Triển khai phân bổ vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia mới đạt 1,45% kế hoạch
08:34 AM 29/07/2022 | Lượt xem: 3335 In bài viết |Tính đến hết tháng 7, việc triển khai phân bổ vốn 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) năm 2022 chỉ mới đạt 1,45% kế hoạch. Kon Tum là địa phương duy nhất trong 52 tỉnh, thành phố triển khai các Chương trình MTQG đã phân bổ vốn chi tiết.
Bộ Tài chính vừa có văn bản số 7182/BTC-ĐT ngày 25/7/2022, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thanh toán vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước (NSNN) lũy kế 6 tháng, ước thực hiện 7 tháng kế hoạch năm 2022. Trong đó, Bộ Tài chính nêu: Vốn trong nước thực hiện các Chương trình MTQG (xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi) năm 2022 là 24 nghìn tỷ đồng, bao gồm 16 nghìn tỷ đồng chuyển nguồn từ năm 2021 theo Nghị quyết số 34/2021/QH15 của Quốc hội.
Nhưng tính đến nay, kế hoạch vốn đã triển khai phân bổ của các Chương trình chỉ mới đạt 348,486 tỷ đồng, chiếm 1,45% tổng vốn thực hiện trong năm 2022. Số vốn cần triển khai phân bổ trong những tháng còn lại của năm là 23.651,515 tỷ đồng.
Theo Bộ Tài chính, trong Quyết định số 653/QĐ-TTg ngày 28/5/2022, Thủ tướng Chính phủ đã giao các Bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương, là cơ quan chủ quản các Chương trình MTQG thực hiện phân bổ và giao dự toán chi tiết các Chương trình MTQG cho các đơn vị, các cấp sử dụng ngân sách trực thuộc trước ngày 1/7/2022. Nhưng đến thời điểm báo cáo (ngày 25/7/2022), mới chỉ có tỉnh Kon Tum đã phân bổ vốn chi tiết; các địa phương còn lại chưa phân bổ kế hoạch vốn cho các đơn vị trực thuộc (chưa phân bổ chi tiết cho các dự án).
Được biết, năm 2022, tỉnh Kon Tum được giao 672,41 tỷ đồng để thực hiện các Chương trình MTQG. Đến thời điểm 25/7/2022, Kon Tum đã phân bổ chi tiết 348,49 tỷ đồng vốn cho các dự án, đạt 51,83% kế hoạch vốn năm 2022.
Tại Nghị quyết số 85/NQ-CP ngày 09/7/2022 về phương hướng, nhiệm vụ những tháng cuối năm 2022, Chính phủ đánh giá: Thời gian tới, dự báo kinh tế thế giới phục hồi chậm lại, diễn biến khó lường và gặp nhiều khó khăn. Lạm phát tiếp tục ở mức cao ở một số nền kinh tế lớn; xung đột tại U-crai-na có thể kéo dài, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn tiếp tục gay gắt; tác động từ việc đứt gãy chuỗi cung ứng trong 6 tháng cuối năm có thể nghiêm trọng hơn; dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp.
Ở trong nước, nền kinh tế có khả năng phục hồi nhanh hơn; tuy nhiên, khó khăn, thách thức còn rất lớn, nhất là giá xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, áp lực lạm phát gia tăng, chịu nhiều tác động, ảnh hưởng của những biến động bên ngoài do độ mở cao, trong khi sức chống chịu và khả năng thích ứng của nền kinh tế còn hạn chế ...
Ảnh minh hoạ
Trước tình hình đó, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, theo dõi chặt chẽ tình hình, sẵn sàng phương án điều hành chủ động, linh hoạt, sáng tạo ứng phó kịp thời với diễn biến thế giới, trong nước; tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; kiên định mục tiêu ưu tiên và nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách nhất hiện nay là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; nỗ lực phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội đã đề ra cho năm 2022.
Để thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, Bộ Tài chính kiến nghị các Bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện giải ngân vốn đầu tư công; rà soát, kịp thời đề xuất điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm tiến độ chậm giải ngân sang các dự án giải ngân tốt. Đồng thời, các Bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ tình hình giải ngân. Tính đến ngày 25/7, Bộ Tài chính mới nhận được báo cáo định kỳ của 12/51 Bộ, cơ quan Trung ương và 47/63 địa phương.
Về tình hình giải ngân vốn đầu tư công, theo Bộ Tài chính, nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tỷ lệ giải ngân 7 tháng năm 2022 đạt 34,47%, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 (36,71%). Có 03 Bộ và 14 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 40%; 36/51 Bộ, cơ quan Trung ương và 15/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 30%; có 26 Bộ và 02 địa phương tỷ lệ giải ngân dưới 15%.
(baodantoc.vn)