Nên mở rộng cho vay ưu đãi đối với hộ mới thoát nghèo
10:27 AM 25/05/2015 | Lượt xem: 1884 In bài viết |Qua giám sát và tiếp xúc cử tri, Phó Chủ tịch HĐDT Giàng A Chu cho biết, chính sách tín dụng với học sinh sinh viên, cho vay xuất khẩu lao động, cho vay đào tạo nghề được đánh giá là có hiệu quả cao và có ý nghĩa thiết thực đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Ông cũng đề xuất mở rộng cho vay ưu đãi đối với hộ vừa thoát nghèo để có thể xóa đói giảm nghèo bền vững.
- Thời gian qua, Nhà nước đã có
nhiều chính sách ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách trên
phạm vi cả nước. Nhưng, việc thực hiện nâng cao đời sống vật chất và tinh thần
cho người nghèo, thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển giữa các vùng, địa
bàn và giữa các dân tộc, nhóm dân cư còn gặp nhiều khó khăn, thưa Ông?
- Qua giám sát việc thực hiện các chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn
2004 - 2014 có thể nói chính sách về giảm nghèo đã được triển khai, thực hiện
khá toàn diện trên phạm vi cả nước nói chung, các vùng miền núi nói riêng.
Chính phủ đã xây dựng các chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình có mục
tiêu để cụ thể hóa chính sách giảm nghèo như Chương trình 135 giai đoạn 3 cho
các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; Chương trình 30a của Chính phủ cho các
huyện nghèo nhất cả nước; Chương trình xây dựng nông thôn mới hay các chương
trình tín dụng cho các hộ nghèo…
Qua giám sát, chúng tôi thấy, các bộ, ngành, địa phương đánh giá cao những chính
sách, pháp luật về giảm nghèo trong thời gian qua. Các chương trình, chính sách
của Trung ương đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng khó khăn,
vùng dân tộc thiểu số; hỗ trợ người nghèo phát triển sản xuất, khắc phục khó
khăn, tạo thêm nguồn lực vươn lên trong cuộc sống như hỗ trợ đất ở, đất sản xuất,
nước sinh hoạt; chuyển giao, đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật đến với hộ nghèo
dân tộc thiểu số; cho vay ưu đãi với hộ nghèo…
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan, vùng miền núi, dân
tộc, vùng sâu vùng xa chưa đạt được mục tiêu đề ra là giảm nghèo nhanh và bền
vững. Tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2014 còn cao, ở miền núi chiếm trên 50% số hộ nghèo
cả nước trong khi dân số ở đây chỉ chiếm khoảng 14%. Nhiều huyện vẫn còn tỷ lệ
hộ nghèo cao, chiếm 60 - 70%. Đây là thách thức không nhỏ cho các địa phương
trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội những năm tới.
- Ông đánh giá như thế nào về các chương trình tín dụng ưu đãi đối với bà con
vùng đồng bào dân tộc thiểu số?
- Chính sách cho vay ưu đãi với hộ nghèo có nhiều nội dung với đối tượng, mức
vay, thời hạn vay khác nhau. Qua giám sát và tiếp xúc cử tri tại các địa bàn có
bà con dân tộc thiểu số sinh sống, bà con đã ghi nhận và đánh giá rất cao chính
sách tín dụng cho vay để phát triển sản xuất. Nhiều bà con được vay vốn tín dụng
ưu đãi đã mua trâu, bò, gia súc, đổi mới giống cao sản, giống kỹ thuật để đưa
vào sản xuất... Sau một chu kỳ sản xuất, hay một chu kỳ vay, bà con đã hoàn trả
vốn đúng thời hạn. Chính vì làm ăn có hiệu quả nên người dân mới có điều kiện để
trả lại vốn cho Nhà nước. Số hộ rơi vào tình trạng rủi ro đến kỳ trả lãi mà
không trả được chiếm tỷ lệ rất thấp.
Ngoài ra, chương trình cho vay học sinh, sinh viên, cho vay lao động xuất khẩu,
cho vay đào tạo nghề cũng được đánh giá là có hiệu quả cao và có ý nghĩa thiết
thực đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Một số nơi đã tận dụng rất tốt chương
trình cho vay học sinh, sinh viên. Chương trình này một mặt giúp các em học sinh
có điều kiện đến trường, mặt khác tạo nguồn nhân lực cho địa phương. Đây là một
trong những chính sách được địa phương đánh giá rất cao.
- Ông có kiến nghị gì để chính sách tín dụng phát huy hiệu quả trong giảm nghèo
bền vững?
- Theo tôi, cần tiếp tục duy trì chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo. Diện
nghèo trong xã hội còn rất lớn, nhất là đối với bà con vùng sâu, vùng xa, vùng
đặc biệt khó khăn. Hiện nay, những huyện, xã thuộc diện nghèo còn trên 50% và họ
rất cần chính sách tín dụng ưu đãi để hỗ trợ. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành,
địa phương nên mở rộng cho hộ cận nghèo và các hộ đã thoát nghèo tiếp tục được
vay vốn trong một thời gian nhất định để giúp họ có lực thoát nghèo bền vững.
Đặc biệt, đối với các hộ vay để sản xuất nên cho vay thời hạn ít nhất 5 năm. Đối
với vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn nên khuyến khích các hộ gia
đình đầu tư vào sản xuất và có sự kiểm soát của cộng đồng, các đoàn thể, hạn chế
tối đa việc vay vốn về để tiêu dùng.
- Xin cám ơn Ông!
Văn Thăng (Nguồn: daibieunhandan)