Bản xa được nối gần

09:36 AM 12/05/2016 |   Lượt xem: 3862 |   In bài viết | 

Cây cầu K-Rung ở xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) vừa hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Cầu treo nối gần bản xa

Xã biên giới Trường Sơn, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) có 20 thôn, bản với hơn một nghìn hộ dân, trong đó có 15 bản là địa bàn sinh sống của đồng bào dân tộc Vân Kiều định cư nằm rải rác dọc núi rừng, ven sông, suối đầu nguồn dòng Long Đại. Do vậy, việc đi lại của bà con hết sức gian nan. Ở nhiều bản, nếu không muốn mạo hiểm vượt suối thì bà con phải đi vòng hàng chục cây số mới đưa được con em tới trường học hoặc lên nương rẫy.

Đầu năm 2015, xã Trường Sơn được hỗ trợ đầu tư xây dựng hai chiếc cầu treo ở bản Trung Sơn và Cây Sú. Cầu Cây Sú nối nhánh tây đường Hồ Chí Minh với bản Cây Sú, nơi định cư của 36 hộ, 174 khẩu đồng bào Vân Kiều. Trưởng bản Cây Sú Hồ Văn Ô cho biết: “Gần 45 năm nay, dân bản sống biệt lập do cách sông trở suối. Giờ Nhà nước làm cầu treo, bà con mừng vui khôn tả”. Do địa hình phức tạp cho nên đơn vị thiết kế phải để mố cầu treo phía bản Cây Sú nằm ngay trên khu đất nghĩa trang của bản. Theo quan niệm của đồng bào, đây là đất cha ông nằm, nếu dời đi, dân bản sẽ bị quở phạt. Song để có cầu và đường giao thông đi lại thuận lợi, trưởng bản Hồ Văn Ô và già làng uy tín Hồ Thị Bông họp người dân để vận động di dời nghĩa trang đến vị trí mới, nhường đất xây cầu. “Mưa dầm thấm lâu”, bà con nghe theo, thế là tiến độ làm cầu không bị chậm trễ. Tết Nguyên đán vừa qua, cầu treo ở bản Cây Sú hoàn thành, cả bản vui như hội, từ nay học sinh trong bản thoát khỏi cảnh lội sông đi học chữ.

Chung niềm vui với đồng bào dân tộc Vân Kiều ở xã Trường Sơn là bà con người Mã Liềng ở xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa. Bản Kè, xã Lâm Hóa nằm bên đường Hồ Chí Minh nhưng những năm qua, nhiều người dân nơi đây phải sống trong cảnh “gần nhà xa ngõ”, muốn giao thương với bên ngoài chỉ một cách duy nhất là xuống thuyền vượt qua khúc sông sâu phía thượng nguồn sông Gianh.

Mùa mưa đến, bà con lo ngay ngáy việc chuẩn bị lương thực, thuốc men dự trữ khi lũ đầu nguồn đổ về. Học sinh phải nghỉ học dài ngày, người dân phải ngừng giao thương với trung tâm xã do mưa lũ. Nếu trong bản có ai ốm nặng đúng vào thời điểm ấy thì coi như tính mạng đành nhờ trời. Nhưng, “bây giờ bản Kè đã có cầu treo” - Bí thư Đảng ủy xã Lâm Hóa Nguyễn Tư Thoan thông báo ngắn gọn như vậy rồi dẫn chúng tôi chạy xe bon bon trên chiếc cầu treo dân sinh để vào bản. Đồng chí cho biết thêm, thấu hiểu nỗi cơ cực của bà con, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đầu tư khoảng bảy tỷ đồng để làm chiếc cầu treo này. Sau gần một năm thi công, cuối năm 2015, công trình cầu treo bản Kè được đưa vào sử dụng trong niềm vui vỡ òa của đồng bào Mã Liềng, xã Lâm Hóa. Có cầu mới, người dân trong bản bây giờ mua sắm xe máy nhiều, con em trong bản cũng đến trường học đều đặn hơn, việc mua bán nông sản, hàng hóa cũng thuận lợi hơn trước rất nhiều. Từ một bản không điện - đường - trường - trạm - nhà kiên cố, giờ đây bộ mặt của bản Kè đã nhiều đổi thay, người Mã Liềng ở đây đã biết làm lúa nước, có nước sạch dẫn về từng nhà, có điện lưới quốc gia. Bản Kè đang phấn đấu trở thành bản văn hóa.

Nỗ lực mang niềm vui cho dân bản

Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Quảng Bình Lê Quốc Cường cho biết, cuối tháng 5-2014, Đề án xây dựng cầu treo dân sinh bảo đảm an toàn giao thông trên phạm vi 28 tỉnh miền núi phía bắc, miền trung và Tây Nguyên được triển khai, trong đó tỉnh Quảng Bình có 10 cầu treo nằm trên địa bàn các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch và Quảng Ninh được đầu tư xây dựng. Trưởng Ban Quản lý dự án giao thông nông thôn, Sở Giao thông vận tải Quảng Bình Lê Quang Minh cho biết, khi nhận nhiệm vụ quản lý dự án 10 cầu treo dân sinh, anh em trong ban rất lo, làm sao bảo đảm tiến độ và nhất là giám sát chặt chẽ chất lượng công trình, tuyệt đối không để xảy ra sai sót, sự cố về kỹ thuật. Do địa hình xây dựng các cầu treo phần lớn ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, cho nên không có điện lưới để phục vụ thi công, việc vận chuyển vật liệu xây dựng vào chân công trình rất khó khăn, cùng với đó là đường vận chuyển vượt sông hầu như không có cho nên công tác triển khai bước đầu trên các công trường hầu như chững lại.

Điều đáng mừng là Sở Giao thông vận tải Quảng Bình đã “chọn mặt gửi vàng” giao nhiệm vụ thi công cho các đơn vị có bề dày kinh nghiệm, cho nên những khó khăn trên sớm được khắc phục. Với quyết tâm chính trị đề ra là hoàn thành các cây cầu treo trước mùa mưa lũ năm 2015 và chậm nhất là trước Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, các đơn vị đã tổ chức thi công ba ca, ngày đêm bám trụ công trường. Kết quả, hầu hết các công trình cầu treo đều hoàn thành đúng tiến độ đề ra, trong đó có những chiếc cầu có khẩu độ lớn, địa hình thi công rất phức tạp như cầu treo bản Kè, xã Lâm Hóa, cầu K-Reeng, xã Dân Hóa. Theo Phó Giám đốc Lê Quốc Cường, việc đưa vào sử dụng các cầu treo trước Tết Nguyên đán năm 2016 không chỉ giúp người dân ở vùng sâu, vùng xa và đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Bình đi lại thuận lợi mà còn góp phần phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo. Thực hiện giai đoạn hai của Đề án 186 cầu treo dân sinh, tại Quảng Bình có thêm năm chiếc cầu đang được xây dựng, trong đó có hai cầu bê-tông và ba cầu treo.

Trong nắng chiều đầu hạ, cầu treo bản Cây Sú, bản Kè như chiếc võng khổng lồ sáng lên giữa núi rừng Trường Sơn trùng điệp, bản xa giờ đây đã được nối gần nhờ những nhịp cầu yêu thương và nghĩa tình ấy.

 

Theo: Hương Giang (Nguồn: nhandan.com.vn)