Tiếp tục thực hiện tốt phương hướng công tác đối với vùng đồng bào Chăm
09:43 AM 30/11/2015 | Lượt xem: 4185 In bài viết |Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 06/2004/CT-TTg ngày 18/2/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, trật tự đối với vùng đồng bào Chăm trong tình hình mới, đồng bào Chăm đã vươn lên trở thành một trong các dân tộc thiểu số có trình độ phát triển khá cao ở nước ta.
Theo tổng hợp của Ủy ban Dân tộc, qua 10 năm, hầu hết các nhiệm vụ, giải pháp trong Chỉ thị 06 đã được tổ chức thực hiện và đem lại kết quả đáng ghi nhận. Kết cấu hạ tầng vùng đồng bào Chăm được quan tâm đầu tư. Đến nay, 100% xã có đường ô tô được kiên cố hóa đến trung tâm xã; 100% xã và trên 80% thôn có điện sinh hoạt (trong đó các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, An Giang, Phú Yên… đạt 100%); 100% số xã có trạm y tế, trường học, nhà văn hóa, điểm bưu điện văn hóa xã; 100% số xã và 90% thôn được đầu tư hệ thống nước sinh hoạt tập trung; hệ thống thủy lợi đã được đầu tư cơ bản đảm bảo yêu cầu phục vụ tưới tiêu sản xuất; các xã thuần Chăm đều có chợ (một số xã có 2 chợ) phục vụ nhu cầu mua, bán, trao đổi hàng hóa… Vấn đề thiếu và không có đất sản xuất cơ bản được giải quyết. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân mỗi năm từ 1 - 2,4%/năm, tiệm cận với tỷ lệ giảm nghèo bình quân chung của cả nước. Văn hóa, giáo dục, y tế của vùng đồng bào Chăm có nhiều chuyển biến tích cực.
Hệ thống chính trị vùng đồng bào Chăm được củng cố và tăng cường. Công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng và phát triển đảng viên có sự chuyển biến tích cực. Công tác đào tạo bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ cán bộ người dân tộc Chăm tương đối hợp lý; đa số cán bộ, công chức người Chăm từ cơ sở đến huyện, tỉnh có trình độ học vấn và chuyên môn nghiệp vụ ngày càng đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào Chăm cơ bản được giữ vững và ổn định. Đồng bào chấp hành tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, đề cao cảnh giác với mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch. Đoàn kết nội bộ và đoàn kết giữa dân tộc Chăm với cộng đồng các dân tộc được duy trì và giữ vững; ý thức quốc gia dân tộc và lòng tin của đồng bào với Đảng, Nhà nước ngày được nâng lên.
Với những đổi thay lớn đó, theo nhận định của Ủy ban Dân tộc, hiện nay, người Chăm đã trở thành một trong các dân tộc thiểu số có trình độ phát triển khá cao ở Việt Nam.
Đồng chí Giàng Seo Phử - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc khẳng định, đạt được những kết quả trên là nhờ sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; sự tham gia tích cực, chủ động, với tinh thần trách nhiệm cao của các Bộ, ngành và các địa phương liên quan; sự đồng thuận của xã hội và sự cố gắng, nỗ lực vươn lên của đồng bào Chăm, từ đó tạo động lực để cộng đồng dân tộc Chăm nhanh chóng bắt nhịp và hòa nhập vào sự phát triển chung của đất nước. Chỉ thị 06 đã phát huy được hiệu lực, hiệu quả, đúng và trúng với yêu cầu thực tế, tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế - xã hội và giữ vững ổn định chính trị vùng đồng bào Chăm.
Căn cứ định hướng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020, theo Ủy ban Dân tộc đề nghị thời gian tới, các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung của Chỉ thị 06, trong đó xác định: phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc Chăm là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục; xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng lãnh đạo, quản lý, điều hành của hệ thống chính trị cơ sở, giữ vững an ninh chính trị, làm tốt công tác dân tộc, tôn giáo ở vùng đồng bào Chăm là những nhiệm vụ trọng tâm.
Để thực hiện tốt phương hướng công tác đối với vùng đồng bào Chăm trong tình hình mới, cần tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 06/2004/CT-TTg ngày 18/2/2004 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 49-CT/TW, ngày 20/10/2015 của Ban Bí thư về tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ban hành mới các cơ chế, chính sách hỗ trợ đồng bào Chăm phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng theo từng giai đoạn. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức xã, phường, thị trấn là người dân tộc Chăm. Tăng cường đẩy mạnh chuyển giao kỹ thuật, phát triển các sản phẩm, nông, lâm, ngư nghiệp, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư phù hợp điều kiện tự nhiên, đáp ứng yêu cầu tiêu thụ sản phẩm và mở rộng thị trường, tăng thu nhập cho đồng bào. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới phù hợp với đặc điểm, điều kiện kinh tế - xã hội vùng đồng bào Chăm. Tái cơ cấu, giải quyết vấn đề hạn hán, nhất là tại các tỉnh có đông đồng bào Chăm sinh sống. Đẩy mạnh bảo tồn, khai thác, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Chăm.../.
Phương Liên (Nguồn: dangcongsan.vn)