Bố trí nguồn lực thực hiện kịp thời chính sách vùng dân tộc thiểu số

02:44 PM 23/10/2018 |   Lượt xem: 4294 |   In bài viết | 

Các đại biểu Quốc hội dự phiên họp sáng 23/10. (Ảnh: TTXVN)

Làm rõ nguồn vốn phân bổ cho từng mục tiêu

Trình bày Báo cáo thẩm tra đánh giá giữa kỳ thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ việc triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian qua đã đạt được một số kết quả tích cực; góp phần thực hiện tốt chủ trương của Đảng về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; đẩy mạnh giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, đặc biệt ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Tuy nhiên, đối chiếu với yêu cầu đặt ra thì Báo cáo của Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện theo hướng bám sát Nghị quyết 100 để đánh giá, đối chiếu với thực tế thực hiện, từ đó làm rõ những mục tiêu đạt được, những mục tiêu còn dở dang; cần làm rõ nguồn vốn phân bổ cho từng mục tiêu; tính ổn định, bền vững và thực chất của các chương trình; những vướng mắc về cơ chế, chính sách, nguồn lực…

Về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nguồn vốn ngân sách nhà nước thực sự đã đóng vai trò thu hút các nguồn vốn khác từ cộng đồng và của chính người dân, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới. Vấn đề huy động quá sức đóng góp của người dân từng bước được chấn chỉnh, phân bổ vốn tập trung hơn trên cơ sở cân đối nguồn lực, nợ đọng xây dựng cơ bản đã giảm mạnh so với đầu giai đoạn.

Qua 3 năm thực hiện, đến nay có 39,7% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, dự kiến hết năm 2018 có ít nhất 40% số xã đạt chuẩn và chỉ còn 80 xã đạt dưới 5 tiêu chí, giảm 238 xã so với cuối năm 2015.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải cho rằng các quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức và đối tượng phân bổ của Chương trình chậm được ban hành dẫn đến sự lúng túng, chậm trễ trong phân bổ, giao kế hoạch vốn tại thời điểm đầu giai đoạn.

Trong giai đoạn 2016-2018, Ngân sách Trung ương mới bố trí được 38,12%; ngân sách địa phương bố trí được 71% nhưng chủ yếu là ở các tỉnh nhận trợ cấp cân đối từ ngân sách Trung ương. Chính phủ chưa báo cáo về tiến độ giải ngân, nhu cầu thực tế để thực hiện các danh mục của Chương trình và khả năng huy động nguồn lực để thực hiện cho các năm tiếp theo.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách đề nghị Chính phủ rà soát, đánh giá hiệu quả triển khai thực hiện cơ chế, chính sách liên kết 4 nhà: nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nông trong xây dựng nông thôn mới.

Đối với Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách, tỷ lệ hộ nghèo ước đến cuối năm 2018 chỉ còn dưới 6%, giảm khoảng 1-1,3% so với đầu năm 2018. Mặc dù đây là tín hiệu đáng mừng song cần chú trọng tính bền vững của chương trình khi số hộ tái nghèo bằng khoảng 5% số hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo phát sinh cao (22,98% so với tổng số hộ thoát nghèo); tình trạng tái nghèo đã và đang diễn ra ở nhiều địa phương.

Ủy ban Tài chính-Ngân sách kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện đúng nguyên tắc không ban hành văn bản chính sách khi không có nguồn lực bảo đảm, tăng cường khả năng tiếp cận chính sách của nông nghiệp, nông thôn, nông dân và các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Bên cạnh đó, thực hiện tốt chính sách nhà ở và hỗ trợ nâng cao đời sống đối với một số đối tượng như người có công với cách mạng đời sống còn thấp, các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội…

Bổ sung chính sách hỗ trợ cho lao động dân tộc thiểu số

Báo cáo Đánh giá 3 năm thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi (giai đoạn 2016-2018) do Chủ nhiệm, Bộ trưởng Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến trình bày nêu rõ các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị đã nỗ lực cao độ cho công tác giảm nghèo ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, đạt kế hoạch Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đề ra.

Từ năm 2016 đến năm 2018, Chương trình 135 đã đầu tư 9.106 công trình, duy tu, bảo dưỡng 3.295 công trình; hỗ trợ trực tiếp cho 1,512 triệu hộ nghèo, cận nghèo.

Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho 1,4 triệu hộ dân tộc thiểu số vay 45.194 tỷ đồng (chiếm 24,7% tổng dư nợ) để phát triển sản xuất, tăng thu nhập. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đạt kết quả bước đầu quan trọng; công tác bảo vệ, phát triển rừng ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi có bước chuyển biến tích cực.

Bên cạnh đó, mạng lưới trường, lớp giáo dục mầm non, trường phổ thông ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi tiếp tục được củng cố, mở rộng, nhất là các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường dự bị đại học dân tộc. Hiện nay 100% xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi có trường trung học cơ sở, trường tiểu học, hầu hết các xã có trường, lớp học mầm non.

Ngoài ra, công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số được chú trọng; công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào có nhiều mặt tiến bộ.

Thống nhất với nhận định của Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến cho biết hiện nay hệ thống chính sách dân tộc thiểu số và miền núi ngày càng đồng bộ, toàn diện; phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi đã đạt được kết quả quan trọng. Tỷ lệ hộ nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số giảm mỗi năm 4% (hiện còn 28,45%). Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được cải thiện hơn trước.

Điểm nổi bật là an ninh, quốc phòng vùng dân tộc thiểu số, miền núi được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, khối đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường và củng cố.

Về kết quả thực hiện giảm nghèo, Hội đồng Dân tộc cho rằng số liệu giảm nghèo chung ở các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ chưa phản ảnh đúng thực chất của vùng. Chính phủ cần có số liệu phân tích bổ sung rõ hơn về thu nhập bình quân, số hộ nghèo và tỷ lệ giảm nghèo trong đồng bào dân tộc ở các khu vực; đánh giá đầy đủ, toàn diện hơn, đúng thực chất mức sống, thu nhập, sinh kế, mức độ tiếp cận văn hóa, giáo dục, y tế.., của đồng bào dân tộc thiểu số; phân tích, làm rõ thực trạng của việc gia tăng các huyện nghèo thuộc diện 30a, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nghèo trong vùng.

Đối với lĩnh vực dạy nghề và giải quyết việc làm, Báo cáo cần bổ sung thông tin, số liệu cụ thể, phân tích, đánh giá đúng mức hơn thực trạng giải quyết việc làm và công tác dạy nghề ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến chỉ rõ con số báo cáo lao động trong độ tuổi có việc làm là 8,01 triệu (chiếm 86,1%) cao hơn mặt bằng chung của cả nước (76,4%) là chưa sát thực tế, trong khi đó tình trạng thất nghiệp của thanh niên dân tộc thiểu số là 5,76%, cao hơn gấp 2,5 lần so với tỷ lệ thất nghiệp của cả nước 2,34%.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến trình bày Báo cáo thẩm tra đánh giá 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Hiện nay do khu vực miền núi thiếu việc làm dẫn đến tình trạng lao động tự phát qua biên giới, lao động tự do về các trung tâm đô thị, xu hướng đi lao động ở các khu công nghiệp, hầm mỏ ngày càng nhiều. Đây là những vấn đề mới cần được bổ sung và nghiên cứu để có những chính sách phù hợp hỗ trợ cho lao động dân tộc thiểu số.

Hội đồng Dân tộc đề nghị Chính phủ chỉ đạo tổng kết việc thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số, miền núi (nhất là những chủ trương, chính sách lớn), để có cơ sở xây dựng, ban hành chính sách mới cho giai đoạn tiếp theo, khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập của việc thực hiện chính sách trong giai đoạn vừa qua. 

Hằng năm, Chính phủ cân đối, bố trí nguồn lực thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ vùng dân tộc thiểu số, miền núi./.

(vietnamplus.vn)