Chia sẻ kinh nghiệm thực hiện Chương trình 135 khu vực phía Bắc
09:03 PM 01/06/2018 | Lượt xem: 4355 In bài viết |Ngày 01/6, tại Tp.Lào Cai, Ủy ban Dân tộc tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm thực hiện Chương trình 135 (CT135) và báo cáo tình hình triển khai dự án xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu về công tác dân tộc các tỉnh, thành phố miền núi phía Bắc. Thừa ủy quyền của lãnh đạo UBDT, ông Võ Văn Bảy, Vụ trưởng, Chánh Văn phòng điều phối CT 135 và ông Nông Đức Ngọc, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai đồng chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo còn có đại diện một số bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; lãnh đạo một số vụ, đơn vị trực thuộc UBDT; đại diện các sở, ngành, Ban Dân tộc tỉnh, lãnh đạo các huyện, Phòng Dân tộc huyện, người có uy tín, cán bộ làm công tác dân tộc của 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.
Theo tiêu chí tiếp cận nghèo đa chiều từ đầu giai đoạn 2016-2020, vùng đồng bào DTTS khu vực phía Bắc có tỷ lệ nghèo và cận nghèo rất cao, với tổng số hộ nghèo là 1.034.831 hộ, chiếm 18,49% (cả nước là 9,88%); hộ cận nghèo là 493.812 hộ, chiếm 8,82% (cả nước là 5,22%).
CT 135 giai đoạn 2016-2020 đầu tư cho 1.499 xã và 2.436 thôn đặc biệt khó khăn (ĐBKK) thuộc 18 tỉnh khu vực phía Bắc. Trong 3 năm, ngân sách trung ương phân bổ cho các tỉnh là 7.563.597 triệu đồng, chiếm 66,4% tổng số vốn đã phân bổ của cả nước; vốn ngân sách địa phương tự cân đối để thực hiện xấp xỉ 1.000.000 triệu đồng; huy động nguồn lực hỗ trợ của Chính phủ Ai Len trong 2 năm (2016-2017) cho 5 tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Điện Biên, Bắc Kạn, Thanh Hóa là 145.580 triệu đồng.
Ông Võ Văn Bảy, Vụ trưởng, Chánh Văn phòng điều phối CT135 phát biểu tại Hội thảo
Triển khai các hợp phần của Chương trình, các tỉnh đã thực hiện hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng với gần 8.000 công trình, trong đó xây mới trên 4.000 công trình, duy tu bảo dưỡng trên 2.500 công trình, tỷ lệ giải ngân bình quân của khu vực đạt 82%. Về hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo đã triển khai, hỗ trợ được khoảng 200 dự án phát triển sản xuất, 350 mô hình giảm nghèo, tổ chức gần 400 lớp tập huấn, tổng số lượt hộ nghèo được hưởng lợi trên 650.000 hộ. Đối với tiểu dự án nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở, các địa phương đã tổ chức 1.053 lớp tập huấn với tổng số 72.318 lượt người tham gia; nhiều tỉnh tổ chức cho cộng đồng, cán bộ cơ sở đi học tập các mô hình hay, hiệu quả ở trong và ngoài tỉnh, qua đó giúp cho quá trình triển khai Chương trình đạt hiệu quả cao hơn.
Sau 2 năm triển khai, kết quả thực hiện CT 135 đã góp phần không nhỏ vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội các xã, thôn bản ĐBKK các tỉnh phía Bắc. Đến cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn các tỉnh phía Bắc giảm còn 13,12% (giảm 5,36% so với cuối năm 2015), tỷ lệ cận nghèo là 9,24% (tăng 0,42% so với cuối năm 2015).
Tại Hội thảo, đại biểu đến từ các tỉnh đã trao đổi, đánh giá lại những khó khăn, thuận lợi, những kết quả đã đạt được trong 2 năm thực hiện CT135 giai đoạn 2016-2020, đặc biệt là vai trò tham mưu của các Ban Dân tộc cho UBND tỉnh trong việc hướng dẫn, chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện CT135 ở cơ sở; kịp thời tháo gỡ, giải quyết những vướng mắc và đề ra các giải pháp tích cực để thực hiện CT135 có hiệu quả.
Các đại biểu cũng chia sẻ những mô hình, cách làm hay, hiệu quả thiết thực trong công tác tham mưu, triển khai thực hiện CT135. Điển hình như Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt Đề án “Nhiệm vụ và giải pháp đưa các xã, thôn ra khỏi diện ĐBKK, hoàn thành mục tiêu CT 135 giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh” với tổng kinh phí 1.342,439 tỷ đồng, dự án đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, đưa toàn bộ các xã 135 ra khỏi CT 135 một cách bền vững; Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình với việc áp dụng cơ chế quản lý đầu tư đặc thù theo Nghị định 161/NĐ-CP đối với dự án phát triển cơ sở hạ tầng, giao 70% công trình trên tổng số công trình toàn tỉnh cho cấp xã làm chủ đầu tư, tạo điều kiện cho cộng đồng được tham gia hầu hết quá trình đầu tư, từ việc tham gia lựa chọn công trình, đến tham gia giám sát và thực hiện xây dựng công trình, trực tiếp quản lý vận hành, duy tu bảo dưỡng công trình...
Để tổ chức triển khai thực hiện tốt, đồng bộ các nội dung thuộc CT135 trong thời gian còn lại của giai đoạn, các tỉnh đưa ra một số đề xuất như: Trung ương cần phân bổ nguồn vốn sớm hơn để đảm bảo tiến độ tổ chức thực hiện Chương trình; trong kế hoạch vốn giao hàng năm, cần giao chi tiết cho từng hợp phần, đảm bảo sự thống nhất ngay từ đầu; Chính phủ sớm có Quyết định ban hành tiêu chí xã, thôn hoàn thành CT135; đề nghị UBDT có hướng dẫn về nhân rộng các mô hình hay, hiệu quả trong thực hiện CT135; có chính sách khích lệ đối với xã hoàn thành sớm mục tiêu CT135; việc duy tu bảo dưỡng các công trình cần được quan tâm, giải quyết kịp thời.
Tổng kết Hội thảo, ông Võ Văn Bảy, Vụ trưởng, Chánh Văn phòng điều phối CT135 đánh giá cao các ý kiến trao đổi, thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm của đại biểu các tỉnh, các ý kiến đã cho thấy nhiều đột phá mới trong cách làm, song cũng phát hiện những hạn chế, tồn tại cần được điều chỉnh, khắc phục trong thời gian tới.
Ông Võ Văn Bảy ghi nhận đối với các ý kiến xoay quanh các nhóm vấn đề thuộc CT135, đồng thời cho biết, sau Hội thảo tại khu vực phía Bắc, UBDT sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc hội thảo tại khu vực Tây Nguyên - Nam Trung bộ và các tỉnh Đông Nam bộ - Đồng bằng Sông Cửu Long. Kết quả các cuộc Hội thảo sẽ là cơ sở để tổng hợp thành báo cáo, đưa ra các đề xuất cho giai đoạn tới cũng như việc thiết kế chính sách giảm nghèo, đặc biệt là CT135. Ông Võ Văn Bảy mong muốn Ban Dân tộc các tỉnh tiếp tục thể hiện mạnh mẽ, hiệu quả vai trò tham mưu, nỗ lực, phát huy các kết quả đạt được.
* Cũng tại Hội thảo, các đại biểu đã được Trung tâm Thông tin (UBDT) báo cáo về tình hình triển khai Dự án “Xây dựng Hệ thống thông tin dữ liệu về công tác dân tộc”. Dự án nhằm giúp các tỉnh, thành phố hình thành hệ thống thông tin, dữ liệu chuyên dùng, thống nhất, cập nhật thường xuyên, lâu dài trong toàn quốc về lĩnh vực công tác dân tộc, phục vụ công tác hoạch định, xây dựng chính sách dân tộc theo đặc thù của mỗi tỉnh. Sau 1 năm triển khai dự án tại khu vực phía Bắc, đến nay đã có một số tỉnh bố trí kinh phí để triển khai, một số tỉnh đang trong quá trình xây dựng dự án, các tỉnh còn lại cũng đang trong quá trình xin chủ trương đầu tư dự án.
Qua báo cáo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về những khó khăn trong việc bố trí kinh phí, sự lúng túng trong triển khai dự án. Các đại biểu cũng đề nghị UBDT tiếp tục hỗ trợ về mặt kỹ thuật (phần mềm, biểu mẫu); tập huấn hướng dẫn cho các Ban Dân tộc nắm rõ quy trình xây dựng dự án...
Xuân Thường