Đẩy mạnh phát triển kinh tế miền núi

08:26 AM 13/09/2018 |   Lượt xem: 4580 |   In bài viết | 

Đẩy mạnh phát triển cây sâm Ngọc Linh ở miền núi

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu các Bộ, ngành đẩy mạnh chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương tiếp tục nghiên cứu, đề xuất chính sách phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi cho giai đoạn sau 2020, ưu tiên nguồn lực thực hiện một cách cụ thể, chi tiết, khoa học.

Các cấp, các ngành quan tâm hơn nữa đến phát triển sản xuất ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo hướng tiếp cận chuỗi giá trị; có hỗ trợ thiết thực phát triển sản xuất, kinh doanh các sản phẩm có lợi thế - đặc sản của địa phương mình, nhất là các cây dược liệu quý và đặc hữu khác có giá trị kinh tế cao; khuyến khích vươn lên làm giàu từ những chuỗi giá trị; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, tạo việc làm.

Ủy ban Dân tộc tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm các mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh dựa vào phương pháp tiếp cận chuỗi giá trị trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong khuôn khổ Chương trình 135, các chương trình, dự án hiện hành để tổng kết, đề xuất chính sách phù hợp, đồng bộ.

Khuyến khích khởi nghiệp

Phó Thủ tướng giao Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội, các bộ ngành và địa phương tập trung nguồn lực nghiên cứu, xây dựng chính sách kết nối, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, người dân ở miền núi khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp vươn lên làm giàu dựa trên lợi thế, thế mạnh của khu vực cho giai đoạn sau 2020.

Đồng thời, Ủy ban Dân tộc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng nghiên cứu, đề xuất những chính sách hiệu quả hướng tới đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo đảm người dân miền núi yên tâm sống với rừng, giữ được rừng và làm giàu từ rừng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành liên quan tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật và hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân, khuyến khích khởi nghiệp, xây dựng các loại hình trang trại, hợp tác xã kiểu mới, kinh tế hộ gia đình với các quy mô khác nhau ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương chủ động huy động nguồn lực để phát triển hạ tầng kinh tế xã hội như điện, đường, trường, trạm, đào tạo nguồn nhân lực trên địa bàn để khai thác được các lợi thế, thế mạnh của địa phương. Phát huy sức mạnh của Nhà nước, nhà khoa học, ngân hàng, doanh nghiệp, người dân nắm chắc kỹ thuật, có tri thức, biết ứng dụng công nghệ cao, phát triển giống, công nghiệp chế biến sâu, xây dựng thương hiệu, quảng bá, chống hàng giả, đăng ký sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý để phát triển thị trường trong và ngoài nước, phát triển vùng chuyên canh gắn với du lịch.

Các địa phương có điều kiện khí hậu, địa hình phù hợp cần chủ động nghiên cứu mô hình phát triển và nghiên cứu khả năng di thực, trồng và phát triển sâm Ngọc Linh tại địa phương mình; xây dựng chiến lược, kế hoạch, lộ trình cụ thể để triển khai thí điểm và nhân rộng các mô hình giảm nghèo bền vững hướng tới mục tiêu tăng giàu ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đối với các địa phương vùng dân tộc thiểu số khác, phải lựa chọn các sản phẩm nông sản đặc sản, lâm sản ngoài gỗ đặc hữu để xây dựng mô hình đồng thời có kế hoạch và lộ trình triển khai đạt mục tiêu giảm nghèo đa chiều bền vững.

Lãnh đạo các địa phương chủ động tìm kiếm những cơ hội, năng động, sáng tạo tìm ra hướng đi riêng phù hợp để phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội của địa phương mình. Khuyến khích hai tỉnh Quảng Nam, Kon Tum và các địa phương khác cùng liên kết, kêu gọi sự tham gia của các doanh nghiệp vào phát triển cây sâm Ngọc Linh.

(baochinhphu.vn)