Chia sẻ kinh nghiệm thực hiện Chương trình 135 cho các tỉnh phía Nam
01:06 PM 22/12/2015 | Lượt xem: 4366 In bài viết |Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Sơn Phước Hoan dự và chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có các đồng chí Lãnh đạo và chuyên viên Văn phòng Điều phối CT135; đại diện Lãnh đạo một số Vụ, đơn vị thuộc UBDT, đại diện Ban Dân tộc cùng các huyện và một số xã thuộc 16 tỉnh khu vực phía Nam.
Tại Hội nghị tập huấn, các đại biểu đã được nghe đại diện Văn phòng Điều phối CT135 giới thiệu Báo cáo khả thi CT135 giai đoạn 2016 – 2020. CT135 là một trong những chính sách dân tộc quan trọng trong hệ thống chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, được triển khai thực hiện từ năm 1999 đến nay và trải qua nhiều giai đoạn. Sau gần 20 năm triển khai thực hiện, CT135 đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn vùng đồng bào DTTS. Qua báo cáo cho thấy, các địa phương được thụ hưởng chính sách đều mong muốn Chính phủ tiếp tục triển khai CT135 đối với vùng đồng bào DTTS trong những năm tiếp theo.
Nhằm phát huy hiệu quả, khắc phục những hạn chế của Chương trình trong những giai đoạn trước, giai đoạn 2016-2020, CT135 đưa ra 7 cơ chế, giải pháp để thực hiện gồm: Phân bổ vốn theo tiêu chí; các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn sẽ được rà soát, đánh giá theo tiêu chí nhất định giữa giai đoạn để bổ sung hoặc đưa ra khỏi Chương trình; tăng cường khen thưởng vật chất và tinh thần đối với những địa phương thực hiện tốt CT135; nội dung hỗ trợ sản xuất gắn với Nghị quyết số 14/2014/NQ-CP; phân cấp cho xã làm chủ đầu tư; đổi mới công tác lập kế hoạch, xây dựng kế hoạch thực hiện CT135 trong trung hạn, lồng ghép với kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của xã; thí điểm cơ chế đặc thù.
Đóng góp ý kiến tại Hội nghị tập huấn, các đại biểu đã chia sẻ những kinh nghiệm cũng như những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện CT135 tại địa phương mình.
Đối với hợp phần hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, đa số ý kiến của các đại biểu đề nghị nên đầu tư nguồn lực cho các công trình bức thiết, đặc biệt là giao thông nông thôn, thủy lợi; đầu tư xây dựng công trình nước sạch, dẫn nước từ giếng, từ bể nước về tới nhà dân; tăng cường sự giám sát của cộng đồng, nhất là đội ngũ người có uy tín đối với các công trình xây dựng; giao cho xã làm chủ đầu tư nhằm nâng cao trách nhiệm của địa phương trong xây dựng, quản lý, sử dụng và duy tu bảo dưỡng công trình. Về hợp phần hỗ trợ phát triển sản xuất, các đại biểu kiến nghị cần tăng cho vay, giảm cho không, như vậy sẽ giúp người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm với nguồn vốn và tự ý thức vươn lên; chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp như ứng dụng công nghệ sinh học, tiếp cận các mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao và nhân rộng trên địa phương, đưa giống tốt, năng suất cao vào sản xuất…
Bày tỏ vui mừng khi CT135 giai đoạn 2016-2020 có thêm hợp phần hỗ trợ nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở và cộng đồng, tuy nhiên các đại biểu cho rằng hợp phần này nên giao cho Ban Dân tộc các tỉnh là cơ quan chủ trì, như vậy sẽ tập trung nguồn lực và các tỉnh sẽ tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo cho cán bộ cấp xã và cộng đồng đạt hiệu quả hơn.
Các đại biểu đề nghị UBDT, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cần ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể việc lồng ghép để tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương triển khai thực hiện Chương trình đạt hiệu quả cao; cần ban hành văn bản hướng dẫn kịp thời để địa phương thuận lợi trong triển khai CT135 giai đoạn tới; nên đầu tư có trọng điểm để giải quyết triệt để từng vấn đề cấp thiết.
Tại Hội thảo, Ông Võ Văn Bảy, Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối CT135 đã giải đáp một số ý kiến của đại biểu liên quan đến các tiêu chí phân cấp; hệ số K; việc lựa chọn các danh mục đầu tư; lồng ghép nguồn lực với các chương trình khác; xây dựng cơ chế đặc thù thực hiện chương trình…
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Sơn Phước Hoan cho biết, đây là Hội thảo thứ 3 được UBDT tổ chức trên cả nước với sự tham dự của đại diện từ cấp tỉnh, huyện và cấp xã. Qua Hội thảo này, Ban Tổ chức đã nhận được nhiều ý kiến, thông tin hữu ích từ các tỉnh,các địa phương, các xã khu vực phía Nam với nhiều đặc thù khác nhau, qua đó Ban Tổ chức sẽ xây dựng cơ chế thực hiện, triển khai CT135 hiệu quả,thiết thực hơn trong giai đoạn tới và có sự điều chỉnh cho phù hợp với từng địa phương.
Thứ trưởng nhấn mạnh, CT135 giai đoạn 2016-2020 sẽ có cơ chế mở cho địa phương để tuỳ tình hình thực tế mà lựa chọn danh mục đầu tư cho phù hợp; đối với 3 hợp phần có cơ chế mở, tạo điều kiện cho các vùng miền với đặc thù riêng có thể thực hiện CT135 một cách hiệu quả.
Thứ trưởng khẳng định, UBDT sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng văn bản hướng dẫn cụ thể để tạo thuận lợi cho các địa phương khi triển khai thực hiện; có cơ chế khuyến khích để hướng đầu tư, lồng ghép CT135 với các chương trình khác ở địa phương được nhiều hơn; đào tạo nâng cao năng lực sao cho phù hợp với đối tượng để góp phần giúp đồng bào thoát nghèo nhanh và bền vững; việc phân cấp sẽ có cơ chế mở tuỳ thuộc vào thực tế địa phương để lựa chọn cơ quan thường trực và trong giai đoạn 2016-2020 sẽ phân cấp mạnh xuống cấp xã; có cơ chế khuyến khích với các địa phương có thể cân đối được nguồn lực và giao cho tỉnh làm chủ đầu tư để có mức đầu tư cao hơn cho địa bàn 135.
Đối với ý kiến về hỗ trợ nước sinh hoạt, Thứ trưởng cho biết cần cân nhắc, xem xét trong việc lồng ghép với chương trình xây dựng Nông thôn mới (nước sạch nông thôn) để tránh trùng lặp, chồng chéo với chính sách do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quản lý.
Sau Hội thảo này, đơn vị thường trực sẽ tổng hợp ý kiến của đại biểu ở cả 3 vùng miền, xin ý kiến Lãnh đạo Uỷ ban cùng các Bộ, ngành liên quan hoàn thiện và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới.
Sơn Nam