Nguồn vốn cho chính sách dân tộc chưa bảo đảm nhu cầu
10:29 AM 27/05/2015 | Lượt xem: 1807 In bài viết |Theo Báo cáo kết quả rà soát chính sách dân tộc giai đoạn 2006-2014 của Ủy ban Dân tộc, hiện nay có 130 chính sách dân tộc được thể hiện qua 177 văn bản tại 37 Nghị định, Nghị quyết của Chính phủ và 140 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, Ủy ban Dân tộc quản lý 9 chính sách và các Bộ, ngành quản lý 121 chính sách. Ngoài ra, các địa phương đã chủ động thể chế hóa quan điểm của Đảng và Nhà nước bằng việc ban hành chính sách riêng phù hợp với địa bàn.
Tuy nhiên, tại Phiên họp toàn thể của Hội đồng Dân tộc (HĐDT) lần thứ 11 vừa qua, đa số ý kiến cho rằng, một số chính sách dân tộc thực hiện chưa hiệu quả; nhiều chính sách dân tộc hết hiệu lực nhưng mục tiêu chưa hoàn thành. Theo đánh giá của Thứ trưởng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Sơn Phước Hoan, nội dung một số chương trình còn trùng lặp về địa bàn và đối tượng thụ hưởng, mục tiêu của chính sách thường lớn, thời gian thực hiện ngắn và nguồn lực không bảo đảm nên hiệu quả thấp; có chính sách định mức thấp, thời gian thực hiện kéo dài nên khó triển khai.
Thực tế cũng cho thấy, từng chương trình, chính sách đều có cơ chế quản lý, thanh toán, quyết toán riêng nên khó lồng ghép tại địa phương. Cơ chế khuyến khích đối với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt chính sách cũng như chế tài đủ mạnh xử lý các trường hợp triển khai chậm, kém hiệu quả đều chưa có. Hiện cũng chưa có cơ chế tạo điều kiện cho các địa phương tự cân đối ngân sách chủ động bố trí kinh phí thực hiện chính sách dân tộc với định mức cao, phù hợp với thực tế.
Tại Phiên họp thứ Ba mươi sáu, khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) chất vấn về việc thực hiện Chương trình 135 hỗ trợ đầu tư hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất và một số vấn đề xã hội của các xã vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, an toàn khu và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Thanh Hóa Lê Nam đã chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử: hiện có quá nhiều chính sách đang triển khai tại các tỉnh miền núi, vùng dân tộc, việc thực hiện các chính sách tản mạn, phân tán, do nhiều đầu mối thực hiện, dễ gây thất thoát trong quản lý, khó đánh giá hiệu quả. Đây cũng là ý kiến của nhiều ĐBQH khi đánh giá về hiệu quả triển khai chính sách dân tộc thời gian vừa qua.
Tại Phiên họp toàn thể lần thứ 11 của HĐDT lần này, ĐBQH Chu Lê Chinh (Lai Châu) nêu một thực tế, hệ thống chính sách dân tộc thì nhiều nhưng chất lượng triển khai không đạt, các chính sách phân tán, không có đầu mối chịu trách nhiệm chính. Bên cạnh đó, cán bộ là người dân tộc đang thiếu về số lượng, hụt về chất lượng. Nếu không có cán bộ là người dân tộc thì không thể có những chính sách dân tộc phù hợp với thực tiễn.
Tại sao có rất nhiều chính sách dân tộc nhưng thực hiện lại chưa hiệu quả? Chúng ta thiếu hành lang pháp lý về chính sách dân tộc, thiếu cơ chế chịu trách nhiệm hay đang yếu ở khâu triển khai thực hiện.
Lý giải về vấn đề này, có ý kiến cho rằng, hiện nay việc thực hiện chính sách dân tộc đang có quá nhiều đầu mối quản lý, trong khi đó, cơ chế chịu trách nhiệm chưa rõ ràng và quyết liệt. Dù đã có quy định về phân cấp, phân quyền cho địa phương nhưng lại chưa triệt để, có phân cấp nhưng không phân quyền. Đôi khi, địa phương cứ phải “chạy đi, chạy lại”, không chủ động được trong việc thực hiện các chương trình theo thực tế của địa phương. Một số chính sách dân tộc chưa đi vào thực tế là do chúng ta chưa khảo sát thực tế thấu đáo trước khi ban hành.
Một nguyên nhân khác theo đại biểu Lê Chinh là, đang thiếu hành lang pháp lý về vấn đề dân tộc, chính sách dân tộc. Hiện nay văn bản pháp lý cao nhất là Nghị định số 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ (ngày 14.1.2011) về công tác dân tộc. Sắp tới, cần có luật hay pháp lệnh về vấn đề dân tộc mới đủ căn cứ pháp lý để điều chỉnh, đại biểu Chinh nhấn mạnh.
Thiếu nguồn vốn thực hiện
Cách đây không lâu, khi trả lời chất vấn trước UBTVQH về vấn đề chính sách dân tộc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử cho rằng Chương trình 135 hợp lòng dân, tạo được hiệu quả thiết thực, rõ nét. Tuy nhiên do nguồn lực hạn chế nên hiện còn nhiều nội dung của chương trình chưa được triển khai. Trước thực tế vốn cấp cho Chương trình 135 không chỉ thấp mà còn rất chậm, Bộ trưởng Giàng Seo Phử đề xuất QH, Chính phủ cần tiếp tục quan tâm hơn nữa tới vấn đề này. Theo Bộ trưởng, giải pháp đột phá chỉ có thể là tiếp tục cấp vốn để thực hiện Chương trình 135...
Thứ trưởng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Sơn Phước Hoan cho biết, năm 2015, một số chính sách dân tộc hết hiệu lực nhưng mục tiêu lại chưa hoàn thành, đối tượng thụ hưởng còn lớn, vốn cấp năm 2015 chỉ đạt 32% kế hoạch. Việc cân đối, bố trí ngân sách cho các chính sách chưa chủ động, chưa bảo đảm cho các mục tiêu và kế hoạch đã được phê duyệt nên ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả chính sách.
Trở lại với câu chuyện mối quan hệ giữa chính sách và thực thi, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk Y Khút Niê cho rằng, nhiều chính sách mà không thực hiện được thì mất niềm tin với nhân dân. Để nâng cao hiệu quả thực hiện cũng như trách nhiệm quản lý, thời gian tới, nên giao chính sách dân tộc cho Ủy ban Dân tộc làm đầu mối.
Việc rà soát, lồng ghép thực hiện các chương trình để không bị lãng phí nguồn lực là điều hết sức cần thiết. Tuy nhiên, một điều không thể phủ nhận được là, dù chính sách có hay đến mấy, có nhân văn đến mấy nhưng không có nguồn lực để thực hiện thì cũng không thể giải quyết được những yêu cầu của thực tiễn. Vì vậy, dành nguồn vốn hợp lý đủ để bảo đảm thực hiện các chương trình nhằm giải quyết nhu cầu thiết yếu cho đồng bào dân tộc là điều mà chúng ta cần phải hết sức quan tâm.
Hà AN (Nguồn: daibieunhandan.vn)