Chuyển đổi số trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

05:00 PM 07/09/2022 |   Lượt xem: 5420 |   In bài viết | 

Đồng chí Hoàng Trọng Thức, Bí thư Chi bộ thôn Rõm, xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa) thành lập nhóm Zalo “Cộng đồng thôn Rõm” để quản lý hoạt động của thôn kịp thời, hiệu quả.

Xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa) có hơn 80% dân tộc thiểu số. Trong những năm qua, người dân nơi đây đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, internet, mạng xã hội vào cuộc sống và công việc. Đến nay 12/12 thôn của xã đều có internet. Đồng chí Ma Đình Sắc, Chủ tịch UBND xã Hùng Mỹ chia sẻ, để hòa cùng xu thế chuyển đổi số hiện nay, UBND xã đã xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cho từng cán bộ phụ trách thôn bản “cầm tay, chỉ việc” cho người dân về việc tiếp cận ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin. Đặc biệt là năm 2020, xã đã trang bị cho bí thư chi  bộ, trưởng thôn ở các thôn máy tính xách tay để quản lý, điều hành công việc của thôn. Điều đáng nói 11/12 bí thư chi bộ, trưởng thôn đều là người dân tộc thiểu số. Hiện nay, cán bộ ở các thôn đã thành thạo sử dụng máy tính, đánh văn bản, gửi email, xử lý các văn bản đến và đi một cách thuần thục.

Đồng chí Hoàng Trọng Thức, dân tộc Tày, Bí thư Chi bộ thôn Rõm, xã Hùng Mỹ cho biết, thôn hiện có 143 hộ với hơn 600 nhân khẩu, địa bàn rộng, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 90%. Để thuận lợi cho việc quản lý và phổ biến các chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng và Nhà nước, thôn đã thành lập nhóm Zalo “Cộng đồng thôn Rõm” với tất cả các hộ dân trong thôn tham gia. Nhóm Zalo chuyển tải thông báo họp thôn, thực hiện các nghĩa vụ với Nhà nước, vận động ủng hộ các quỹ, các hoạt động nhân đạo từ thiện, việc hiếu, thăm hỏi ốm đau... Có Zalo giúp anh tiết kiệm được rất nhiều thời gian, chi phí xăng xe. Đặc biệt trong đại dịch Covid-19 vừa qua, nhóm “Cộng đồng thôn Rõm” đã phát huy được hiệu quả trong việc cập nhật tình hình con em ở trong thôn đi làm ăn xa trở về gia đình, khai báo với cán bộ thôn để quản lý theo dõi sát sao, hay khi mùa hè đến thông báo kịp thời tình hình thời tiết, thiên tai, bão lụt để người dân nắm…

Thôn Khau Tràng, xã Hồng Thái (Na Hang) nơi sinh sống của 98 hộ dân tộc Dao tiền. Được thiên nhiên ưu đãi với khí hậu mát mẻ, nhiều nét văn hóa độc đáo, người dân ở nơi đây đang phát triển mô hình du lịch cộng đồng homestay thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế đến trải nghiệm. Hiện nay, trong thôn có 8 hộ gia đình làm dịch vụ homestay, hầu hết các gia đình đều ứng dụng thành thạo việc quảng cáo, giới thiệu về mảnh đất và con người nơi đây qua mạng xã hội Facebook, Zalo… Chị Bàn Thị Thương, dân tộc Dao Tiền, chủ homestay Mác Cọp, thôn Khau Tràng, xã Hồng Thái cho biết, hầu như ngày nào chị cũng cập nhật tình hình thời tiết ở nơi đây qua trang mạng cá nhân Facebook để khách du lịch nắm bắt được để lên với Hồng Thái. Ngoài ra, chị cũng thường xuyên đưa ảnh đẹp về Hồng Thái như mùa nước đổ, mùa lúa chín, mùa hoa lê, những món ăn ngon đặc trưng của dân tộc mình lên mạng xã hội để giới thiệu tới khách du lịch.

Đồng chí Ma Quang Hiếu, Trưởng ban Ban Dân tộc tỉnh cho biết, để việc chuyển đổi số trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt hiệu quả. Ngay từ đầu năm, Ban đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, đề ra mục tiêu 80% dân tộc thiểu số và vùng núi trên địa bàn sử dụng internet băng thông rộng; tiếp tục phổ cập dịch vụ mạng di động 4G, 5G và điện thoại di động thông minh; thúc đẩy phát triển kinh tế số, 80% doanh nghiệp, hộ kinh doanh sản phẩm đặc sản lên sàn trực tuyến; 80% đồng bào dân tộc thiểu số được biết, tìm hiểu khai thác và sử dụng thông tin tài liệu thư viện điện tử để phục vụ nâng cao hiểu biết, kiến thức… Trước mắt, Ban đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của bà con về công nghệ thông tin và ứng dụng công nghệ thông tin, mạng internet trong đời sống và sản xuất…

(baotuyenquang.com.vn)