Năm 1981 xuất ngũ về quê, ông Khởi được nhận vào công tác tại Bưu điện tỉnh. Đến năm 1992, vì lý do sức khỏe, ông xin nghỉ về nhà. Ông Khởi tâm sự: “Từ trẻ tôi đã có ham mê trồng cây, nên năm 16 tuổi, tôi đã mày mò tìm hiểu trồng thử mô hình cam, mận tam hoa, vải, nhãn. Do thiếu kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc, nên mô hình chưa đạt hiệu quả cao. Đến năm 1985, tôi đào ao thả cá, vay vốn chăn nuôi lợn thịt; năm 1999, lấy thử giống thanh long về trồng thử thấy mọc tốt nên tôi đã trồng thử nghiệm 50 trụ. Học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước và qua sách báo, nên cây thanh long của tôi phát triển tốt. Tôi quyết định mở rộng thêm hơn 800 trụ thanh long, mỗi năm thu hơn 5 tấn quả, cho lãi hơn 100 triệu đồng”.
Ông Khởi chia sẻ: “Thanh long là cây chịu lạnh tốt, rất phù hợp với điều kiện ở Cao Bằng, tỉ lệ cây sinh trưởng, phát triển đạt khoảng 95%. Là loại cây thích hợp với vùng đất khô cằn, nên mùa mưa không cần tưới nước, mùa khô hay thời điểm cây ra hoa thì tưới nước 1 - 2 lần/tuần. Đến lúc cây ra mầm, cần cắt xén những cành cây không thể mọc mầm và ra quả, mỗi cành chỉ nên để 3 - 4 quả thì quả sẽ to hơn. Chú ý không để các loại sâu, ốc sên ăn chồi non, cây sẽ không ra quả. Ngoài thanh long, ông Khởi duy trì nuôi hơn 1.000 m2 ao cá, nuôi 2 lợn nái; trồng hơn 200 gốc đào, mỗi năm thu hơn 40 triệu từ bán đào cảnh. Từ mô hình vườn ao chuồng, mỗi năm gia đình ông thu nhập gần 200 triệu đồng.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, với tính cách nhiệt tình, năng nổ, từ năm 2004 - 2010 ông được nhân dân trong xóm tín nhiệm bầu làm trưởng xóm. Với cương vị trưởng xóm, ông thường xuyên vận động nhân dân tích cực phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
PV