Cộng đồng các dân tộc Việt Nam tiến bước dưới bóng cờ Tổ quốc

04:03 PM 04/10/2015 |   Lượt xem: 23921 |   In bài viết | 

Trong những ngày mùa thu lịch sử, cộng đồng các dân tộc Việt Nam cùng với nhân dân cả nước tự hào kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 - một sự kiện trọng đại của đất nước, mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc ta.

Năm nay, Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội - nơi cách đây 70 năm về trước, ngày 2/9/1945, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, trịnh trọng tuyên bố trước quốc dân đồng bào và toàn thế giới: “Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập”, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Hùng tráng Lễ diễu binh, diễu hành trên quảng trường Ba Đình kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Góp mặt trong hơn 30.000 người đại diện cho các lực lượng vũ trang, các giai tầng trong xã hội tham gia diễu binh, diễu hành mừng kỷ niệm ngày Quốc khánh 2/9 có trên 400 đại biểu đại diện cho khối 54 dân tộc Việt Nam. Với những người con ưu tú đại diện cho các dân tộc thiểu số thì đây là cuộc hội ngộ đầy ý nghĩa, trong một không gian và thời gian đặc biệt, nơi vinh dự cá nhân lấp lánh trong niềm kiêu hãnh chung của cả dân tộc.

Khối nam dân quân các dân tộc diễu binh trên quảng trường Ba Đình

Đoàn các dân tộc tỉnh Lào Cai tham gia diễu hành

Điều đặc biệt đó như dấu gạch nối của lịch sử, bởi trải qua hàng ngàn năm, cộng đồng các dân tộc Việt Nam đã luôn kề vai sát cánh, đoàn kết giữ gìn giang sơn gấm vóc và kiến tạo cơ đồ đất nước. Trong những năm kháng chiến giành độc lập, tự do, vùng dân tộc, miền núi luôn là chỗ dựa vững chắc của cách mạng. Đồng bào các dân tộc một lòng theo Đảng và Bác Hồ, không quản gian khổ, hy sinh, góp phần quan trọng làm nên Cách mạng tháng Tám mùa thu năm 1945, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 và Đại thắng Mùa xuân năm 1975, thống nhất đất nước.

Trong thời kỳ đổi mới, thực hiện đường lối, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước: “Cộng đồng các dân tộc Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển”, đồng bào các dân tộc luôn chung sức, đồng lòng, góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bộ mặt vùng dân tộc, miền núi thay đổi quan trọng. Đời sống vật chất và tinh thần đồng bào các dân tộc được nâng cao. Kết cấu hạ tầng vùng dân tộc, miền núi được cải thiện rõ rệt, 98,6% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã; 99,8% số xã và 95,5% số thôn có điện lưới quốc gia. Tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc, miền núi giảm bình quân 3-4%/năm, cao gấp đôi mức bình quân chung của cả nước.

Đoàn các dân tộc tỉnh Hà Giang tham gia diễu hành

Giáo dục đào tạo có nhiều tiến bộ: 100% số xã đạt chuẩn phổ cập tiểu học; nhiều nơi đã đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở. Mạng lưới y tế phát triển, hệ thống bệnh viện tỉnh, huyện và trạm y tế xã đã được quan tâm đầu tư; hiện có 99,39% xã có trạm y tế; 77,8% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Đồng bào được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khoẻ cơ bản; đồng bào nghèo được khám chữa bệnh miễn phí, chính sách bảo hiểm y tế được thực hiện đúng quy định. Các dịch bệnh như sốt rét, bướu cổ cơ bản được khống chế.

Giá trị văn hóa vùng dân tộc tiếp tục được bảo tồn và phát huy; các lễ hội truyền thống, ngày hội văn hóa-nghệ thuật, thể thao khu vực, thi trang phục truyền thống các dân tộc Việt Nam được quan tâm tổ chức. Mạng lưới thông tin, văn hoá, thể thao nông thôn đã có sự phát triển.

Hệ thống chính trị vùng dân tộc, miền núi thường xuyên được xây dựng, củng cố và ngày càng phát triển, nhất là hệ thống chính trị cơ sở. Tình hình chính trị, trật tự xã hội vùng dân tộc, miền núi cơ bản ổn định, quốc phòng - an ninh được giữ vững. Đồng bào các dân tộc đoàn kết, tin tưởng vào đường lối đổi mới, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; nâng cao cảnh giác trước mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch.

Trong ngày Quốc lễ, trang phục đậm sắc màu của các dân tộc vinh dự hiện diện ở những vị trí trang trọng nhất: 54 đôi nam, nữ thanh niên, thể hiện cho 54 dân tộc anh em trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc hành tiến cùng xe Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đi đầu đội hình diễu binh, diễu hành; Khối các dân tộc đi đầu đoàn diễu hành của các lực lượng quần chúng; khối nam, khối nữ dân quân các dân tộc Việt Nam tham gia đội hình duyệt binh cùng bước qua Lễ đài…

Được khoác trên mình bộ trang phục truyền thống của dân tộc Thổ tham gia diễu binh, diễu hành, với Lê Thị Ngân, cô gái quê ở xã Yên Lễ, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa, ngày Tết độc lập năm nay có nhiều điều thật đặc biệt: “Em thấy thật hãnh diện và tự hào lần đầu tiên đại diện cho cộng đồng 9.000 người Thổ ở quê hương rước ảnh Bác trong Khối các dân tộc Việt Nam”. Ngân chia sẻ, bộ trang phục truyền thống của cô được dệt từ hơn 100 năm trước và do người bà thân yêu truyền lại. Trải qua thời gian, bộ trang phục vẫn còn rất mới bởi nó chỉ được bà, mẹ và bây giờ là cô gái trẻ mặc vào những dịp cực kỳ đặc biệt. Và hôm nay, lần đầu tiên khoác nó trên người trong một sự kiện trọng đại, cô đã nghĩ lịch sử của gia đình đang hòa trong lịch sử của đất nước. Điều đó càng thôi thúc cô phải không ngừng rèn luyện, phấn đấu để góp phần xây dựng quê hương ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Đã 5 lần ra Hà Nội nhưng với ông K’ Rẻm – Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Bình Thuận, chuyến đi này thiêng liêng hơn bao giờ hết. Bỏ lại những mệt nhọc sau chặng đường dài 1.200 km từ Bình Thuận ra thủ đô, ông K’ Rẻm cũng như các thành viên trong đoàn đều cảm thấy tự hào vì được đại diện cho cộng đồng 34 dân tộc thiểu số trong toàn tỉnh nói chung, các dân tộc: Chăm, K’Ho, Raglay nói riêng tham gia vào Khối diễu hành của các dân tộc Việt Nam.

Ông K’ Rẻm – Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Bình Thuận tại Lễ diễu binh, diễu hành

Rạng rỡ tiến bước qua Lễ đài trang nghiêm và các tuyến phố chính của Hà Nội ngàn năm văn hiến trong tiếng hò reo cổ vũ, cùng hàng triệu ánh mắt dõi nhìn của người dân thủ đô, Qua Đình Vân Thái – cô gái người Chăm tỉnh Bình Thuận, Lang Kim Cúc – cô gái người Thái, tỉnh Thanh Hóa, ông Nông Văn Lung – Trưởng ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn, Lâm Thị Tâm – thiếu nữ người Khmer tỉnh Sóc Trăng… và những thành viên của Khối các dân tộc Việt Nam đều cảm nhận rõ niềm xúc động, hứng khởi dâng trào. Mai Thị Thương- cô gái người dân tộc Raglay chia sẻ: “Em rất tự hào được là một phần nhỏ trong sự kiện lớn của dân tộc. Chắc chắn trong cuộc đời mình, không bao giờ em có thể quên khoảnh khắc lịch sử này”.

Nhịp bước chân hành tiến của những con người có vinh dự được tham gia đoàn diễu binh, diễu hành trong sự háo hức, đón chào của nhân dân là dịp để cả dân tộc cùng ôn lại lịch sử, ôn lại không khí hào hùng của những năm tháng kiên cường, anh dũng chống giặc ngoại xâm, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Tiến bước dưới bóng cờ Tổ quốc và chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, cộng đồng các dân tộc Việt Nam nguyện thực hiện tốt lời dạy của Người: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia rai hay Ê-đê, Xơ đăng hay Ba-na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau. Chúng ta phải thương yêu nhau, phải kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu cầu hạnh phúc chung của chúng ta và con cháu chúng ta. Sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không hề giảm bớt”.

Phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết một lòng, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, đồng bào các dân tộc hăng hái thi đua xây dựng vùng dân tộc, miền núi giàu về kinh tế, đậm đà bản sắc dân tộc và vững về an ninh quốc phòng, góp phần xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Phương Liên