Chia sẻ kinh nghiệm về duy tu, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng quy mô nhỏ tại xã, thôn đặc biệt khó khăn
03:47 AM 20/07/2015 | Lượt xem: 1903 In bài viết |Tham dự Hội thảo có đại diện các Bộ, ngành Trung ương; các đối tác phát triển (Ailen, UNDP…); đại diện Lãnh đạo một số Vụ, đơn vị thuộc UBDT; Ban Dân tộc và các đối tượng trực tiếp thực hiện các dự án duy tu, bảo dưỡng tại các xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) của 11 tỉnh thuộc khu vực phía Bắc và Miền Trung.
Hội thảo nhằm làm rõ hơn về thực trạng duy tu, bảo dưỡng các công trình, hạ tầng của các xã, thôn thuộc Chương trình 135; chia sẻ những kinh nghiệm, bài học quý từ các địa phương đã làm tốt, có hiệu quả việc duy tu, bảo dưỡng những công trình 135; chia sẻ kinh nghiệm đối với những địa phương làm chưa tốt, chưa kết nối được sự tham gia của cộng đồng, chưa huy động được nguồn lực để thực hiện tốt nhất việc duy tu bảo dưỡng các công trình thuộc Chương trình 135.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Sơn Phước Hoan, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT cho biết: Trong những năm qua, từ khi có Chương trình 135, việc xây dựng cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội, trong đó có việc xây dựng hàng trăm nghìn công trình tại các địa bàn ĐBKK, vùng dân tộc và miền núi đã góp phần đáng kể trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, góp phần giảm nghèo nhanh đối với đồng bào tại các vùng ĐBKK, vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Trong quá trình xây dựng, những công trình này được thực hiện trên các địa bàn khó khăn, chia cắt phức tạp; điều kiện xây dựng tốn kém, chi phí lớn hơn các địa bàn bình thường khác trong vùng nông thôn của cả nước. Cùng với đó, đối tượng thụ hưởng là đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, có nguồn nhân lực thấp nên việc phát huy hiệu quả để đảm bảo kéo dài tuổi thọ những công trình cũng có phần bị hạn chế.
Xuất phát từ thực trạng, khó khăn nói trên, từ năm 2008, UBDT đã tham mưu đề xuất với Chính phủ cần có một hợp phần duy tu, bảo dưỡng để bảo trì, kéo dài tuổi thọ các công trình được xây dựng trên địa bàn ĐBKK. Theo đó, từ năm 2008 đến nay, một nguồn lực tuy không lớn (mỗi xã khoảng 60 triệu, mỗi thôn khoảng 12-15 triệu) được bố trí cho hợp phần duy tu, bảo dưỡng công trình; UBDT cũng đã xây dựng sổ tay hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện, duy tu bảo dưỡng các công trình sau đầu tư; các tổ chức, đối tác phát triển đã tham gia tích cực trong việc hỗ trợ, nâng cao về mặt kĩ thuật, kinh phí để xây dựng cơ sở hạ tầng và duy tu bảo dưỡng, kéo dài tuổi thọ các công trình. Qua đó việc thực hiện duy tu bảo dưỡng đối với các công trình sau đầu tư của Chương trình 135 trong thời gian qua đã đạt được những kết quả hết sức thiết thực và tích cực, giúp nâng cao tuổi thọ của các công trình được triển khai trên các địa bàn ĐBKK, nhiều địa phương đã thực hiện tốt việc duy tu, bảo dưỡng đối với các công trình này, đồng thời rút ra những hạn chế hoặc những nút thắt trong việc xây dựng các công trình 135.
Tại Hội thảo, các đại biểu đưa ra các tham luận xoay quanh các vấn đề như: Chia sẻ kinh nghiệm về quá trình xây dựng văn bản của địa phương trong kết hợp nguồn lực quỹ phát triển cộng đồng và duy tu bảo dưỡng; kinh nghiệm thúc đẩy phân cấp cho cấp xã, cộng đồng làm chủ đầu tư, duy tu bảo dưỡng công trình quy mô nhỏ tại địa phương; kinh nghiệm duy tu bảo dưỡng, quản lý công trình của các nhóm cộng đồng; những vướng mắc về cơ chế, chính sách, thể chế trong việc tổ chức cộng đồng thực hiện duy tu bảo dưỡng công trình hạ tầng nông thôn; đề xuất các giải pháp về thể chế, chính sách…
Theo chương trình, Hội thảo diễn ra trong hai ngày 16-17/7, ngày 18/7 các đại biểu sẽ đi thực tế các công trình được duy tu, bảo dưỡng sau đầu tư ở hai xã Mậu Lâm và Phượng Nghi của huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa để tìm hiểu sâu hơn về kết quả triển khai duy tu, bảo dưỡng nơi đây; thảo luận và định hướng hoạt động chuẩn bị cho Chương trình giảm nghèo bền vững góp phần thực hiện tốt hơn việc duy tu, bảo dưỡng các công trình trong Chương trình 135 giai đoạn 2016-2020.
Sơn Nam