Cũng như người dân trong bản, cuộc sống mưu sinh của gia đình chị Hồ Thị Thanh gắn bó với núi rừng Trường Sơn. Sau nhiều trăn trở, cuối cùng chị Thanh cũng đã tìm được hướng phát triển kinh tế cho gia đình là trồng, phát triển và làm giàu từ rừng.
Nghĩ là làm, nhiều ngày liền, vợ chồng chị Thanh đã vượt sông suối, đi tìm những khoảnh rừng còn hoang hóa, sỏi đá khô cằn, xin chính quyền địa phương khai hoang để phát triển trồng rừng.
Chị Hồ Thị Thanh bộc bạch: “Khi mới bắt tay khởi nghiệp, hai vợ chồng trẻ, vốn ít lại thiếu kinh nghiệm nên khó khăn chồng chất. Nhìn đâu cũng đồi núi hoang vu, đá sỏi nhấp nhô, cỏ dại um tùm nên đôi khi cũng thấy... chùn chân”.
Nhưng rồi, vợ chồng chị đã động viên nhau vượt qua tất cả. Những ngày đầu mới khai hoang, hai vợ chồng chị Thanh còn dựng lều, lán ăn, ngủ ngay trong rừng. Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng nhưng với quyết tâm làm giàu và sự cần mẫn, chịu khó, đến nay vợ chồng chị Thanh đã sở hữu gần 10 ha rừng với gần 2 vạn cây keo lai, cây trầm đang chờ ngày thu hoạch.
Khi diện tích rừng trồng dần đi vào ổn định, chị Thanh tiếp tục mở rộng sản xuất. Chị là người phụ nữ đầu tiên của bản Hưng mạnh dạn đầu tư mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm đạt hiệu quả cao.
Điều đáng nói là trong khi đồng bào ở bản vẫn giữ tập quán thả rông các vật nuôi thì gia đình chị Thanh đã biết xây dựng chuồng trại để chăn nuôi lợn, bò, gà nhằm phòng chống dịch bệnh và bảo vệ môi trường.
Nhờ mô hình chăn nuôi, trồng trọt và kinh doanh hàng tạp hóa, gia đình chị Thanh có thu nhập ổn định hằng năm. Từ 5 triệu đồng vay ngân hàng để khởi nghiệp vào năm 2007, đến nay gia đình chị Hồ Thị Thanh đã có nguồn vốn hơn 200 triệu đồng.
Chị Thanh cũng không ngần ngại chia sẻ, hỗ trợ và hướng dẫn dân bản cách phát triển kinh tế.
Theo: Võ Dung (Nguồn: baotintuc.vn)