Bảo tồn và phát huy nghệ thuật sân khấu Dù kê của đồng bào Khmer Nam bộ
01:21 PM 27/10/2020 | Lượt xem: 3879 In bài viết |Ngày 25/10, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh phối hợp với Trường Đại học Trà Vinh tổ chức hội thảo khoa học “Nghệ thuật sân khấu Dù kê – 100 năm hình thành và phát triển”. Nghệ thuật sân khấu Dù kê là loại hình nghệ thuật của đồng bào Khmer Nam bộ, đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2014. Hội thảo thu hút gần 200 đại biểu là các nhà khoa học, nhà quản lí, nghệ sĩ, nghệ nhân đến từ các đoàn nghệ thuật trong toàn quốc.
Phát biểu tại hội thảo, ông Dương Hoàng Sum, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh cho biết, Trà Vinh là tỉnh đồng bằng ven biển, ở hạ lưu sông Cửu Long, với nhiều dân tộc sinh sống như Kinh, Khmer, Hoa, Chăm… Trong đó, dân tộc Khmer có gần 330.000 người, chiếm 31,5% dân số toàn tỉnh và chiếm khoảng 25% số người Khmer ở Việt Nam, là tỉnh có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) cao nhất khu vực Tây Nam bộ.
Người Khmer Trà Vinh nói riêng, người Khmer Nam Bộ nói chung đã tạo dựng được một nền văn hóa - nghệ thuật độc đáo và đa dạng với nhiều loại hình đậm đà bản sản dân tộc; trong đó có nghệ thuật sân khấu Dù kê. Đây là loại hình kịch hát độc đáo của cộng đồng người Khmer ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, kết quả của tinh thần sáng tạo, niềm đam mê nghệ thuật và quá trình tiếp biến văn hóa của người Khmer với các dân tộc Kinh và Hoa ở Nam bộ.
Nghệ thuật sân khấu Dù kê ra đời vào những năm đầu thập niên 20 của thế kỉ XX ở Trà Vinh, nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của người Khmer ở Nam Bộ; sau đó, đã nhanh chóng lan tỏa sang nước bạn Campuchia. Nhiều vở diễn có giá trị đã đi vào lòng khán - thính giả trong và ngoài nước bao năm qua như: Nghĩa tình trong giông tố, Giữ đền Cô Hia, Mối tình Bô pha - Rạng xây…
Trải qua một thế kỉ hình thành và phát triển, nghệ thuật sân khấu Dù kê của người Khmer Nam bộ đã có những đóng góp quan trọng trên nhiều phương diện, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của người dân Việt Nam; tiếp thêm sức mạnh, tinh thần để con người vượt qua những khó khăn trong cuộc sống; giáo dục, bồi dưỡng các giá trị nhân văn cho con người; tạo sự gắn kết giữa các cá nhân, các dân tộc trong xã hội; góp phần phục vụ công cuộc đấu tranh, bảo vệ Tổ quốc; tạo nên sự đa dạng, phong phú cho nghệ thuật truyền thống Việt Nam.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, sự thay đổi nhu cầu, thị hiếu thẩm mĩ của người dân, sự bùng nổ của các loại hình giải trí hiện đại, sức hấp dẫn của phương tiện nghe nhìn nên nghệ thuật sân khấu Dù kê của người Khmer Nam bộ đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Các nghệ nhân, nghệ sĩ gạo cội ngày càng thưa dần; trong khi đó, đội ngũ kế thừa chưa được đào tạo bài bản. Phương thức sưu tầm, lưu trữ và truyền bá còn nhiều hạn chế. Việc đầu tư viết kịch bản, dàn dựng và biểu diễn các vở diễn mới chưa đáp ứng nhu cầu của công chúng…
Đại biểu dự hội thảo
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tiết Khánh, Hiệu trưởng Trường Đại học Trà Vinh, Hội thảo “Nghệ thuật sân khấu Dù kê - 100 năm hình thành và phát triển” là dịp để các nhà khoa học, nghệ sĩ, nghệ nhân và nhà quản lí gặp gỡ, trao đổi về nguồn gốc, lịch sử hình thành, phát triển của nghệ thuật sân khấu Dù kê. Từ đó, đóng góp tư liệu phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy, giới thiệu, quảng bá nghệ thuật sân khấu Dù kê; nâng cao nhận thức của mọi người trong vấn đề bảo tồn và phát huy, phát triển nghệ thuật sân khấu Dù kê Khmer Nam bộ phù hợp với đời sống đương đại.
Tại hội thảo, các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lí, các nghệ nhân, nghệ sĩ đóng góp nhiều ý kiến làm rõ nguồn gốc, lịch sử hình thành và phát triển của nghệ thuật sân khấu Dù kê; đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật sân khấu Dù kê của người Khmer Nam bộ thời gian tới.
Nghệ sĩ ưu tú Thạch Sết, nguyên Phó Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Trà Vinh đề xuất các đơn vị liên quan cần hỗ trợ, đào tạo đội ngũ cán bộ làm nghệ thuật Khmer trở thành những nhà lí luận phê bình sân khấu, đạo diễn, nhạc sĩ, hoạ sĩ, biên đạo múa… ở lĩnh vực này. Trường Đại học Trà Vinh cần mở thêm Khoa Nghệ thuật Sân khấu Dù kê Khmer Nam Bộ để khai thác, giảng dạy và đào tạo diễn viên người dân tộc Khmer, bổ sung diễn viên cho các đoàn nghệ thuật Khmer Nam bộ, phục vụ công chúng và đoàn khách du lịch. Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam quan tâm nhiều hơn đến nghệ thuật sân khấu Dù kê, tiếp tục tổ chức các cuộc Liên hoan nghệ thuật sân khấu Dù kê để vực dậy loại hình nghệ thuật sân khấu này.
Theo ông Sơn Ngọc Hoàng, Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Sóc Trăng, Phật giáo Nam tông là tôn giáo có ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực người Khmer ở Nam bộ. Trong lịch sử 100 năm hình thành và phát triển của loại hình nghệ thuật sân khấu Dù kê, Phật giáo Nam tông Khmer với những quan điểm về nhân sinh quan sâu sắc đã tác động mạnh mẽ đến nghệ thuật truyền thống của cộng đồng người Khmer. Triết lí về nhân quả, vị tha, thương yêu muôn loài… của Phật giáo Nam tông đã trở thành phương châm sống cho đồng bào Khmer. Sự ảnh hưởng sâu sắc của triết lí nhân sinh Phật giáo cùng truyền thống dân tộc Việt Nam tạo nên những giá trị nhân bản cho người Khmer Nam bộ. Triết lí nhân sinh của Phật giáo Nam tông Khmer đã tác động đến tư tưởng, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, lễ hội và các loại hình nghệ thuật truyền thống, trong đó có loại hình sân khấu Dù kê.
Vì vậy, việc nghiên cứu ảnh hướng của triết lí nhân sinh Phật giáo đến loại hình nghệ thuật sân khấu Rô băm, Dù kê của người Khmer Nam bộ sẽ tạo cơ sở để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của nó trong đời sống xã hội của người Khmer; đồng thời giúp Đảng và Nhà nước ta đưa ra chủ trương, chính sách phù hợp để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đạo đức Phật giáo Nam tông gắn kết với loại hình nghệ thuật sân khấu Dù kê cùa đồng bào Khmer Nam Bộ trong thời kì hội nhập và phát triển hiện nay.
(dantocmiennui.vn)