Vốn vay chính sách đến khắp buôn làng Tây Nguyên

03:31 AM 09/07/2015 |   Lượt xem: 2420 |   In bài viết | 

Xin ông đánh giá đôi nét về kết quả thực hiện các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn Tây Nguyên?

Trong những năm qua, Thủ tướng Chính phủ giao chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng tín dụng cho NHCSXH khoảng 7% thì chúng tôi giao chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng cho địa bàn 3 vùng chiến lược Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ khoảng trên dưới 10%, cao hơn bình quân chung của toàn quốc. Năm 2015, Thủ tướng giao bổ sung tăng trưởng thêm 3,5% lên mức 10% thì chúng tôi cũng đang chỉ đạo phân bổ thêm cho các tỉnh miền núi và 3 khu vực trên.

Đến nay, ở địa bàn Tây Nguyên, NHCSXH đang thực hiện 18 chương trình tín dụng với tổng dư nợ đạt trên 14.775 tỷ đồng, với trên 649.000 hộ nghèo và đối tượng chính sách đang còn dư nợ. Dư nợ tín dụng trên địa bàn tập trung vào một số chương trình tín dụng chính sách sau: Cho vay ưu đãi đối với hộ nghèo (chiếm 33%), trong đó chú trọng ưu tiên cho vay hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số, cho vay ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện để các hộ có vốn sản xuất, kinh doanh, cải thiện cuộc sống... Chương trình hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn (chiếm 19,4%) giúp các hộ không phải là hộ nghèo rất cần vốn để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh nhưng không vay được từ các ngân hàng thương mại vì không có tài sản thế chấp. Chương trình cho vay học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn (chiếm 16%) đảm bảo không có trường hợp học sinh, sinh viên nào phải bỏ học vì khó khăn về tài chính. Chương trình hộ cận nghèo tuy mới triển khai được 2 năm nhưng đã chiếm tỷ trọng 13,7% tổng dư nợ, giúp hộ nghèo thoát nghèo một cách bền vững. Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (chiếm 8,5%) đã góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân Tây Nguyên…

Những năm qua, chi nhánh NHCSXH các tỉnh trên địa bàn Tây Nguyên đã đưa được nguồn vốn tín dụng chính sách đến với 100% xã, phường, thị trấn. Đến nay, vốn NHCSXH cho vay đã giúp trên 567.000 lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho gần 332.000 lao động, trong đó trên 9.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp trên 565.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng gần 903.000 công trình cung cấp nước sạch, công trình nhà tiêu hợp vệ sinh ở nông thôn; trên 270 nhà ở phòng tránh bão, lụt cho hộ nghèo; trên 76.000 căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách chưa có nhà ở trên toàn quốc… Tín dụng chính sách đã góp phần tích cực trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới ở vùng Tây Nguyên.

Các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn Tây Nguyên hiện nay có vướng mắc gì cần tháo gỡ, thưa ông?

Trong thực hiện các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung, NHCSXH gặp nhiều thuận lợi do được cấp ủy, chính quyền và các hội đoàn thể các cấp cùng vào cuộc, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, cũng còn những khó khăn nhất định như nguồn vốn ủy thác đầu tư từ ngân sách địa phương của các tỉnh trên địa bàn Tây Nguyên dành để cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn còn hạn chế. Đến ngày 30/6/2015, dư nợ nguồn vốn nhận ủy thác này là 309 tỷ đồng, chỉ chiếm 7% tổng nguồn vốn nhận ủy thác trên toàn quốc, bình quân mỗi tỉnh Tây Nguyên có nguồn vốn địa phương là 28 tỷ đồng trong khi nguồn vốn địa phương bình quân chung toàn quốc là 70 tỷ đồng/tỉnh.

Về chất lượng tín dụng, đến 30/6/2015, nợ quá hạn trên địa bàn Tây Nguyên là 63 tỷ đồng, chiếm 0,4%/tổng dư nợ (thấp hơn tỷ lệ nợ quá hạn toàn quốc, toàn quốc là 0,42%), tuy nhiên, chất lượng tín dụng chính sách một số chi nhánh còn thấp và chưa đồng đều giữa các tỉnh. Có 2 chi nhánh có nợ quá hạn cao hơn khá nhiều mức bình quân toàn quốc (Đắk Nông nợ quá hạn chiếm 0,93%/tổng dư nợ; Kon Tum chiếm 0,62%/tổng dư nợ).
 

NHCSXH đã đề nghị bổ sung đối tượng học sinh, sinh viên thuộc hộ gia đình dân tộc thiểu số, hộ gia đình thuộc vùng khó khăn có từ hai con theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và học nghề được vay vốn chương trình tín dụng ưu đãi theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg.

Công tác xác nhận đối tượng được vay của UBND cấp xã, hoạt động lồng ghép chương trình cho vay với các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức đã ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn vay của người vay. Đời sống của người dân, nhất là ở vùng nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, số hộ cận nghèo còn cao, tiềm ẩn nguy cơ tái nghèo lớn, do vậy cần sớm ban hành chính sách cho vay hộ mới thoát nghèo để thực hiện giảm nghèo bền vững.

Địa bàn Tây Nguyên có rất nhiều tiềm năng về đất đai, tài nguyên và điều kiện để phát triển các dự án trồng cây công nghiệp như cà phê, tiêu và cao su có thể thu hút hút tạo nhiều việc làm, tạo nguồn thu ổn định cho người dân nhưng hiện nay nguồn vốn Quỹ quốc gia cho vay việc làm rất thấp (năm 2015 Quỹ quốc gia về việc làm toàn quốc được bổ sung 50 tỷ đồng) nên vốn tạo việc làm bổ sung cho Tây Nguyên ít, không đáp ứng được nhu cầu.

Vậy NHCSXH có giải pháp nào để tiếp tục nâng cao hiệu quả các chương trình tín dụng trên địa bàn Tây Nguyên?

NHCSXH tiếp tục chủ động tham mưu cho các bộ, ngành, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và các cơ quan liên quan lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội và Quyết định số 852/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011-2020. Từ đó tập trung mọi nguồn lực cho NHCSXH để tăng cường sức mạnh, thực hiện các nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước giao.

Tín dụng chính sách sẽ gắn bó chặt chẽ hơn với các chính sách chuyển giao khoa học công nghệ về khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư để người nghèo và các đối tượng chính sách sử dụng vốn vay hiệu quả, phát triển đời sống và có điều kiện để trả nợ vốn vay cho ngân hàng.

Chúng tôi tiếp tục thực hiện hiệu quả hệ thống các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn Tây Nguyên, đặc biệt là các tỉnh có nợ quá hạn cao. Đây là nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt trong các năm tiếp theo.

Xin trân trọng cám ơn ông!

Theo: Ngọc Tú - Viết Tôn (Nguồn: baotintuc.vn)