Tăng tốc giải ngân vốn cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi
09:59 AM 26/09/2022 | Lượt xem: 3247 In bài viết |Đến thời điểm hiện nay, tiến độ giải ngân nguồn vốn của Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi năm 2022 trên cả nước ước chỉ đạt 4,05%. Còn 3 tháng nữa là kết thúc năm 2022, áp lực giải ngân là rất lớn nên Uỷ ban Dân tộc và các địa phương đang tập trung triển khai thực hiện Chương trình.
Theo Ủy ban Dân tộc, hiện nay, tiến độ giải ngân chung nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2022 trên cả nước ước đạt 4,05% trong số tổng kinh phí 626.229 tỷ đồng, chủ yếu từ các địa phương triển khai thực hiện bằng ngân sách địa phương.
Nguyên nhân giải ngân chậm mang nhiều yếu tố khách quan do đây là một chương trình mới hoàn toàn, vì vậy cần nhiều các văn bản hướng dẫn cũng như cần nhiều khảo sát đánh giá thực trạng của các địa phương để làm cơ sở tổ chức triển khai thực hiện.
Hơn nữa, theo Luật Đầu tư và Luật Ngân sách Nhà nước thì vốn đầu tư phải được Quốc hội thông qua. Tháng 7/2022, nguồn vốn mới được phân bổ. Thời điểm phân bổ vốn muộn trong khi chương trình chủ yếu thực hiện các tại các địa phương nên các địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc phải hoàn thành kế hoạch giải ngân trong năm 2022…
Đồng bào dân tộc đặt nhiều kỳ vọng
Chương trình mục tiêu quốc gia nói trên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021, có nội dung cơ bản được tích hợp từ hơn 100 chính sách cụ thể của giai đoạn 2016-2020, kết hợp với một số chính sách mới được thiết kế thành tổng cộng 10 dự án, 14 tiểu dự án với 36 nội dung chính sách thành phần do 23 bộ, ngành tham gia quản lý và tổ chức triển khai thực hiện. Đồng thời là chương trình có tổng nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước lớn nhất hiện nay.
Tỉnh Điện Biên có 126/129 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số được thụ hưởng chương trình. Tỉnh ưu tiên nguồn vốn thực hiện các dự án giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, phát triển nông, lâm nghiệp.
Trong năm 2022, Điện Biên được phân bổ tổng nguồn vốn theo kế hoạch là 708,406 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư phát triển: 477,821 tỷ đồng, vốn sự nghiệp 230,585 tỷ đồng.
Ông Hạng Nhè Ly, Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ cho biết chương trình là một chính sách mới. Chính quyền và người dân huyện rất kỳ vọng vào việc triển khai các chính sách trong thời gian tới.
Hiện nay, huyện Nậm Pồ đã được phân bổ vốn từ Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất 17 tỷ đồng. Với dự án này, huyện sẽ ưu tiên hỗ trợ phát triển sinh kế cho bà con như: Phân bón, giống, cây macca…
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lò Minh Tiến, thực hiện chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, tỉnh Điện Biên đặt kỳ vọng sẽ giảm 5% tỉ lệ hộ nghèo/năm giai đoạn 2022-2025 và đưa 45 xã đặc biệt khó khăn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn; 29 thôn đặc biệt khó khăn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn trong giai đoạn 2022-2025.
Tuy nhiên, thực tế việc triển khai thực hiện chương trình tại địa phương vẫn còn nhiều vướng mắc. Đơn cử như, Bộ Tài chính quyết định phân vốn sự nghiệp năm 2022 cho các địa phương theo từng lĩnh vực (y tế, giáo dục, văn hoá, hoạt động kinh tế…), nhưng nhiều nội dung chưa phù hợp với nhiệm vụ chi của địa phương.
Bên cạnh đó, kế hoạch vốn ngân sách Trung ương thực hiện chương trình cả giai đoạn, mới được Trung ương giao vốn đầu tư phát triển; đối với vốn sự nghiệp được giao theo dự toán hằng năm (chưa giao cả giai đoạn) nên việc triển khai thực hiện chương trình ở địa phương gặp khó khăn.
Tỉnh Điện Biên kỳ vọng sẽ giảm 5% tỉ lệ hộ nghèo hằng năm, đưa 45 xã đặc biệt khó khăn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn - Ảnh: VGP
Áp lực giải ngân lớn nhưng không "bàn lùi"
Trong thời gian qua, Chính phủ đã có những giải pháp chỉ đạo quyết liệt và tháo gỡ, khó khăn, vướng mắc đi cùng với việc đôn đốc các bộ, ngành Trung ương và địa phương hoàn thành cơ bản việc đề xuất và ban hành đủ hệ thống các quy định, hướng dẫn cụ thể để bảo đảm cho việc tổ chức triển khai hiệu quả các dự án, tiểu dự án và nội dung thành phần của chương trình.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương đã tổ chức nhiều buổi làm việc với các bộ, ngành để cùng có sự đồng thuận cho một số nội dung còn ý kiến khác nhau liên quan đến việc hoàn thiện quy định hướng dẫn cơ chế, chính sách mang tính nền tảng, phương án phân bổ vốn nguồn ngân sách Trung ương để triển khai tổ chức thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia và một số khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ về chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Tính đến hết tháng 8/2022, đã có 231 văn bản khác nhau được ban hành để quy định các nội dung về cơ chế, chính sách và hướng dẫn, tổ chức triển khai thực Chương trình MTQG dân tộc thiểu số và miền núi từ Trung ương đến địa phương.
Liên tiếp Công điện số 501/CĐ-TTg ngày 10/6/2022 và Công điện số 698/CĐ-TTg ngày 04/8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu, đôn đốc các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung thực hiện các nhiệm vụ để kịp thời triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó bao gồm Chương trình MTQG dân tộc thiểu số và miền núi.
Đặc biệt, Công điện số 698/CĐ-TTg ngày 04/8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho UBND các tỉnh "Xây dựng lộ trình triển khai kế hoạch vốn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương được giao thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia của năm 2022; phấn đấu hoàn thành 100% tiến độ giải ngân kế hoạch vốn được giao trong năm 2022 đảm bảo hiệu quả và đúng quy định của pháp luật".
Tuy nhiên, theo ông Hà Việt Quân, Chánh Văn phòng điều phối Chương trình MTQG (Ủy ban Dân tộc), tình hình giải ngân năm 2022 của một số địa phương sẽ gặp nhiều thách thức do số lượng các dự án nhiều, quy mô nhỏ lẻ lại phải tổ chức triển khai thực hiện trên địa bàn các xã, thôn bản khó khăn nhất hiện nay ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Hơn nữa, nguồn vốn sự nghiệp của chương trình mới được giao năm 2022, chưa giao cả giai đoạn 2021-2025 nên địa phương gặp nhiều khó khăn về xây dựng các dự án sử dụng vốn sự nghiệp thực hiện chương trình, nhất là việc lựa chọn, xác định các dự án thực hiện có thời gian thực hiện trong nhiều năm. Ngoài ra việc giao dự toán ngân sách chậm tạo áp lực giải ngân trong thời gian từ nay đến cuối năm là rất lớn.
Bên cạnh đó, thời hạn yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố phân bổ, giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2025, dự toán thực hiện năm 2022 và xây dựng, ban hành kế hoạch thực hiện các chương trình mục tiêu quốc giai giai đoạn 2021-2025 thuộc phạm vi quản lý trước ngày 1/7/2022 theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP của Chính phủ là gấp rút trong khi chưa hệ thống văn bản của cấp Trung ương chưa đầy đủ, dẫn đến khó khăn, bất cập cho địa phương trong công tác lập, giao kế hoạch theo quy trình...
Trước tình hình trên, Ban Chỉ đạo Trung ương, Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành đang quyết liệt đẩy nhanh tiến độ triển khai việc đào tạo, tập huấn, hướng dẫn cho các địa phương để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, kế hoạch giải ngân năm 2022 ở "mức cao nhất".
Với quyết tâm cao, dù nhiều khó khăn, thách thức nhưng không "bàn lùi", Ban Chỉ đạo Trung ương và Tổ công tác về Chương trình MTQG dân tộc thiểu số và miền núi đã đề ra những nhiệm vụ cụ thể để hoàn thành các chỉ tiêu.
Đặc biệt là đôn đốc một số bộ, cơ quan Trung ương khẩn trương hoàn thành ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện; chỉ đạo ưu tiên tập trung tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách trong quá trình tổ chức thực hiện chương trình ở các cấp.
Hoàn thiện phê duyệt phương án phân bổ vốn sự nghiệp giai đoạn 2021-2025; hoàn thiện xây dựng Đề án chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức thực hiện chương trình; đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong vận hành hệ thống giám sát, đánh giá chương trình.
Phê duyệt cho các địa phương thực hiện chỉ đạo điểm một số nội dung thuộc chương trình để rút kinh nghiệm triển khai thực hiện dự án, tiểu dự án và nội dung của chương trình. Nghiên cứu, đề xuất các hoạt động thu hút, huy động nguồn lực hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính để thực hiện thành công mục tiêu của chương trình, trọng tâm là chủ trương tiếp nhận khoản hỗ trợ ngân sách có mục tiêu sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi…
(baochinhphu.vn)