Chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo Ủy ban Dân tộc về cơ chế, chính sách đặc thù và kế hoạch thực hiện Đề án thành lập Học viện Dân tộc
04:00 PM 28/05/2015 | Lượt xem: 2530 In bài viết |Ngày 28/5/2015, tại trụ sở Ủy ban Dân tộc (UBDT), Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Phan Văn Hùng đã chủ trì cuộc họp bàn về cơ chế, chính sách đặc thù và kế hoạch thực hiện Đề án Thành lập Học viên Dân tộc.
Tham dự cuộc họp có các đồng chí thành viên Tiểu ban Xây dựng nội dung, chương trình đào tạo và hoàn thiện Đề án Thành lập Học viên Dân tộc; Tiểu ban Tổng hợp; thường trực giúp việc Ban Chỉ đạo và đại diện Tiểu ban Xây dựng tổ chức bộ máy và biên chế; Tiểu ban Xây dựng cơ bản và nguồn lực tài chính.
Sau khi nghe đại diện Tiểu ban Tổng hợp, thường trực giúp việc Ban Chỉ đạo báo cáo bản tổng hợp dự kiến kế hoạch của các Tiểu ban, dự kiến phân kỳ quy mô đào tạo và dự kiến các cơ chế, chính sách đặc thù của Học viện Dân tộc; các ý kiến phát biểu của đại biểu tham dự cuộc họp, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Phan Văn Hùng kết luận như sau:
Cơ bản đồng ý với dự thảo các báo cáo do Tiểu ban Tổng hợp, giúp việc Ban Chỉ đạo trình bày tại cuộc họp. Thống nhất đến 30/10/2015, UBDT hoàn thiện hồ sơ Đề án thành lập Học viện Dân tộc gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo. Giao Tiểu ban Tổng hợp, giúp việc Ban Chỉ đạo tiếp thu các ý kiến tại cuộc họp để hoàn thiện bản tổng hợp kế hoạch của các Tiểu ban và các báo cáo.
Về báo cáo dự kiến phân kỳ quy mô đào tạo của Học việc Dân tộc: Chỉnh sửa lại phân kỳ theo hướng chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn I từ 2016 – 2018; giai đoạn II từ 2019 – 2023 và giai đoạn 3 từ sau năm 2023. Bổ sung nội dung các mã ngành đào tạo vào báo cáo dự kiến phân kỳ quy mô đào tạo của Học viện Dân tộc.
Về các mã ngành đào tạo của giai đoạn I: Thống nhất dự kiến 5 mã ngành sau: Quản lý nhà nước về Công tác dân tộc; Quản lý văn hóa các dân tộc thiểu số; Công tác xã hội; Kinh tế nông nghiệp; Kỹ sư thực hành.
Giao Tiểu ban Tổng hợp, thường trực giúp việc Ban Chỉ đạo làm việc với các chuyên gia, nhà quản lý chuyên môn thống nhất tên gọi và mã số các mã ngành giai đoạn I; đồng thời đề xuất mở rộng các mã ngành đào tạo cho giai đoạn II và giai đoạn III.
Về các cơ chế, chính sách đặc thù: Giao các Tiểu ban theo chức năng, nhiệm vụ được giao đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù cụ thể theo hướng:
Cơ chế, chính sách đặc thù thành lập Học viện Dân tộc: Làm rõ các đặc thù của từng điều kiện thành lập Học viện, đảm bảo tính thuyết phục và có lộ trình hoàn thiện từng điều kiện theo quy định.
Cơ chế, chính sách đặc thù trong tuyển sinh đầu vào: Tập trung làm rõ cơ chế xét tuyển, thi tuyển phù hợp với từng dân tộc, từng vùng miền; cơ chế xét tuyển từ các trường PTDT nội trú, dự bị đại học; cơ chế nuôi dưỡng và học tập cho sinh viên là người DTTS…
Cơ chế, chính sách đặc thù trong giải quyết việc làm (đầu ra): Làm rõ cơ chế để các Bộ, ngành và địa phương có hình thức tuyển thẳng vào công chức, viên chức đối với những sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc, những sinh viên thuộc các dân tộc đặc biệt khó khăn (chưa có hoặc có ít cán bộ, công chức, viên chức); cơ chế tư vấn, hỗ trợ tuyển dụng đối với những sinh viên còn lại.
Cơ chế, chính sách đặc thù về tài chính: Đề xuất báo cáo các Bộ, ngành trình Thủ tướng Chính phủ cho phép Học viện Dân tộc được ưu tiên bố trí sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn ODA để xây dựng Học viện.
Ban Biên tập