Đổi thay trên vùng cao biên giới Đắk Lắk
08:53 AM 11/08/2016 | Lượt xem: 5186 In bài viết |Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, kinh tế-xã hội vùng cao biên giới tỉnh Đắk Lắk đã có bước phát triển, đời sống của đồng bào các dân tộc không ngừng được cải thiện. Tuy nhiên, so với các địa phương trong tỉnh thì đời sống của người dân vùng biên giới vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, tỉnh Đắk Lắk tiếp tục tăng cường đầu tư, tạo điều kiện để thúc đẩy kinh tế - xã hội cho đồng bào các dân tộc trên vùng biên giới đầy nắng và gió này.
Vùng biên giới của tỉnh Đắk Lắk nằm trên địa bàn bốn xã gồm Ya Lốp, Ia R’vê, Ea Bung của huyện Ea Súp và xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, có tổng chiều dài đường biên giới khoảng 73 km tiếp giáp tỉnh Mon-dul-ki-ri, Vương quốc Cam-pu-chia. Điều kiện khí hậu khắc nghiệt, địa hình bị chia cắt, cho nên việc phát triển kinh tế vùng biên luôn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Hiện nay, dân số của bốn xã biên giới hơn 5.500 hộ với hơn 20 nghìn khẩu, gồm 24 dân tộc anh em cùng sinh sống, phân bố không đồng đều, trình độ dân trí thấp, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn. Để ổn định, phát triển kinh tế-xã hội vùng biên giới, Tỉnh ủy Đắk Lắk đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh vùng biên giới.
Những ngày cuối tháng 7 vừa qua, chúng tôi có mặt tại xã biên giới Ya Lốp, huyện Ea Súp, được tận mắt chứng kiến cuộc sống của người dân nơi đây có nhiều thay đổi. Gia đình anh Đặng Hoàng Long, ở thôn Giồng Trôm, xã Ya Lốp từ tỉnh Bến Tre lên lập nghiệp vào năm 2003. Gia đình anh có hơn hai ha đất rẫy nhưng sau mười năm định cư, cuộc sống vẫn khó khăn. Gia đình anh được Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Đắk Lắk và chính quyền địa phương động viên, hỗ trợ, hướng dẫn trồng giống cây thanh long ruột đỏ, một loại cây trồng hoàn toàn mới ở vùng đất này. Hiện tại, gia đình anh đã đầu tư trồng được hơn 500 trụ thanh long, mỗi năm được BĐBP hỗ trợ từ bốn đến năm đợt phân bón và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc. Trong vụ thu bói đầu mùa năm 2015, gia đình anh đã thu về gần 30 triệu đồng. Nhờ đó, cuộc sống của gia đình anh đã ổn định. Bí thư Đảng ủy xã Ya Lốp Ngô Đức Thắng cho biết: "Xã Ya Lốp có diện tích gần 20 nghìn ha với dân số 1.584 hộ, 5.884 khẩu, phần lớn là người dân ở Bến Tre và Thanh Hóa đến đây khai phá vùng kinh tế mới từ năm 2003. Trong nhiều năm qua, đảng ủy, chính quyền xã thường xuyên phối hợp với BĐBP tổ chức nhiều việc làm thiết thực như giúp dân lao động sản xuất, thu hoạch nông sản, làm đường giao thông, xây dựng nhà cửa, thăm hỏi, tặng quà những gia đình chính sách... Nhờ đó, đời sống của người dân ở xã Ya Lốp từng bước được cải thiện...".
Trên thực tế, qua tám năm thực hiện Nghị quyết, tình hình kinh tế - xã hội của các xã biên giới đã có bước phát triển toàn diện, công tác xóa đói, giảm nghèo có nhiều chuyển biến, đời sống của người dân từng bước được cải thiện, nâng lên về mọi mặt. Giai đoạn 2011-2015, hệ thống thủy lợi ở huyện Buôn Đôn bảo đảm nước tưới cho 77% diện tích cây trồng có nhu cầu tưới; 31% đường thôn, buôn được cứng hóa; tạo việc làm mới cho 1.200 lao động; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 41,2% năm 2011 xuống còn 23,22% năm 2015, bình quân hằng năm giảm 3,5%. Sau tám năm thực hiện Nghị quyết, đến nay kinh tế-xã hội của huyện Ea Súp có nhiều chuyển biến tích cực. Trên địa bàn huyện đã xây dựng được nhiều công trình giao thông, thủy lợi, công trình cung cấp nước sinh hoạt tập trung; đường, trạm y tế, trường học, chợ... phục vụ tốt đời sống nhân dân. Bên cạnh đó, huyện tranh thủ những lợi thế về giao thông đối ngoại như quốc lộ 14C là trục dọc phía tây và hành lang biên giới của tỉnh đi qua địa bàn huyện với tổng chiều dài 68,5 km và tỉnh lộ 16 là đường ra biên giới nối từ xã Cư M’lan đến quốc lộ 14C dài 42 km đang chuẩn bị được đầu tư nâng cấp... để đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội ở khu vực biên giới.
Đến thăm buôn Đrăng Phốk, xã biên giới Krông Na, huyện Buôn Đôn nằm giữa vùng lõi Vườn quốc gia Yok Đôn. Những năm trước đây, đồng bào các dân tộc trong buôn chủ yếu sống du canh, du cư, bằng nghề săn bắn, hái lượm nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Già làng Ma Xí đã ngoài 70 tuổi nhớ lại: Trước năm 2000, dân làng chủ yếu sống du canh, du cư giữa rừng già cho nên cuộc sống cực khổ trăm bề. Lúa, gạo, bắp, sắn làm nhiều mà vẫn không đủ ăn. Người lớn, trẻ em quanh năm bị sốt rét hành hạ khiến bà con không ngóc đầu lên được... Từ năm 2000 trở lại đây, bà con buôn Đrăng Phốk được BĐBP và chính quyền địa phương tuyên truyền vận động định canh, định cư ở đây. Để giúp bà con vươn lên trong cuộc sống, Bộ Chỉ huy BĐBP Đắk Lắk đã tiến hành khảo sát, lập kế hoạch và tham mưu, đề xuất UBND tỉnh đầu tư xây dựng các công trình phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh. Với sự vào cuộc tích cực của BĐBP tỉnh, một hệ thống điện, đường, trường, trạm, kênh mương thủy lợi nội đồng được triển khai xây dựng. Bên cạnh đó, phát huy lợi thế tại chỗ, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sê-rê-pốc tập trung tuyên truyền, hướng dẫn bà con khai hoang phục hóa, mở rộng diện tích sản xuất lúa nước, kết hợp phát triển chăn nuôi. Đến nay, cánh đồng lúa nước của buôn Đrăng Phốk được mở rộng gần 10 ha với hệ thống kênh mương thủy lợi nội đồng, đáp ứng sản xuất hai vụ lúa/năm. Ngoài ra, bà con trong buôn còn phát triển chăn nuôi bò, heo, gà... và trồng các loại cây nông sản hàng hóa như ngô, đậu đỗ các loại để nâng cao mức thu nhập.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình phát triển của vùng cao biên giới Đắk Lắk vẫn đối mặt với nhiều khó khăn. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đác Lắc Y Biêr Niê cho biết: Trong nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk tiếp tục xác định đầu tư cho phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh khu vực biên giới có ý nghĩa quan trọng đối với công cuộc xây dựng và phát triển của tỉnh, cũng như trong khu vực. Do vậy, tỉnh sẽ tiếp tục huy động mọi nguồn lực để đầu tư cho vùng biên giới có trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt chú trọng phát triển hạ tầng nông nghiệp, nông thôn gắn liền với xây dựng nông thôn mới.
Theo: Nguyễn Công Lý