“Chính sách và giải pháp trong việc bảo đảm quyền các dân tộc thiểu số Việt Nam”

05:16 AM 02/04/2015 |   Lượt xem: 2052 |   In bài viết | 

Mục tiêu của cuốn sổ tay nhằm phổ biến thành tựu trong bảo đảm quyền con người của các DTTS của Nhà nước Việt Nam, cũng như tăng cường nhận thức của các cán bộ và người dân vùng DTTS về nội dung quyền; hệ thống các chính sách dân tộc và giải pháp nhằm đảm bảo quyền của người DTTS tại Việt Nam.

Bình đẳng giữa các dân tộc là một nguyên tắc cơ bản có ý nghĩa quan trọng hàng đầu trong chính sách dân tộc về quyền của các DTTS ở Việt Nam. Quyền bình đẳng giữa các dân tộc, trước hết là quyền bình đẳng về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội. Mỗi người dân thuộc các DTTS là chủ thể thụ hưởng các quyền bình đẳng và cũng là chủ thể thực hiện các quyền đó. Đảng và Nhà nước luôn coi trọng việc nâng cao ý thức của người dân để đảm bảo trong việc thụ hưởng và thực hiện các quyền bình đẳng trên cơ sở tuân thủ pháp luật.

Để thực hiện quyền bình đẳng và phát triển đồng đều giữa các dân tộc, Chính phủ Việt Nam đã ban hành các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các dân tộc. Các chính sách được ban hành khá đầy đủ và toàn diện, bao quát hầu hết các lĩnh vực kinh tế, giáo dục, y tế, văn hoá, thông tin…, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để huy động nguồn lực và tập trung thực hiện có hiệu quả sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội ở vùng DTTS. Nhờ có hệ thống chính sách đồng bộ, kịp thời và việc chỉ đạo thực hiện có hiệu quả của các cấp, các ngành cùng sự đồng tâm hưởng ứng của đồng bào nên diện mạo của vùng DTTS đã có những đổi thay rất cơ bản. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào được nâng cao từng bước, tình hình chính trị - xã hội được ổn định, quốc phòng – an ninh được giữ vững, văn hoá các dân tộc được tôn trọng, giữ gìn, phát huy và phát triển…

Là đơn vị chủ trì biên soạn cuốn sách “Chính sách và giải pháp trong việc bảo đảm quyền các dân tộc thiểu số Việt Nam”, bà Trần Nữ Ngọc Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, người trực tiếp tham gia biên soạn cuốn sách chia sẻ: “với những thông tin mang tính khái quát, cuốn sách cung cấp cho cán bộ làm công tác dân tộc ở cơ sở, các trưởng thôn, bản, người có uy tín và người dân về: quyền cơ bản của các DTTS theo quy định của Hiến pháp, pháp luật; hệ thống các chính sách và thành tựu; những khó khăn thách thức, cùng một khuyến nghị của bạn bè quốc tế trong đảm bảo quyền của các DTTS cần tiếp tục quan tâm, giải quyết; đồng thời nêu một số giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả các chính sách trong đảm bảo quyền của các DTTS Việt Nam hiện nay”.

Bà Hoàng Phương Thảo, Trưởng đại diện Tổ chức AAV khẳng định: “Không dừng lại ở việc xuất bản cuốn sách, AAV cam kết tiếp tục phối hợp cùng UBDT thực hiện tốt thoả thuận hợp tác được ký kết giữa hai bên và phát huy tối đa về các lĩnh vực nhân rộng mô hình sinh kế bền vững cho thanh niên dân tộc miền núi đã thực hiện thành công tại Nghệ An để đưa ra khuyến nghị chính sách mới về sinh kế và việc làm cho thanh niên DTTS; Khảo sát các hoạt động liên quan đến cam kết của Việt Nam về Quyền của người DTTS và phổ biến về hệ thống pháp luật, chính sách nhằm đảm bảo quyền của người dân tộc thiểu số; Đẩy mạnh quyền của trẻ em dân tộc thiểu số được học bằng tiếng dân tộc.”

Trong những năm qua, Tổ chức AAV đã mở rộng phạm vi và các chương trình hoạt động tới hơn 20 tỉnh/thành ở những khu vực khó khăn và nghèo nhất đất nước tại miền núi Tây Bắc, miền Trung Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long. AAV được Chính phủ Việt Nam, các đối tác phát triển và cộng đồng công nhận và biết đến nhờ những đóng góp vào công cuộc phát triển vùng đồng bào DTTS của Việt Nam.

Sơn Nam