đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt như: Chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản ĐBKK; chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư cho đồng bào DTTS đến năm 2015; thực hiện chương trình hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã ĐBKK, xã biên giới...; sửa đổi chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc. 

Bên cạnh đó, trong quá trình tổ chức thực hiện, mỗi địa phương vẫn còn gặp những khó khăn nhất định, nên kết quả đạt được còn chưa tương xứng so với yêu cầu đặt ra; Trình độ phát triển kinh tế - xã hội còn thấp; Tình trạng du canh, du cư vẫn chưa được khắc phục một cách cơ bản, nên đời sống đồng bào DTTS, miền núi còn nhiều khó khăn, thậm chí có nơi rất khó khăn, chưa giải quyết triệt để vấn đề nghèo đói.

Đánh giá Nghị định số 05 về công tác dân tộc, sau 3 năm thực hiện đã khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào DTTS, miền núi; nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng ĐBKK, góp phần thúc đẩy phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng... trong giai đoạn hiện nay. 
 
Tại Hội nghị, đa số ý kiến của các đại biểu đều thống nhất với các báo cáo đánh giá, đồng thời cũng đưa ra nhiều giải pháp nhằm nâng cac hiệu quả hơn nữa của Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 cũng như những nội dung của Nghị định 05.
 
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Giàng Seo Phử nhấn mạnh: Hội nghị là cơ sở để tiếp tục triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng của Chính phủ trong phạm vi cả nước về công tác dân tộc. Bộ trưởng lưu ý các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ của mình xây dựng kế hoạch triển khai Chiến lược công tác dân tộc phù hợp với từng địa phương, cần có những cải tiến, đặc thù cho từng vùng; khẩn trương ban hành các văn bản của các bộ, ngành về công tác dân tộc nhưng phải thống nhất về tiêu chí đánh giá cũng như bình xét cho từng đối tượng thụ hưởng. Bộ trưởng mong muốn, trong thời gian tới UBDT tiếp tục nhận được sự ủng hộ của các cơ quan Trung ương và địa phương trong việc phối hợp triển khai các chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, từng bước tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, tăng thêm lòng tin của đồng bào DTTS.
 
 Bộ trưởng nhấn mạnh thêm, trên cơ sở đóng góp ý kiến của các đại biểu, trong thời gian tới UBDT cùng các bộ, ngành và các địa phương sẽ tiếp tục cùng nhau bàn bạc, phân tích kỹ những biến động mới, những phát sinh mới trong vùng đồng bào DTTS, miền núi làm cơ sở cho việc xây dựng chính sách để đầu tư, bố trí nguồn lực, ưu tiên đạt hiệu quả thiết thực, hướng tới nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS và miền núi một cách bền vững. 

Hạnh Nguyên