Chỉ thị số 156/CT-TƯ về việc tiến hành hợp tác hóa nông nghiệp kết hợp hoàn thành cải cách dân chủ ở miền núi miền Bắc nước ta (25-8-1959)
03:35 PM 31/10/2015 | Lượt xem: 14387 In bài viết |Chỉ thị số 156/CT-TƯ về việc tiến hành hợp tác hóa nông nghiệp kết hợp hoàn thành cải cách dân chủ ở miền núi miền Bắc nước ta
Hội nghị Trung ương lần thứ 16 đã nhận định tình hình và quyết định về mục đích, yêu cầu, đường lối, phương châm, chính sách và kế hoạch tiến hành hợp tác hoá nông nghiệp ở toàn miền Bắc, bao gồm cả đồng bằng, miền núi, miền biển.
Miền núi là một bộ phận khăng khít của miền Bắc đang tiến lên chủ nghĩa xã hội. Hợp tác hoá nông nghiệp ở miền núi cũng phải theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 16. Nhưng vì miền núi có những đặc điểm của nó, cho nên cần phải quy định cụ thể riêng cho thích hợp.
I- ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH MIỀN NÚI THUỘC MIỀN BẮC NƯỚC TA HIỆN NAY
Miền núi chiếm hai phần ba diện tích miền Bắc nước ta, gồm trên 30 dân tộc với khoảng 2.300.000 dân (kể cả 580.000 người Kinh ở xen kẽ), có trên 3.000 cây số biên giới, chiếm một vị trí rất quan trọng về chính trị, kinh tế và quốc phòng. Riêng về kinh tế, khả năng miền núi nước ta rất dồi dào, không những có điều kiện để phát triển cây lương thực, nhất là cây công nghiệp, cây ăn quả, nghề rừng, chăn nuôi, v.v. mà còn có điều kiện để dần dần xây dựng những trung tâm công nghiệp như khai khoáng, điện lực, luyện kim, cơ khí, chế biến nông sản và các lâm sản v.v...
Trong Cách mạng Tháng Tám và kháng chiến cũng như trong mấy năm xây dựng hoà bình, dưới sự lãnh đạo của Đảng, miền núi thuộc miền Bắc nước ta đã có những tiến bộ lớn về mọi mặt chính trị, kinh tế và xã hội. Đồng bào miền núi có truyền thống cách mạng lâu đời. Những căn cứ địa cách mạng cũ phần lớn đều ở miền núi. Nhân dân miền núi nhờ có cách mạng mà được tự do, cơm áo, cho nên rất tin tưởng ở Đảng, Chính phủ và Hồ Chủ Tịch. Qua Cách mạng Tháng Tám và qua nhiều cuộc vận động cải cách dân chủ từ Cách mạng Tháng Tám đến nay, vấn đề ruộng đất và vấn đề xây dựng chính quyền nhân dân căn bản đã được giải quyết, những hình thức bóc lột tàn bạo và những đặc quyền, đặc lợi của tầng lớp phong kiến căn bản đã bị xoá bỏ. Các chế độ thổ ty, lang đạo, phìa tạo căn bản đã tan rã. Trong hơn 200 xã miền núi đã cải cách ruộng đất, ta đã đánh đổ địa chủ, thực hiện được khẩu hiệu người cày có ruộng, nông dân đã hoàn toàn làm chủ nông thôn. Ngoài ra 688 xã khác đã qua vận động giảm tô. Hơn 1.000 xã còn lại, tuy chưa phát động quần chúng giảm tô và cải cách ruộng đất, nhưng đều đã qua những cuộc vận động khác có tính chất dân chủ dưới mức độ khác nhau. Cho nên ở miền núi, nói chung ruộng đất hầu hết đã thuộc về nông dân, chính quyền căn bản đã ở trong tay nông dân. Nhiệm vụ cách mạng dân tộc - dân chủ nhân dân ở miền núi thuộc miền Bắc nước ta đã căn bản hoàn thành. Trên cơ sở đó, nông dân các dân tộc miền núi bắt đầu được tổ chức lại để lao động tập thể. Đến cuối tháng 6 riêng miền núi đã có 44.070 tổ đổi công bao gồm 74,4% hộ nông dân lao động và 2.232 hợp tác xã sản xuất nông nghiệp bao gồm 14,2% nông hộ. Phong trào hợp tác hoá phát triển đã có tác dụng thúc đẩy việc cải thiến kỹ thuật, phát triển sản xuất, góp phần tăng cường đoàn kết dân tộc làm cho nông dân miền núi bước đầu thấy rõ tính hơn hẳn của lối làm ăn tập thể.
Đó là mặt chủ yếu của tình hình miền núi hiện nay.
Nhưng mặt khác, trình độ phát triển của các dân tộc miền núi nói chung là thấp và không đều nhau: có vùng còn tàn tích của chế độ phong kiến và tiền phong miền xuôi; có vùng giai cấp chưa phân hoá, hoặc phân hoá chưa rõ rệt và những vùng đó lại nằm xen kẽ ở cả vùng cao và vùng thấp.
Ở một số ít xã, có địa chủ vẫn còn chiếm hữu nhiều ruộng đất và bóc lột theo phong kiến.Có nơi thổ ty, lang đạo vẫn còn có uy thế trong một phạm vi nhất định hoặc còn nằm trong các cơ quan chính quyền ở xã và cản trở việc thi hành các chính sách của Đảng và của Nhà nước. Bọn thổ phỉ, biệt kích, gián điệp cũng đang hoạt động ở một số ít vùng, khống chế và uy hiếp quần chúng nông dân.
Phong trào hợp tác hoá nông nghiệp ở miền núi phát triển chưa đều, một số chính sách cụ thể thích hợp với miền núi chưa được quy định, công tác tư tưởng trong hợp tác xã chưa được chú ý, công tác quản lý hợp tác xã còn rất lúng túng.
Nhiều nơi chi bộ, Uỷ ban hành chính và các đoàn thể nhân dân chưa được vững mạnh. Có những xã chưa có chi bộ Đảng. Lực lượng cán bộ các dân tộc nói chung thiếu và yếu. Trình độ chính trị và ý thức giai cấp của quần chúng chưa được nâng cao, trình độ văn hoá nhiều nơi còn rất thấp.
Về lãnh đạo, chúng ta chưa coi trọng đúng mức công tác miền núi; các cấp uỷ địa phương đã có nhiều cố gắng, nhưng nói chung nắm tình hình không vững, giải quyết công việc còn chậm chạp và thiếu cụ thể. Các ngành của Đảng và của Nhà nước, các đoàn thể nhân dân chưa chú trọng điều tra, nghiên cứu tình hình miền núi để giúp Trung ương Đảng và Chính phủ đề ra những chủ trương và chính sách sát hợp và kịp thời.
Đó là nhược điểm của tình hình.
Nhưng mặc dù còn có những nhược điểm đó, tình hình miền núi căn bản là tốt. Phong trào đổi công hợp tác, cải tiến kỹ thuật, phát triển sản xuất đã kết hợp với nhau và đều có tiến bộ. Cuộc cải cách dân chủ đã có một quá trình tương đối dài, những vấn đề còn lại phải giải quyết không nhiều lắm. Những nơi đã qua phát động quần chúng cải cách ruộng đất và giảm tô mà ít sai lầm, hoặc đã phát động quần chúng tiễu phỉ, trừ gian, phục vụ tiền tuyến, v.v. thì nói chung có khá hơn những nơi khác, vùng thấp khá hơn vùng cao, miền nội địa khá hơn miền biên giới. Nơi nào cuộc vận động cải cách dân chủ làm sâu sắc và triệt để, tư tưởng của quần chúng được phát động kỹ thì ở đó vấn đề đoàn kết dân tộc, củng cố trật tự, an ninh và phong trào đổi công hợp tác, phát triển sản xuất tiến hành được thuận lợi hơn. Trái lại, nơi nào địa chủ phong kiến chưa thật sự bị đánh đổ, bọn phá hoại hiện hành chưa bị trấn áp và nông dân lao động chưa xây dựng được ưu thế tuyệt đối của mình ở nông thôn thì chẳng những phong trào đổi công hợp tác chưa được tốt mà các công tác khác cũng kém kết quả.
Căn cứ vào tình hình miền núi như trên. Hội nghị Trung ương lần thứ 16 đã nêu nhiệm vụ của miền núi là phải: vận động hợp tác hoá nông nghiệp phát triển sản xuất và kết hợp hoàn thành cải cách dân chủ, tức là trong khi tiến hành cuộc vận động hợp tác hoá nông nghiệp, phát triển sản xuất phải chú ý giải quyết những vấn đề còn lại của cải cách dân chủ, ngược lại, giải quyết những vấn đề đó cũng chính là để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiến hành hợp tác hoá nông nghiệp và đẩy mạnh sản xuất ở miền núi.
Dưới đây là những quy định cụ thể cho cuộc vận động hợp tác hoá nông nghiệp kết hợp hoàn thành cải cách dân chủ ở miền núi thuộc miền Bắc nước ta hiện nay.
II- NHỮNG ĐIỀU QUY ĐỊNH CỤ THỂ ĐỂ TIẾN HÀNH HỢP TÁC HOÁ NÔNG NGHIỆP Ở MIỀN NÚI
1- Đường lối giai cấp của Đảng trong cuộc vận động hợp tác hoá nông nghiệp kết hợp hoàn thành cải cải dân chủ miền núi.
Đường lối cơ bản của Đảng ở nông thôn toàn miền Bắc hiện nay là dựa hẳn vào bần nông và trung nông lớp dưới (nơi nào còn cố nông thì dựa hẳn vào bần cố nông và trung nông. Song vì tình hình miền núi có nhiều chỗ khác miền xuôi và ngay ở miền núi tình hình kinh tế và xã hội giữa các vùng cũng phát triển không đều, cho nên cần đề ra đường lối cụ thể cho hai loại vùng khác nhau ở miền núi như dưới đây:
a- Đối với những vùng kinh tế đã phát triển, giai cấp đã phân hoá rõ rệt thì đường lối giai cấp của Đảng ta là:
Dựa hẳn vào bần cố nông và trung nông lớp dưới, đoàn kết chặt chẽ với trung nông, tranh thủ những người thuộc tầng lớp trên có liên hệ với quần chúng, hạn chế đi đến xoá bỏ sự bóc lột kinh tế của phú nông, cải tạo tư tưởng phú nông, xoá bỏ thế lực kinh tế và chính trị còn lại của giai cấp địa chủ phong kiến, ngăn ngừa địa chủ ngóc đầu dậy, mở đường cho địa chủ lao động cải tạo thành con người mới, trấn áp bọn phản động phá hoại hiện hành, kiên quyết đưa nông dân miền núi đi vào con đường hợp tác hoá nông nghiệp tiến lên chủ nghĩa xã hội.
b- Đối với những vùng kinh tế phát triển chậm, giai cấp chưa phân hoá rõ, thì đường lối giai cấp của Đảng ta như sau:
Dựa vào nông dân lao động, nhất là nông dân lao động nghèo khổ, tranh thủ những người thuộc tầng lớp trên có liên hệ với quần chúng, xoá bỏ các hình thức bóc lột phong kiến còn lại, trấn áp bọn phản động, phá hoại hiện hành, kiên quyết đưa nông dân miền núi đi vào con đường hợp tác hoá nông nghiệp tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Như vậy là riêng ở vùng giai cấp chưa phân hoá rõ rệt, chỉ đặt vấn đề dựa vào nông dân lao động, vì ở đây, trong nông dân lao động có một số người đời sống và tư liệu sản xuất có khá hơn nhưng không chênh lệch nhiều lắm so với những nông dân lao động khác. Tuy vậy, khi tiến hành công tác ở những vùng này, trước hết phải chú ý dựa vào những nông dân lao động nghèo khổ. Tranh thủ những người thuộc tầng lớp trên, có liên hệ với quần chúng là tranh thủ những người tuy là địa chủ hoặc phú nông (vùng giai cấp đã phân hoá rõ) hoặc có bóc lột (vùng giai cấp chưa phân hoá rõ) nhưng vì quan hệ dân tộc hoặc tôn giáo, họ có ảnh hưởng nhất định trong quần chúng ở một vùng hoặc một xã; từ khi địa phương thành lập chính quyền nhân dân đến nay, họ không phạm tội ác lớn đối với nhân dân, họ có liên hệ tốt hoặc bình thường với quần chúng và quần chúng không oán ghét họ. Nếu những người ấy tán thành và ủng hộ thì việc tiến hành hợp tác hoá nông nghiệp kết hợp hoàn thành cải cải dân chủ ở miền núi sẽ được thuận lợi. Tranh thủ tầng lớp trên có liên hệ với quần chúng cụ thể là đoàn kết với họ, đồng thời giáo dục, cải tạo họ, phê bình những thiếu sót của họ. Muốn tranh thủ tầng lớp trên, phải đi sâu vào quần chúng, phát động tư tưởng quần chúng nông dân lao động.
Đối với phú nông ở miền núi, việc hạn chế đi đến xoá bỏ sự bóc lột kinh tế của họ và cải tạo tư tưởng cho họ phải làm dần dần. Việc hạn chế đi đến xoá bỏ sự bóc lột đó phải tiến hành bằng cách ra sức phát triển ba hình thức hợp tác xã: hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, hợp tác xã mua bán và hợp tác xã vay mượn, chứ không phải bằng cách ra lệnh cấm bóc lột. Cải tạo tư tưởng phú nông bằng cách tổ chức cho họ học tập chính sách của Đảng và Chính phủ, làm cho họ nhận rõ bóc lột là xấu để họ bỏ dần, đồng thời họ không chống đối với hợp tác hoá nông nghiệp và hoàn thành cải cách dân chủ.
Đối với địa chủ thì theo như chính sách chung, kiên quyết xoá bỏ chế độ phong kiến chiếm hữu ruộng đất, xoá bỏ những tàn tích của chế độ thổ ty, lang đạo, phìa tạo; nhưng xoá bỏ một cách ôn hoà và chiếu cố đúng mức những người thuộc giai cấp địa chủ nhưng là nhân sĩ dân chủ, địa chủ kháng chiến, cán bộ, đảng viên, bộ đội, nhân viên và gia đình họ. Mức độ chiếu cố thế nào sẽ nói ở phần chính sách.
Về việc trấn áp bọn phản động phá hoại hiện hành, tinh thần chung là phải kiên quyết, nhưng phải rất thận trọng và phải tiến hành có trọng điểm. Cấp trên phải nắm lãnh đạo chặt chẽ, cấp dưới phải xin chỉ thị cấp trên, không được làm ẩu, làm bừa.
Trên đây là giải thích một số điểm về đường lối gia cấp ở nông thôn miền núi. Còn những vấn đề như dựa hẳn vào bần nông (hoặc bần cố nông) và trung nông lớp dưới, đoàn kết chặt chẽ với trung nông thì nội dung giống như đã nêu lên trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 16 về vấn đề hợp tác hoá nông nghiệp. Các cấp uỷ Đảng ở miền núi phải nghiên cứu kỹ và chấp hành cho đúng nghị quyết nói trên về vấn đề đó.
2- Phương châm tiến hành hợp tác hoá nông nghiệp kết hợp hoàn thành cải cách dân chủ ở miền núi.
Phương châm tiến hành hợp tác hoá Trung ương đã đề ra chung cho miền Bắc là: Tích cực lãnh đạo, vững bước tiến lên, quy hoạch về mọi mặt, sát với từng vùng; làm tốt, vững và gọn.
Đối với miền núi, phương châm này vẫn đúng. Nó vẫn phải được thấu suốt trong cả cuộc vận động hợp tác hoá nông nghiệp kết hợp hoàn thành cải cách dân chủ. Nhưng để sát với đặc điểm của miền núi có nhiều dân tộc và có tính chất phức tạp, khi áp dụng phương châm chung phải nắm vững thêm những điểm riêng cho miền núi như sau: bảo đảm đoàn kết dân tộc, kiên nhẫn, thận trọng, tuỳ từng vùng khác nhau mà cách làm có khác nhau, tránh máy móc, dập khuôn; xuất phát từ những đặc điểm của miền núi, và trình độ thực tại của các dân tộc.
Nếu cuộc vận động hợp tác hoá nông nghiệp kết hợp hoàn thành cải cách dân chủ ở miền núi không theo đúng những điều quy định về phương châm chung và phương châm cụ thể trên đây thì nhất định công tác không thể có kết quả tốt được.
3- Bước đi, tốc độ và hình thứ hợp tác hoá nông nghiệp ở miền núi.
Căn cứ vào những quy định chung trong nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 16, cần định rõ thêm một số điểm thích hợp với tình hình kinh tế - xã hội và tập quán, sinh hoạt của đồng bào miền núi như dưới đây:
Về bước đi của cuộc vận động hợp tác hoá nông nghiệp ở miền núi, nói chung cũng phải theo ba bước, từ tổ đổi công lên hợp tác xã bậc thấp, rồi lên hợp tác xã bậc cao, và trong thời gian đầu muốn xây dựng hợp tác xã sản xuất nông nghiệp được tốt, căn bản phải có tổ đổi công thường xuyên có bình công chấm điểm làm nòng cốt. Nhưng do đặc điểm của miền núi, các dân tộc thiểu số sẵn có tinh thần đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, tính tư hữu nhẹ hơn ở miền xuôi, nhiều nơi có nhiều ruộng đất, trâu bò; cho nên trong điều kiện có tổ đổi công thường xuyên có bình công chấm điểm tốt và nếu quần chúng tự nguyện thì lúc đầu có thể xây dựng ngay hợp tác xã bậc cao không cần qua bậc thấp, vấn đề căn bản là phải được quần chúng thực sự tự nguyện và bảo đảm lãnh đạo tốt, không gò ép quần chúng xây dựng hợp tác xã bậc cao khi quần chúng chưa thông và điều kiện chưa cho phép.
Hiện nay những nơi phong trào đổi công còn yếu phải ra sức củng cố và phát triển tổ đổi công và nơi nào cũng phải coi trọng việc phát triển tổ đổi công thường xuyên, có bình công chấm điểm, chuẩn bị điều kiện để xây dựng hợp tác xã sản xuất nông nghiệp. Những nơi đã có hợp tác xã sản xuất nông nghiệp thì phải củng cố tốt những hợp tác xã đó bằng cách tăng cường giáo dục chính trị và tư tưởng cho xã viên, quản lý tốt hợp tác xã và chú trọng cải tiến kỹ thuật để phát triển sản xuất nhiều mặt, đồng thời chuẩn bị cán bộ, chuẩn bị cơ sở tổ đổi công, nhất là tổ đổi công thường xuyên có bình công chấm điểm, để dần dần phát triển thêm hợp tác xã. Những nơi chưa có hợp tác xã thì từ nay đến cuối năm phải tạo điều kiện để có thể xã nào cũng xây dựng được hợp tác xã (trừ một số ít xã có tình hình đặc biệt) chuẩn bị cho phong trào phát triển trong năm tới.
Mỗi tỉnh huyện phải xây dựng và chỉ đạo hợp tác xã trọng điểm cho tốt để rút kinh nghiệm và làm gương cho quần chúng nông dân. Lúc đầu xã nào muốn tổ chức hợp tác xã bậc cao phải được cấp tỉnh hoặc cấp khu (như ở Tây Bắc) xét và đồng ý; khi đã có kinh nghiệm rồi thì có thể giao cho cấp huyện xét. Tỉnh nào vì tình hình đặc biệt chủ trương tổ chức nhiều hợp tác xã bậc cao ngay từ đầu thì phải báo cáo Trung ương xét và phê chuẩn.
Về tốc độ của phong trào hợp tác hoá nông nghiệp ở miền núi nói chung cũng theo như tốc độ Hội nghị Trung ương lần thứ 16 đã quyết định mà tiến hành. Nhưng vì miền núi có một số xã đương còn lại những vấn đề của cải cách dân chủ chưa được giải quyết, cơ sở tổ chức Đảng, Chính, Quân, Dân ở một số xã đương còn yếu v.v. cho nên ở những xã đó phong trào hợp tác hoá nông nghiệp có thể tiến chậm hơn. Các cấp uỷ, nhất là cấp tỉnh, phải thấy tình hình đó để có kế hoạch giúp đỡ cho vùng yếu và xã yếu.
Về hình thức tổ chức hợp tác xã ở miền núi, cũng lấy hợp tác xã sản xuất nông nghiệp là chính, trừ nơi nào nông nghiệp và lâm nghiệp đều là nguồn lợi lớn có điều kiện chăn nuôi lớn thì tổ chức hợp tác xã chăn nuôi. Trong các hợp tác xã nông nghiệp, nông lâm nghiệp, hoặc chăn nuôi đó, phải biết lợi dụng điều kiện thiên nhiên thuận lợi của miền núi và khả năng về mọi mặt quản lý kỹ thuật, lãnh đạo v.v. mà tổ chức kinh doanh nhiều mặt, cả về nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, công nghiệp, vận tải, nghề phụ, v.v...
Về quy mô tổ chức hợp tác xã ở miền núi, cũng đi từ nhỏ đến lớn. Lúc đầu nói chung mỗi hợp tác xã nên tổ chức vào khoảng từ 15 đến 30 hộ, những nơi dân cư thưa thớt có thể tổ chức những hợp tác xã nhỏ trên dưới 10 hộ, những nơi dân cứ đông đúc có thể tổ chức những hợp tác xã to trên dưới 40 hộ. Về sau, tuỳ theo khả năng quản lý của cán bộ và điều kiện thuận lợi cho sản xuất mà dần dần tổ chức những hợp tác xã lớn bao gồm phạm vi một xã, hoặc bao gồm phạm vi một vài bản ở những xã quá rộng.
4- Một số chính sách cụ thể về hợp tác hoá nông nghiệp ở miền núi.
Chính sách hợp tác hoá nông nghiệp ở miền núi về căn bản cũng như chính sách chung. Ở đây chỉ bổ sung một số điểm cần thiết như sau:
a- Đối với ruộng đất, trâu bò, v.v. đưa vào hợp tác xã:
Đất để lại cho các gia đình xã viên trồng rau, cây ăn quả, trồng chàm v.v. không nhất thiết theo mức đã quy định, nghĩa là để cho mỗi nhân khẩu trong gia đình xã viên không quá 5% diện tích bình quân của mỗi nhân khẩu trong xã, mà có thể để nhiều hơn nếu địa phương có nhiều đất và quần chúng yêu cầu, nhưng không nên để lại nhiều quá vì như thế nhất định sẽ ảnh hưởng đến việc quản lý lao động chung. Đối với những nơi vì phong tục tập quán, đồng bào miền núi yêu cầu để lại một số ruộng để tự tay trồng cấy lấy lúa gạo dùng vào việc thờ cúng thì cũng nên chiếu cố, nhưng cũng vẫn phải theo tinh thần nói trên đây.
Đối với các rừng hoặc đồi trồng cây ăn quả, cây công nghiệp lưu niên, đồi cọ, đồi chè, nương gai, nương móc, ao cá, v.v., ngoài những điều đã quy định chung, ở miền núi khi hợp tác xã lên bậc cao, đối với những thứ thu lợi nhiều nhưng không phải tốn công chăm sóc, không ảnh hưởng đến quản lý lao động chung, thì lúc đầu nếu xã viên chưa muốn công hữu hoá ngay cũng có thể để cho họ sử dụng, sau sẽ tuỳ theo yêu cầu của quần chúng và khả năng quản lý mà dần dần đưa vào hợp tác xã.
Đối với trâu bò đàn chăn nuôi thì tuỳ theo nguyện vọng của xã viên và khả năng chăn nuôi của hợp tác xã mà để các xã viên tự chăn nuôi lấy hoặc đưa vào hợp tác xã rồi hợp tác xã tổ chức chăn nuôi và chia hoa lợi cho người chủ hoặc hợp tác xã mua những trâu đó làm của tập thể và trả dần cho xã viên chủ trâu bò trong khoảng từ 3 đến 5 năm.
Để chiếu cố sinh hoạt riêng của xã viên, khi vận động đưa trâu bò vào hợp tác xã, có thể để lại cho những gia đình có nhiều trâu bò một vài con làm của riêng. Về ngựa, những con nào dùng để phục vụ sinh hoạt gia đình (như thồ củi, nước, v.v.) thì không vận động đưa vào hợp tác xã.
Những nơi có voi, nếu quần chúng đồng ý đưa vào hợp tác xã thì phải chú ý sắp xếp để chăn nuôi và sử dụng cho tốt, và định giá mức trả dần cho xã viên trong thời hạn không quá 5 năm.
b- Đối với những người thuộc tầng lớp trên và những người làm nghề tôn giáo ở miền núi:
Đối với địa chủ, phú nông, nếu hiện họ còn tiếp tục bóc lột và chưa được thay đổi thành phần, thì nhất định không được kết nạp vào tổ đổi công và hợp tác xã. Những người đã thôi bóc lột và đã được thay đổi thành phần lúc đầu nói chung cũng chưa nên kết nạp đến khi hợp tác xã đã phát triển rộng và củng cố thì tuỳ theo thái độ từng người mà kết nạp làm xã viên dự bị.
Đối với những địa chủ phú nông đã gia nhập tổ đổi công hoặc hợp tác xã, ta phải xét từng trường hợp xem người nào đã thôi bóc lột và đã đủ tiêu chuẩn được thay đổi thành phần thì tuyên bố cho họ thay đổi thành phần và để họ ở lại tổ đổi công và hợp tác xã, làm tổ viên chính thức hay làm xã viên dự bị. Còn đối với những người chưa bỏ bóc lột, phải giải thích cho họ, nếu họ chịu bỏ bóc lột và xét ra từ khi vào tổ đổi công hay hợp tác xã, họ vẫn phục từng kỷ luật của tổ chức và không làm điều gì có hại cho tạp thể thì ta vẫn để họ trong tổ đổi công hay hợp tác xã và coi họ như một tổ viên hoặc xã viên dự bị và sau nếu họ tiến bộ thì họ cũng sẽ trở thành xã viên chính thức.
Ở những vùng giai cấp chưa phân hóa rõ nếu quần chúng tán thành cũng có thể kết nạp vào tổ đổi công và hợp tác xã những người thuộc tầng lớp trên thật sự lao động, đã thôi bóc lột và tự giác bỏ những đặc quyền, đặc lợi còn lại, nhưng chỉ có thể coi họ như xã viên dự bị và trong những năm đầu của cuộc vận động hợp tác xã không nên bầu họ vào cơ quan lãnh đạo.
Đối với những người làm nghề tôn giáo như mo trang, thầy cúng, cô đồng, cô then, v.v. nếu họ là nông dân lao động thì đối xử như nông dân lao động khác và tuỳ theo yêu cầu của họ mà kết nạp vào tổ đổi công, hợp tác xã, đồng thời giáo dục họ giảm bớt những tục lệ phiền phức và lãnh phí trong việc cúng lễ, tuyệt đối không được cưỡng bức, mệnh lệnh. Mo, trang, thầy cúng, cô đồng, cô then là địa chủ hoặc phú nông, thì nói chung cũng đối xử theo những điều đã quy định đối với những tầng lớp ấy. Nếu họ thuộc diện tranh thủ và có thái độ tốt thì họ chưa được thay đổi thành phần, ta cũng có thể cho họ tham gia lao động trong hợp tác xã sớm hơn những người khác cùng giai cấp hoặc tầng lớp của họ, và sau một thời gian lao động, ta có thể kết nạp họ làm xã viên dự bị.
c- Chính sách tổ chức và vấn đề bồi dưỡng cán bộ người thiểu số:
Về mặt tổ chức những nơi nào trong hợp tác xã có nhiều thành phần dân tộc thì trong Ban quản trị, Ban kiểm soát phải có đủ thành phần dân tộc, làm cho các dân tộc đoàn kết, học hỏi, tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ, xoá bỏ dần những thành kiến dân tộc do chế độ cũ để lại.
Tiến hành hợp tác hoá nông nghiệp ở miền núi phải chú ý rất nhiều đến việc bồi dưỡng cán bộ dân tộc thiểu số về chính trị, văn hoá, kỹ thuật và nghiệp vụ, nhất là cần chú ý tổ chức việc học văn hoá cho cán bộ lãnh đạo của xã và của hợp tác xã, tạo điều kiện để tổ chức cho họ học tập về nghiệp vụ và kỹ thuật. Đây là vấn đề rất cấp bách: các tỉnh, huyện miền núi, phải có kế hoạch giải quyết cụ thể. Mặt khác việc làm sổ sách, cách sắp xếp tổ chức, v.v. trong hợp tác xã phải giản đơn, dễ làm, hợp với trình độ của cán bộ và đồng bào miền núi.
III- NỘI DUNG VÀ CHÍNH SÁCH HOÀN THÀNH CẢI CÁCH DÂN CHỦ Ở MIỀN NÚI
Như trên đã nhận định, nhiệm vụ cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền núi, căn bản đã hoàn thành. Những vấn đề còn lại của cải cách dân chủ ở từng vùng, từng xã, vấn đề còn lại nhiều hay ít mà định yêu cầu và kế hoạch kết hợp giải quyết trong phong trào hợp tác hoá nông nghiệp.
Nói chung, giải quyết những vấn đề còn lại của cải cách dân chủ ở miền núi nên nhẹ nhàng, đơn giản, nhưng chặt chẽ và sâu sắc, nhằm đạt được mục đích dưới đây:
Phân ranh giới giữa nông dân với địa chủ, giữa lao động với bóc lột, phân rõ ranh giới giữa ta, bạn và địch, xoá bỏ những tàn tích của chế độ phong kiến chiếm hữu ruộng đất và những đặc quyền, đặc lợi của phong kiến còn sót lại, trấn áp bọn phản động phá hoại hiện hành, giữ vững trật tự an ninh, tăng cường đoàn kết dân tộc, tránh gây ra không khí căng thẳng làm cho quần chúng hoang mang và địch lợi dụng, có dự kiến và đề phòng trước mọi việc đột xuất có thể xảy ra.
Yêu cầu cụ thể là: về kinh tế, chủ yếu là phải thanh toán nốt chế độ phong kiến chiếm hữu ruộng đất, xác định quyền sở hữu của nông dân lao động về ruộng đất của địa chủ đã chia cho nông dân (đối với đồng bào rẻo cao hiện chưa định canh, định cư thì cần giúp đỡ cụ thể để họ tiến dần tới định canh, định cư). Về chính trị chủ yếu là làm cho nông dân lao động thật sự và hoàn toàn làm chủ nông thôn và trấn áp bọn phá hoại hiện hành. Còn các vấn đề khác thì lấy giáo dục tư tưởng làm chính và thông qua phong trào hợp tác hoá mà giải quyết dần.
1- Vạch thành phần giai cấp.
Tiêu chuẩn phân định thành phần giai cấp ở miền núi cũng phải dựa theo bản điều lệ phân định thành phần đã ban hành. Nếu có điểm nào cần bổ sung thì sẽ nghiên cứu và quy định sau.
Đối với nông dân lao động trong tất cả các vùng, dù trước đây đã xác định thành phần hay chưa, nay đều không đặt vấn đề vạch hoặc vạch lại thành phần. Khi cần thiết phải xét để tổ chức người vào tổ đổi công hợp tác xã hoặc lựa chọn người đưa vào cơ quan lãnh đạo hợp tác xã, v.v. thì chi uỷ và cán bộ phụ trách ở xã (nơi chưa có chi bộ) hoặc cán bộ địa phương cùng với cán bộ ở trên xuống giúp địa phương xây dựng hợp tác xã căn cứ vào đường lối giai cấp và tiêu chuẩn phân định thành phần đã có mà xét cụ thể từng trường hợp và giải quyết.
Đối với thành phần bóc lột chỉ chia làm mấy loại như sau:
a) Ở những xã giai cấp đã phân hoá rõ rệt, việc xét thành phần địa chủ, phú nông cũng cần có sự phân biệt thích đáng:
- Xã nào đã cải cách ruộng đất thì không vạch lại thành phần, song phải theo đúng nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ 16 về hợp tác hoá nông nghiệp mà nhận xét những hộ thực tế đã thay đổi thành phần từ sau cải cách ruộng đất để trong việc kết nạp vào hợp tác xã hoặc bầu Ban quản trị hợp tác xã khỏi phạm sai lầm.
- Xã đã phát động quần chúng giảm tô, nói chung cũng không vạch lại thành phần. Nếu ở đó có người nào vẫn bị quy sai là địa chủ phú nông mà chưa được sửa chữa trong sửa sai thì bàn bạc với quần chúng sửa lại cho họ. Đối với địa chủ lọt lưới thì chỉ trong trường hợp cá biệt họ còn nhiều ruộng đất, trâu bò và thái độ không tốt, quần chúng nông dân kiên quyết đòi quy lại, ta mới vạch họ là địa chủ.
- Xã nào chưa cải cách ruộng đất và giảm tô, nhưng qua các cuộc vận động cải cách dân chủ khác đã xét định thành phần địa chủ, phú nông thì nay uỷ ban hành chính xã cần báo cáo rõ với quần chúng nông dân sự phân định trước để cho quần chúng có ý kiến. Nếu có trường hợp nào trước vạch sai thì nay phải vạch lại.
- Xã nào chưa phê duyệt thành phần, nay phải tiến hành như sau:
Phú nông và những địa chủ kháng chiến, địa chủ thường thì cho nhận thành phần trước uỷ ban hành chính xã và một số đại biểu nông dân trong xã, rồi uỷ ban hành chính xã tuyên bố với quần chúng. Nếu có người không chịu nhận thành phần thì mới đưa ra vạch trước quần chúng (diện quần chúng tham dự rộng hẹp tuỳ theo yêu cầu của từng vụ).
Địa chủ trước có tội ác lớn, đã chịu lao động cải tạo, nhưng quần chúng vẫn oán ghét, hoặc địa chủ trước không có tội ác lớn nhưng gần đây có những hành động chống đối lại chính sách thì phải kiểm thảo trước quần chúng và nhận thành phần trước hội nghị đại biểu nông dân lao động toàn xã, toàn bản, hoặc toàn thôn, tuỳ theo ảnh hưởng của địa chủ đó rộng hay hẹp mà định. (Trường hợp cá biệt mới đưa ra hội nghị đại biểu nông dân lao động toàn xã).
Đối với địa chủ có tội ác lớn chưa chịu cải tạo hoặc phá hoại hiện hành, phải phát động tư tưởng quần chúng vạch tội ác, vạch thành phần và bắt nhận thành phần trước quần chúng (diện quần chúng tham dự rộng hẹp tùy theo yêu cầu của từng vụ).
Đối với những tên trước đây là địa chủ, từ khi có luật cải cách ruộng đất đi làm mo, trang, làm thày cúng thì tuỳ theo chúng thuộc loại đại chủ nào kể trên đây mà đối xử. Nếu chúng là phần tử phản động phá hoại hiện hành và quần chúng nông dân yêu cầu thì cấm không cho làm mo, thày cúng, trang nữa.
Cơ quan xét duyệt thành phần địa chủ phú nông là Uỷ ban hành chính huyện. Đối với những gia đình cách mạng, gia đình cán bộ, quân nhân là địa chủ, đối với những người là nhân sĩ dân chủ, thân sĩ yêu nước thuộc tầng lớp trên (có liên hệ với quần chúng), đối với những địa chủ có tội ác lớn chưa chịu cải tạo hoặc phá hoại hiện hành thì Uỷ ban hành chính huyện đề nghị lên Uỷ ban hành chính tỉnh hoặc Uỷ ban hành chính Khu tự trị quyết định. Gặp trường hợp đặc biệt thì Uỷ ban hành chính Khu tự trị đề nghị lên Thủ tướng phủ quyết định.
Trong khi phân định thành phần địa chủ, phú nông phải chú ý giải thích cho những nông dân lao động hiện nay có bóc lột chút ít nhận rõ rằng: tuy họ có bóc lột, nhưng nếu họ không đủ tiêu chuẩn là địa chủ, phú nông thì vẫn không bị vạch là địa chủ, phú nông và vẫn được đối xử như nông dân lao động.
Sau khi xét thành phần những địa chủ, phú nông nào đủ tiêu chuẩn được thay đổi thành phần thì cơ quan chính quyền cấp xã xét và đề nghị huyện quyết định cho họ được thay đổi thành phần theo như chính sách đã quy định.
2- Giải quyết những vấn đề kinh tế còn lại.
Phương châm chung để giải quyết những vấn đề kinh tế còn lại của cải cách dân chủ là: việc gì xét ra thật cần thiết mới đặt thành vấn đề để giải quyết, không xáo trộn, không gây trở ngại cho sản xuất và đoàn kết ở nông thôn. Trong khi tiến hành, vấn đề nào có thể giải quyết ngay thì giải quyết, nhưng cũng có những vấn đề phải giải quyết dần trong một thời gian nhất định.
Đối với những ruộng đất trước đây đã tạm cấp tạm giao cho nông dân lao động, dù còn chênh lệch, nói chung cũng không cần điều chỉnh trong nội bộ nông dân lao động với nhau, vì lúc này phong trào hợp tác hoá đang phát triển, nếu đặt vấn đề điều chỉnh thì dễ gây ra xích mích không cần thiết. Nhưng cần tuyên bố việc xác định quyền sở hữu của người được tạm cấp, tạm giao đối với những ruộng đất ấy, nếu ruộng đất ấy vốn là của địa chủ; tuy vậy, việc cấp giấy chứng nhận cũng không cần đặt ra trong cải cách ruộng đất. Nơi nào ruộng đất tạm cấp, tạm giao là ruộng đất công thì nay tuyên bố ruộng đất đó như đã trưng thu và chia cho người được tạm cấp, tạm giao là ruộng đất công thì nay tuyên bố ruộng đất đó như đã trưng thu và chia cho người được tạm cấp, tạm giao và khi vào hợp tác xã người đó đương nhiên có quyền mang ruộng đất được chia vào hợp tác xã, như ruộng đất đất ấy là của riêng mình. Trâu bò đã tạm cấp, tạm giao cũng không cần điều chỉnh, nhưng có thể vận động người có nhiều nhường bớt cho người chưa có. Nhưng trâu bò do các cơ quan Nhà nước gửi nông dân giữ thì các cơ quan đó nghiên cứu cụ thể và đề nghị giải quyết riêng.
Đối với ruộng đất, tài sản của phú nông, nói chung không đụng đến, nhưng phú nông nào có ruộng đất phát canh thu tô hoặc cho mướn thì nay tuyên bố giao hẳn cho nông dân đang làm ruộng đất đó.
Đối với ruộng đất, tài sản của địa chủ, cần phân biệt đối xử như sau: địa chủ nào hiện nay ruộng đất, trâu bò chiếm hữu còn xấp xỉ số bình quần nhân khẩu của nông dân trong xã thì để như cũ. Địa chủ nào còn nhiều ruộng đất trâu bò, nếu họ là địa chủ kháng chiến, địa chủ thường thì cho hiến hoặc trưng mua phần có thừa, nếu là địa chủ phá hoại hiện hành hoặc cường hào gian ác thì tịch thu, trưng thu theo như chính sách đã quy định. Đối với địa chủ trước kia là cường hào gian ác (ở vùng tự do cũ thì trước Cách mạng tháng Tám, ở vùng mới giải phóng thì trước khi được giải phóng nhưng nay tỏ ra phục tùng pháp luật, cũng có thể trưng mua. Địa chủ nào phá hoại hiện hành nghiêm trọng thì do toà án xét xử, quyết định tịch thu, trưng thu một phần hoặc toàn bộ.
Nợ của địa chủ kể cả cũ, mới đều tuyên bố xoá bỏ. Việc thoái tiền công quịt, thoái tô, thoái tức không đặt ra. Những tài sản khác của địa chủ nói chung không đụng đến. Tài sản kinh doanh công thương nghiệp của địa chủ thì theo chính sách chung đã quy định là nhất thiết không đụng đến.
Những quyền của địa chủ, phú nông bao chiếm rừng, đồi, khe suối, bắt nông dân biếu xén và bóc lột sức lao động không trả tiền công bất cứ dưới hình thức gì, từ nay đều coi là không hợp pháp và bị thủ tiêu.
Ruộng đất, trâu bò tịch thu, trưng thu, trưng mua hoặc nhận hiến của địa chủ, thì chia cho nông dân lao động còn thiếu, hoặc nếu nông dân ở địa phương căn bản đã vào hợp tác xã sản xuất nông nghiệp thì giao cho hợp tác xã sản xuất nông nghiệp nào có nhiều hộ và có nhiều khả năng kinh doanh nhất. Đầm hồ lớn, rừng cây lớn hoặc những đất trồng các loại cây đặc biệt của địa chủ, diện tích rộng lớn thì do Nhà nước quản lý, hoặc giao cho hợp tác xã sản xuất nông nghiệp quản lý, không chia cho cá nhân sử dụng.
Đối với các loại súng, nguyên tắc giải quyết là:
Các loại súng trận đều phải tập trung vào tay dân quân du kích, hoặc bộ đội địa phương, súng nào dân quân du kích hoặc bộ đội địa phương dùng không hợp thì giao lại cho quân đội chính quy. Súng trường ở trong tay nông dân lao động mà người có súng đó là người tốt thì cứ để họ giữ và tổ chức họ vào dân quân du kích hoặc họ không muốn vào thì Uỷ ban hành chính xã mượn súng của họ cho dân quân du kích sử dụng. Súng trận ở trong tay địa chủ, phú nông thì trưng thu giao cho quân dân du kích hoặc bộ đội địa phương sử dụng.
Súng kíp và súng đi săn, thì nói chung của ai người ấy vẫn được giữ, vì những thứ súng này cần để săn thú và bảo vệ mùa màng. Nhưng cần tịch thu hoặc trưng thu súng kíp và súng đi săn của bọn phản động phá hoại hiện hành, vì nếu để cho họ giữ vũ khí trong tay thì sẽ có thể xảy ra những việc đáng tiếc.
Ngoài những điều nêu trên đây, thể lệ đăng ký súng vẫn giữ nguyên như cũ.
Đối với vòng vía, nhẫn cưới, đồ thờ cúng, vì mục đích tôn trọng phong tục tập quán và tự do tín ngưỡng của đồng bào thiểu số, cho nên nhất thiết không được đụng đến những thứ đó, dù là của nông dân lao động hay của địa chủ, phú nông cũng vậy.
3- Đối với những người thuộc tầng lớp trên có liên hệ với quần chúng.
Trong khi giải quyết những vấn đề còn lại của cải cách dân chủ cần giải thích cho những người thuộc tầng lớp trên có liên hệ với quần chúng, thuyết phục họ chấp hành đúng chính sách của Đảng và Chính phủ. Nếu họ còn bóc lột thì giải thích cho họ từ nay cần bỏ hẳn bóc lột. Nếu họ còn nhiều ruộng đất, trâu bò thì cho phép họ được hiến một phần cho chính quyền nhân dân để chia cho nông dân lao động không có đất hoặc thiếu đất, hoặc để giao cho hợp tác xã sản xuất nông nghiệp nếu ở địa phương ai cũng đã có đủ đất cày cấy.
Việc giải quyết những mâu thuẫn về quyền lợi giữa nông dân lao động và tầng lớp trên có quan hệ với quần chúng nên qua hình thức họp Hội nghị hiệp thương gồm đại biểu Đảng và chính quyền địa phương, đại biểu nông dân lao động và đại biểu các tầng lớp trên mà bàn bạc và giải quyết cho được ổn thoả.
4- Đối với cán bộ, bộ đội, công nhân, viên chức xuất thân từ thành phần phú nông, địa chủ.
Những người đúng tiêu chuẩn là địa chủ, phú nông, nếu đã thoát ly gia đình đi công tác được 1 năm trở lên thì bản thân không bị coi là địa chủ, phú nông nữa. Còn gia đình họ nếu còn bóc lột thì vẫn bị quy là địa chủ hoặc phú nông, nhưng cần chiếu cố thích đáng, trong khi giải quyết những vấn đề còn lại của cải cách dân chủ. Nếu gia đình họ đã thôi bóc lột thì chiếu theo những điều quy định về thành phần giai cấp mà cho thay đổi thành phần.
Đối với những cán bộ là địa chủ, phú nông còn trực tiếp công tác ở xã, người nào không bóc lột nữa và có thái độ tốt thì nói chung vẫn để họ giữ nguyên chức vụ cũ. Người nào đến nay vẫn còn bóc lột thì đối với bản thân họ nên tuỳ trường hợp mà cho rút lui, thay đổi công tác hoặc điều động đi nơi khác công tác, còn đối với gia đình họ thì theo quy định chung mà giải quyết.
IV- VẤN ĐỀ LÃNH ĐẠO THỰC HIỆN HỢP TÁC HOÁ NÔNG NGHIỆP KẾT HỢP HOÀN THÀNH CẢI CÁCH DÂN CHỦ Ở MIỀN NÚI.
Lãnh đạo cuộc vận động hợp tác hoá nông nghiệp ở miền núi về tinh thần chung cũng theo như nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ 16, tức là phải chú trọng vấn đề lãnh đạo tư tưởng, lãnh đạo tổ chức, lãnh đạo chính sách, lãnh đạo kế hoạch, v.v. Nhưng vì phải kết hợp giải quyết những vấn đề còn lại của cải cách dân chủ, cho nên công tác có phức tạp hơn. Để lãnh đạo tốt cuộc vận động hợp tác hoá nông nghiệp, phát triển sản xuất, kết hợp hoàn thành cải cách dân chủ ở miền núi, cần nhận rõ những khó khăn và thuận lợi dưới đây:
Khó khăn:
- Miền núi diện tích rộng, nhân dân ở phân tán, giao thông chưa thuận tiện, việc nắm tình hình và chỉ đạo công tác còn gặp nhiều trở ngại.
- Nhiều nơi lực lượng cán bộ dân tộc còn thiếu và yếu, quần chúng nông dân trình độ còn thấp; có nơi nhân dân không biết tiếng phổ thông và chưa có chữ viết dân tộc.
- ở một số xã còn có bọn thổ phỉ, biệt kích, gián điệp hoạt động uy hiếp quần chúng. Bọn đế quốc và tay sai đang tìm hết cách phá hoại ta (nhất là ở các miền biên giới giáp Vương quốc Lào).
- Những vấn đề còn lại của cải cách dân chủ là những trở lực cho cuộc vận động hợp tác hoá nông nghiệp và phát triển sản xuất. Do công tác giáo dục chính trị và phát động tư tưởng quần chúng thiểu số còn nhiều thiếu sót, cho nên nông dân miền núi tuy có giác ngộ dân tộc, nhưng trình độ giác ngộ giai cấp còn thấp. Cuộc vận động giảm tô và cải cách ruộng đất ở mấy trăm xã miền núi trước đây có mang lại quyền lợi cho nông dân các dân tộc, nhưng lại phạm một số sai lầm nghiêm trọng, cho nên trong cán bộ và nhân dân miền núi hiện nay có tâm lý sợ phát động quần chúng và cải cách dân chủ. Đó cũng là một khó khăn nữa cho việc hoàn thành cải cách dân chủ ở miền núi.
Thuận lợi:
- Trải qua Cách mạng Tháng Tám, kháng chiến trường kỳ và từ khi hoà bình được lập lại, các dân tộc miền núi đã giành được nhiều quyền lợi, ý thức giác ngộ cách mạng đã bước đầu được nâng cao, tuyệt đại đa số quần chúng tin tưởng ở sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ và Hồ Chủ Tịch, tin tưởng ở chế độ ta.
- Khả năng kinh tế ở miền núi dồi dào, ta có điều kiện thuận lợi để cải thiện đời sống nhân dân và thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi.
- Phong trào hợp tác hoá nông nghiệp, phong trào cải tiến kỹ thuật, tăng gia sản xuất đang phát triển ở nhiều vùng, quần chúng các dân tộc đã bước đầu thấy được tính hơn hẳn của lối làm ăn tập thể và hăng hái tham gia.
- Từ Hội nghị Trung ương lần thứ 16, các cấp uỷ Đảng đã chú ý nghiên cứu nắm tình hình, tăng cường lãnh đạo phong trào hợp tác hoá nông nghiệp và phát triển sản xuất ở miền núi.
Đó là những thuận lợi căn bản của tình hình miền núi hiện nay. Nhìn chung, công tác miền núi có nhiều khó khăn, nhưng thuận lợi là chính. Chúng ta phải ra sức phát huy thuận lợi, khắc phục khó khăn đưa phong trào hợp tác hoá nông nghiệp ở miền núi tiến lên mạnh mẽ và vững chắc, đồng thời giải quyết tốt những vấn đề còn lại của cải cách dân chủ.
Về lãnh đạo, phải chú ý những vấn đề như sau:
1. Mỗi khu tự trị, mỗi tỉnh, huyện, châu phải nhận rõ rằng: tiến hành hợp tác hoá nông nghiệp phải kết hợp địa phương, cấp uỷ địa phương phải trực tiếp phụ trách. Cụ thể là chi uỷ trực tiếp chấp hành, tỉnh uỷ và huyện uỷ chỉ đạo, có bộ phận giúp việc. Các khu uỷ Tây Bắc và Việt Bắc phải lãnh đạo chặt chẽ cuộc vận động của toàn khu. Mỗi cấp đều phải tăng cường cán bộ chuyên trách và tập trung lực lượng để lãnh đạo cho tốt. Trước mắt phải tiếp tục điều tra, nghiên cứu, nắm cho được tình hình địa phương mình, phân loại các xã và chú ý điều tra xem những vấn đề của cải cách dân chủ tồn tại đến mức nào; tình hình tổ đổi công, hợp tác xã, tình hình cán bộ, tình hình địch phá hoại, v.v. Trên cơ sở đó mà định ra nội dung công tác và kế hoạch cho sát.
Các cấp uỷ Đảng phải giữ vững chế độ báo cáo và xin chỉ thị. Phải báo cáo từng bước công tác và mỗi khi có việc gì đột xuất phải xin chỉ thị cấp trên. Cấp trên phải chú trọng kiểm tra đôn đốc và giải quyết kịp thời những vấn đề do cuộc vận động bên dưới đề ra.
2. Sau khi nắm tình hình và kiểm điểm lực lượng cán bộ xã, nếu xã nào cán bộ không đủ khả năng đảm nhiệm công tác, thì phải tìm mọi cách bổ xung cán bộ cho xã ấy hoặc đưa thêm cán bộ về giúp đỡ, đặc biệt chú ý nắm và giúp đỡ những xã có nhiều vấn đề khó khăn, phức tạp phải giải quyết, nhất là những xã ở dọc theo biên giới và gần giới tuyến tạm thời. Sau khi đã sắp xếp cán bộ cho các xã rồi thì lần lượt huấn luyện cho tất cả cán bộ đó (cán bộ xã và cán bộ trên phải về giúp). Tài liệu huấn luyện chủ yếu là nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ 16 về vấn đề hợp tác hoá nông nghiệp và bản chỉ thị này. Nếu gặp chỉnh huấn chung thì kết hợp với chỉnh huấn mà huấn luyện, làm cho cán bộ hiểu thấu nhiệm vụ công tác, nắm được đường lối, phương châm, chính sách và những yêu cầu căn bản của cuộc vận động hợp tác hoá kết hợp hoàn thành cải cách dân chủ, nắm được kế hoạch và phương pháp tiến hành, có quan điểm đúng đắn đối với toàn bộ cuộc vận động. Phải đặc biệt chú trọng vấn đề chỉnh huấn cho chi bộ xã hoặc nơi nào chưa có chi bộ thì chỉnh huấn cho cán bộ và cốt cán xã.
3. Phương pháp tiến hành là phải dựa hẳn vào cơ sở tổ chức ở xã, trước hết là dựa vào chi bộ xã và vận dụng các tổ chức như Uỷ ban hành chính, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ... Trong quá trình vận động, cần chú trọng tuyên truyền và bồi dưỡng những nông dân lao động, nhất là những bần cố nông và trung nông dưới lớp hăng hái và trung thực để sau kết nạp họ vào chi bộ. Nơi nào chưa có chi bộ thì phải dựa vào những cốt cán tốt trong các tổ chức sẵn có và lựa chon thêm những bần cố nông và trung nông lớp dưới tốt, tích cực ở ngoài tổ chức, dựa vào họ mà tiến hành công tác, đồng thời tích cực tạo điều kiện xây dựng cơ sở Đảng và Đoàn thanh niên lao động, v.v. Chú ý bồ dưỡng cốt cán người các dân tộc thiểu số để họ tự lãnh đạo phong trào. Cán bộ do trê phái về giúp xã không bao biện làm thay, không lấy danh nghĩa là đoàn đội của cấp trên về làm, không được tự đặt ra chính sách và khẩu hiệu riêng biệt trái ngược với tinh thần nghị quyết và chỉ thị của Đảng.
4. Về nội dung từng bước công tác, phải tuỳ theo tình hình và những vấn đề cần giải quyết ở từng xã khác nhau, (có khi trong một xã tình hình từng bản cũng có chỗ khác nhau) mà định:
a- Loại xã thứ nhất gồm những xã đã cải cách ruộng đất và những xã thuộc vùng giai cấp chưa phân hoá rõ mà tình hình chính trị ổn định, thì dựa vào chi bộ hoặc lực lượng cán bộ đã được kiện toàn mà tiến hành hợp tác hoá; tổ chức cho quần chúng học tập, tranh luận để phân rõ ranh giới giữa lao động và bóc lột, giữa ta, bạn và địch, giữa hai con đường xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa, và tuỳ theo phong trào ở từng nơi mà tiến hành củng cố, phát triển tổ đổi công và hợp tác xã sản xuất nông nghiệp.
b- Loại xã thứ hai gồm những xã đã phát động quần chúng giảm tô, hoặc chưa giảm tô và cải cách ruộng đất, nhưng đã qua nhiều cuộc vận động thực hiện các chính sách lớn. Vấn đề ruộng đất căn bản đã được giải quyết, ranh giới giai cấp giữa địa chủ và nông dân đã rõ ràng (hoặc đã tuyên bố chính thức hoặc chưa tuyên bố) thì dựa vào chi bộ hoặc lực lượng cán bộ xã được được kiện toàn, tiến hành vận động hợp tác hoá như loại xã thứ nhất đồng thời kết hợp giải quyết những vấn đề còn lại của cải cách dân chủ.
c- Loại xã thứ ba gồm những xã địa chủ còn chiếm hữu tương đối nhiều ruộng đất, uy thế chính trị của chúng còn tương đối lớn, thì dựa vào chi bộ và lực lượng cán bộ xã đã được kiện toàn mà bồi dưỡng cốt cán tiến hành giáo dục chính sách, phát động tư tưởng quần chúng, làm cho quần chúng phân rõ ranh giới giữa địa chủ và nông dân, giữa lao động và bóc lột, giải quyết những vấn đề của cải cách dân chủ, rồi tiến hành giáo dục về hai con đường phát triển của nông thôn, xây dựng t�? ?� đổi công và hợp tác xã.
d- Loại xã thứ tư gồm những xã có bọn thổ phỉ, biệt kích, gián điệp, phản động còn hoạt động, uy hiếp quần chúng (không kể vùng giai cấp đã phân hoá rõ hay chưa, ở dọc biên giới hay ở nội địa) thì dựa vào chi bộ hoặc lực lượng cán bộ xã đã được kiện toàn mà bồi dưỡng cốt cán, phát động quần chúng tiểu phỉ, trừ biệt kích, gián điệp, tiến hành giải quyết từng bước những vấn đề còn lại của cải cách dân chủ, xây dựng tổ đổi công và hợp tác xã. Trong công tác tiễu phỉ, trừ gian, cần chú ý phối hợp chặt chẽ với quân đội, du kích, công an.
Đối với các xã gần biên giới, dù thuộc loại nào cách tiến hành cũng phải hết sức thận trọng. Việc chinh ở đây là kết hợp với vận động hợp tác hoá, phát triển sản xuất mà trấn áp bọn phá hoại hiện hành, còn các vấn đề khác thì giải quyết dần không nên gây ra tình hình khẩn trương trong quần chúng nhân dân.
Đối với các loại xã kể trên, lúc đầu khu tự trị hoặc tỉnh phải làm thí điểm để rút kinh nghiệm lãnh đạo. Việc làm thí điểm phải do các cấp uỷ Đảng ở khu, tỉnh, huyện, châu nắm vững và tiến hành gọn, kết hợp giải thích cho quần chúng các xã chung quanh, tránh gây ra tình trạng vì hiểu lầm mà sinh ra hoang mang. Bí thư Khu và Tỉnh phải nắm chỉ đạo những thí điểm thuộc loại xã thứ ba và thứ tư.
5. Về thời gian vận động, việc tiến hành hợp tác hoá nông nghiệp theo thời gian đã quy định chung mà tiến hành. Các công tác hoàn thành cải cách dân chủ thì tuỳ theo từng xã nội dung vấn đề nhiều hay ít mà định. Xã nào xét ra không có khó khăn lớn thì có thể hoàn thành nhiệm vụ công tác trong một vài tháng, không kể thời gian chuẩn bị. Xã nào công tác phức tạp hơn, như phải tiến hành tiễu phỉ, trừ gian, đánh đổ địa chủ, v.v. thì thời gian có thể dài hơn. Nói chung, thời gian công tác không nên quá dài, nhưng tuyệt đối không được lướt nhanh, làm dối.
Tóm lại, cuộc vận động hợp tác hoá nông nghiệp kết hợp hoàn thành cải cách dân chủ ở miền núi là một cuộc cách mạng to lớn và phức tạp nhưng là một cuộc cách mạng ôn hoà. Vì vậy cách làm phải nhẹ nhàng đơn giản nhưng kiên quyết, chặt chẽ, sâu sắc. Với khả năng tiềm tàng to lớn của miền núi, công cuộc vận động hợp tác hoá kết hợp hoàn thành cải cách dân chủ tiến hành được tốt sẽ phá bỏ được những trở lực trên con đường phát triển của miền núi, tăng cường đoàn kết các dân tộc, đẩy mạnh sản xuất, nâng bước đời sống của các dân tộc miền núi lên một bước, đưa miền núi tiến dần lên chủ nghĩa xã hội.
Mỗi châu, huyện miền núi phải họp bàn với các xã để có kế hoạch cho từng xã, và mỗi khu, mỗi tỉnh phải dựa trên cơ sở đó mà đặt kế hoạch của Khu và Tỉnh mình. Các ngành có liên quan ở Trung ương và địa phương cũng phải có kế hoạch cụ thể của ngành mình nhằm phục vụ cho cuộc vận động hợp tác hoá nông nghiệp, phát triển sản xuất, kết hợp hoàn thành cải cách dân chủ ở miền núi. Các kế hoạch ấy do cấp uỷ Đảng lãnh đạo thống nhất các ngành để phối hợp thực hiện. Kế hoạch của các khu, tỉnh và các ngành họp lại thành kế hoạch chung của Trung ương.
Ban Công tác nông thôn trung ương và Ban Dân tộc Trung ương đặt kế hoạch và thống nhất kế hoạch của các ngành trình Trung ương xét duyệt và giúp Trung ương theo dõi và lãnh đạo chung.
Ban Công tác nông thôn ở các địa phương miền núi phải được tăng cường như Nghị quyết Trung ương đã định. Trong Công tác nông thôn ở những địa phương vừa có đồng bằng và miền núi, phải có bộ phận chuyên trách về miền núi để tránh tình trạng xem nhẹ công tác miền núi.
Công cuộc tiến hành hợp tác hóa nông nghiệp, phát triển sản xuất, kết hợp hoàn thành cải cách dân chủ phù hợp với quyền lợi và nguyện vọng của quần chúng nông dân và của các dân tộc miền núi, cho nên, với sự hăng hái hưởng ứng của quần chúng nông dân và các dân tộc miền núi, với tinh thần phấn đấu tích cực cán bộ các cấp, các ngành, nhất định công cuộc đó sẽ đạt được kết quả tốt: tăng cường đoàn kết dân tộc, phát triển sản xuất, mang lại cơm no, áo ấm cho các dân tộc miền núi và sẽ đưa miền núi tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Nhận được chỉ thị này, các cấp Khu và Tỉnh có miền núi phải thảo luận kỹ và định kế hoạch thi hành, và hàng tháng phải báo cáo cho Trung ương biết.
Ngày 25 tháng 8 năm 1959
T.M. BỘ CHÍNH TRỊ
Đã ký: Trường-Trinh
(Văn kiện của Đảng về Chính sách Dân tộc, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1965, tr. 98-127.)