Ứng cử viên đại biểu Quốc hội Nguyễn Lâm Thành: “Thực hiện chính sách tốt hơn để người dân ổn định cuộc sống, giảm nghèo bền vững”
04:34 PM 17/05/2021 | Lượt xem: 4089 In bài viết |Cùng với các ứng cử viên đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Khóa XV, những ngày này, ứng cử viên Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Khóa XIV đã có nhiều hoạt động tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử tại đơn vị bầu cử số 2, tỉnh Thái Nguyên.
Chia sẻ về Chương trình hành động của mình, ông Nguyễn Lâm Thành cho biết: Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã thể hiện sự quan tâm rất lớn đến vùng đồng bào DTTS bằng nhiều chương trình, dự án, chính sách dân tộc. Tuy nhiên, do xuất phát điểm của vùng đồng bào DTTS còn thấp, địa hình bị chia cắt mạnh nên đời sống kinh tế - xã hội (KT - XH) vùng đồng bào DTTS vẫn còn nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Lâm Thành, sinh ngày 7/7/1964; Quê quán: Xã Tô Hiệu, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn. Dân tộc: Nùng. Vào Đảng ngày 29/4/1988. Ông là Tiến sỹ, chuyên ngành Hành chính công, hiện là ĐBQH chuyên trách, thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn; giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Khóa XIV.
Thực trạng đời sống của đồng bào đòi hỏi chúng ta phải thực hiện chính sách tốt hơn để người dân ổn định cuộc sống, giảm nghèo bền vững, tiếp cận tốt hơn các dịch vụ về y tế và giáo dục.
"Đây là hai dịch vụ hết sức cơ bản và có thể nói là mức độ hưởng thụ ở các vùng hiện đang khác nhau; trong đó có nhiều vùng đồng bào còn nhiều khó khăn, là điều mà những người làm chính sách như chúng tôi rất trăn trở", ông Thành chia sẻ.
Theo ông Thành, hiện nay nhiều dân tộc đang sở hữu những giá trị văn hoá rất đặc sắc, chúng ta cần phải gìn giữ, bảo tồn và phát triển những giá trị đó. Người dân là chủ thể của những giá trị văn hóa này, nhưng chính sách của Nhà nước là một bệ đỡ rất quan trọng để khơi dậy và giúp bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa, để có thể đóng góp vào sự phát triển đất nước.
“Chúng tôi mong muốn là sự tham gia của người dân nhiều hơn, đặc biệt là của đồng bào DTTS vào trong hoạt động quản lý nhà nước, trong hoạt động về xây dựng chính quyền Nhà nước, tham gia vào các tổ chức chính trị xã hội, các cơ cấu của Hội đồng Nhân dân để thể hiện được tiếng nói, thể hiện được quyền bình đẳng của mình một cách đầy đủ trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế văn hóa”, ông Thành cho biết.
Ứng cử viên Nguyễn Lâm Thành cam kết, nếu được cử tri Thái Nguyên tín nhiệm, trúng cử ĐBQH khóa XV sẽ tích cực tham gia, góp phần thực hiện tốt ba chức năng của Quốc hội, tập trung vào các nhiệm vụ xây dựng hệ thống pháp luật, cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII vào thực tiễn cuộc sống, nhất là vấn đề hoàn thiện thể chế kinh tế các dự án luật có tác động trực tiếp đến phát triển KT-XH và đời sống của người dân.
Đề xuất và thực hiện giám sát một số vấn đề mang tính cấp thiết được nhiều cử tri quan tâm như: Quản lý đất đai, chính sách phát triển giáo dục đào tạo; chế độ chính sách đối với cán bộ cơ sở; việc tổ chức thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Ông Nguyễn Lâm Thành (thứ hai từ trái qua) tại Hội nghị trực tuyến tiếp xúc giữa cử tri với người ứng cử ĐBQH khóa XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026 tại Đơn vị bầu cử số 2, tỉnh Thái Nguyên, ngày 10/5/2021
Ứng cử viên Nguyễn Lâm Thành cũng cam kết, sẽ dành thời gian về cơ sở, lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, phản ánh của cử tri cùng với Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên, đem tiếng nói của cử tri đến các diễn đàn Quốc hội, Chính phủ; phối hợp cùng các cơ quan chức năng tiếp thu giải quyết các đề xuất, kiến nghị xác đáng của cử tri.
Ứng cử viên Nguyễn Lâm Thành khẳng định: Với trách nhiệm là ĐBQH, ông sẽ tích cực tham gia đóng góp vào nội dung và việc tổ chức thực hiện các chương trình phát triển KT-XH của địa phương, cùng với Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên là cầu nối giữa địa phương với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh bạn trong việc trao đổi, đề xuất huy động nguồn lực đầu tư thúc đẩy các cơ hội để phát triển KT - XH tỉnh Thái Nguyên.
Trong đó, cùng với cử tri đặt quan tâm vào các vấn đề: Thúc đẩy phát triển hạ tầng công nghiệp, hạ tầng đô thị. Xây dựng thành phố Thái Nguyên trở thành trung tâm kinh tế công nghiệp, dịch vụ và du lịch; trung tâm kinh tế tri thức, kinh tế số với vai trò nòng cốt là Đại học Thái Nguyên. Mở rộng thị trường sản phẩm chè, các sản phẩm OCOP mà Thái Nguyên có lợi thế…
Đồng thời, quan tâm đến chính sách ưu tiên nguồn lực đầu tư để phát triển chương trình NTM và chương trình các xã ĐBKK, vùng căn cứ cách mạng, ATK mà trọng tâm là các huyện Võ Nhai, Định Hóa theo tinh thần Nghị quyết số 88/2019/QH14 về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030…
(baodantoc.vn)