Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam họp Ban Điều hành Dự án “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”
02:36 PM 16/03/2023 | Lượt xem: 6322 In bài viết |Sáng ngày 16/3, tại Hà Nội, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam đã tổ chức phiên họp Ban Điều hành Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình MTQG 1719), nhằm rà soát tiến độ thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu của Dự án 8 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2023.
Bà Hà Thị Nga, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Trưởng Ban Điều hành Dự án 8 dự và chủ trì phiên họp. Tham dự có các thành viên Ban Điều hành Dự án Trung ương; Thường trực Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội và Tổ giúp việc Dự án.
Báo cáo kết quả, tiến độ triển khai Dự án 8 cho thấy: Thường trực Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã quan tâm, chỉ đạo sát sao, kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể tới các địa phương; duy trì thường xuyên, cập nhật kịp thời, nắm bắt tình hình và hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương trong quá trình thực hiện. Công tác chỉ đạo, điều hành tổ chức thực hiện Dự án được các ngành và chính quyền các cấp đánh giá cao, kịp thời, rõ nhiệm vụ cụ thể cho từng cấp tham gia thực hiện Dự án. Công tác phối hợp với các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là với Ủy ban Dân tộc, Bộ Tài chính được thực hiện thường xuyên, chặt chẽ. Nhìn chung, công tác tổ chức thực hiện các nội dung theo kế hoạch tại cấp Trung ương cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu đặt ra, trong đó đã chú trọng hoàn thiện bộ tài liệu hướng dẫn triển khai các mô hình, hoạt động của Dự án và tập huấn tới cấp tỉnh, thành.
Năm 2022, Trung ương Hội đã tập trung nâng cao năng lực triển khai thành lập, vận hành các mô hình cho đội ngũ cán bộ cốt cán của Hội và các ngành liên quan tại địa bàn điểm; đồng thời, trực tiếp thành lập 11 mô hình, gồm 06 tổ truyền thông cộng đồng, 02 địa chỉ tin cậy, 03 Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” và hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật cho địa phương trực tiếp quản lý, vận hành mô hình thường xuyên.
Bà Lò Thị Thu Thủy, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Dân tộc Tôn giáo, Hội LHPN Việt Nam, thành viên Ban Điều hành Dự án 8 trình bầy báo cáo tóm tắt kết quả triển khai Dự án 8.
Trung ương Hội đã tổ chức các sự kiện truyền thông, giới thiệu, vận động về Dự án: Sự kiện “Khát vọng phát triển của phụ nữ và trẻ em DTTS”; 04 talkshow trao đổi về những vấn đề thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng DTTS&MN; 02 Hội chợ “Kết nối tiêu thụ sản phẩm cho phụ nữ tại vùng đồng bào DTTS&MN”. Công tác truyền thông cũng đạt được nhiều kết quả tích cực như: (1) Thực hiện 10 chương trình sitcom phát sóng trên VTV5, Đài Truyền hình Việt Nam; (2) Truyền thông các hoạt động Dự án 8 bằng tiếng phổ thông, tiếng Khmer, tiếng Chăm và tiếng Stiêng trên Đài tiếng nói và Đài phát thanh một số tỉnh miền Nam; (3) Thực hiện 6 câu chuyện truyền thanh tập trung vận động “thay đổi nếp, nghĩ cách làm” xóa bỏ định kiến giới, khuôn mẫu giới, tập tục có hại; (4) Thực hiện 01 phóng sự truyền thanh về nâng cao quyền năng về kinh tế cho phụ nữ đồng bào DTTS và 02 chuyên đề phát thanh về quyền tự quyết, quyền tự chủ của phụ nữ DTTS; (5) Mở chuyên trang “Vì nụ cười phụ nữ, trẻ em DTS&MN” trên ấn phẩm chính của Báo phụ nữ Việt Nam, (6) Truyền thông về Dự án 8 trên fanpage Hội LHPN Việt Nam.
Nhiều sản phẩm truyền thông mẫu đã được xây dựng để cung cấp cho các địa phương phục vụ cho công tác truyền thông thực hiện Dự án như: (1) xây dựng bộ nhận diện truyền thông và một số sản phẩm truyền thông của dự án; (2) 01 phim về phụ nữ dân tộc Brâu; 02 phim về công việc của người phụ nữ Jrai ở Gia Lai và tập tục tảo hôn ở Điện Biên; (3) Video dưới dạng hoạt hình/đồ họa giới thiệu, vận động, hướng dẫn triển khai; (4) Bộ sưu tập các tài liệu, hiện vật phục vụ Triển lãm “Khát vọng phát triển”; (5) 02 tờ gấp bằng tiếng phổ thông và dịch sang tiếng Khmer và tiếng Chăm; (6) 02 Tiểu phẩm tuyên truyền bằng Tiếng Việt, Khmer, Chăm phục vụ hoạt động tuyên truyền trên hệ thống loa, đài phát thanh và triển khai đến xã. Cùng với đó, xây dựng 12 tài liệu hướng dẫn triển khai các mô hình, hoạt động trong dự án; số hóa một số tài liệu truyền thông dưới dạng infographic, video; gần 3.000 áp phích, 3.000 poster giới thiệu các chỉ tiêu chính dự án phát đến các xã đặc biệt khó khăn. Tài liệu được biên soạn nhằm hướng dẫn địa phương các nội dung, cách thức triển khai, vận hành từng mô hình, hoạt động cụ thể của Dự án 8, có thể phát triển thêm các tài liệu phù hợp với đặc thù của địa phương…
Nội dung số 04: Trang bị kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới.
Tại các địa phương, Hội LHPN tỉnh, thành phố được giao chủ trì tham mưu thực hiện Dự án 8, có 39/40 địa phương được phân bổ kinh phí từ Trung ương đã ban hành kế hoạch thực hiện Dự án 8 giai đoạn I, 36/40 địa phương ban hành kế hoạch năm 2022. Các địa phương tự chủ ngân sách đã chủ động xây dựng kế hoạch giai đoạn, kế hoạch năm 2022 hoặc lồng ghép việc thực hiện các nội dung của dự án vào các nội dung hoạt động của Hội, đề xuất kinh phí triển khai các nội dung của Dự án 8.
Đến nay, các địa phương đã thành lập được 1.320 tổ truyền thông cộng đồng; thực hiện 04 gói chính hỗ trợ phụ nữ DTTS sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khỏe trẻ em; củng cố và thành lập mới 131 địa chỉ tin cậy tại địa bàn dự án; thành lập 206 Câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi; xây dựng 01 bộ tài liệu nâng cao năng lực cho cán bộ nữ DTTS về kỹ năng lãnh đạo, quản lý; tổ chức 03 lớp tập huấn giảng viên nguồn và 08 lớp tập huấn cho 560 cán bộ các sở, ban, ngành và Hội LHPN; 82 cuộc tập huấn hướng dẫn giám sát, đánh giá về bình đẳng giới cho cán bộ xã, thôn; tổ chức 76 cuộc tập huấn nâng cao năng lực lồng ghép giới cho cán bộ huyện, xã và 110 cuộc tập huấn cho trưởng thôn/bản/ấp/buôn, người có uy tín tại cộng đồng…
Ông Nguyễn Văn Thức, Phó Vụ trưởng, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình MTQG 1719, Ủy ban Dân tộc, phát biểu ý kiến tại phiên họp.
Tại phiên họp, các đại biểu tham dự đã thảo luận về một số hạn chế, vướng mắc và đề xuất giải pháp để triển khai Dự án 8 thời gian tới như: triển khai một số nội dung hoạt động và chỉ tiêu của Dự án; công tác phối hợp giữa Hội LHPN với cấp Trung ương và địa phương; kịp thời rà soát, điều chỉnh các văn bản hướng dẫn; công tác giám sát, đánh giá thực hiện bình đẳng giới; phân bổ và sử dụng ngân sách thực hiện Dự án; tăng cường khai thác sản phẩm, tài liệu số, đẩy mạnh công tác truyền thông, tăng cường tập huấn…
Phát biểu ý kiến tại phiên họp, bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Trưởng Ban Điều hành Dự án 8 đã trân trọng cảm ơn sự tham gia, phối hợp của các bộ, ngành trong thực hiện Dự án 8. Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho biết: Chương trình MTQG 1719 đã tích hợp nhiều chính sách, được triển khai trên địa bàn rộng nên mặc dù các cấp hội phụ nữ đã có nhiều cố gắng nhưng kết quả đạt được thời gian qua còn khá khiêm tốn. Năm 2023, Ban Điều hành Dự án 8 sẽ bám sát các nội dung được phân công để xây dựng kế hoạch chi tiết, triển khai có hiệu quả, trên tinh thần phối hợp chặt chẽ, kịp thời tổng hợp, báo cáo, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.
Quang cảnh phiên họp.
Chỉ ra một số khó khăn, hạn chế thời gian qua, bà Hà Thị Nga đề nghị Trung ương Hội cần có sự quyết tâm cao nhất để triển khai ký kết nội dung, chương trình phối hợp với các bộ, ngành, làm căn cứ để các địa phương triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả; tăng cường phối hợp với các tỉnh, thành phố để các địa phương quan tâm, đôn đốc, chỉ đạo triển khai các nội dung của Dự án 8, đáp ứng yêu cầu đặt ra. Tăng cường đôn đốc, hỗ trợ kỹ thuật và các hoạt động giám sát cho các cấp hội phụ nữ tại địa phương, đặc biệt là kịp thời có giải pháp tháo gỡ khó khăn, đảm bảo công tác giải ngân, triển khai thực hiện dự án. Đồng thời, đề nghị các cấp hội phụ nữ tại địa phương lựa chọn nội dung trọng tâm, phối hợp để triển khai hiệu quả.
Nhân dịp này, bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam trân trọng đề nghị các bộ, ngành, địa phương quan tâm, phối hợp để triển khai hiệu quả Dự án 8 và các Chương trình MTQG, các chương trình, đề án khác có liên quan, góp phần thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH tại địa bàn vùng DTTS&MN.