"Nhà của tôi được xây dựng vào năm 2012. Lúc đầu cả nhà huy động được hơn 100 triệu đồng, tuy nhiên nhờ tổ, nhóm giúp đỡ nên tôi mới làm được ngôi nhà khang trang. Có nhà mới, tôi yên tâm lao động sản xuất, tạo sự ổn định cho gia đình. Trong làng gần 90% số căn nhà được làm rất đẹp nhờ có tổ, nhóm hộ giúp nhau xây nhà", anh A Phổ ở thôn Pêng Siel, xã Đăk Pek khẳng định.
Theo A Phổ, để xây nhà, chi phí nhân công chiếm khoảng 1/3 tổng giá trị căn nhà. Nhờ tổ vần đổi công nên anh tiết kiệm được chi phí trên để mua vật liệu, xi măng xây nhà to đẹp hơn.
Mô hình tổ, nhóm hộ giúp nhau xây nhà ở Đăk Pek hoạt động đơn giản. Mỗi làng thành lập từ 5-10 tổ, nhóm; mỗi tổ, nhóm có từ 7-10 người tham gia. Tất cả đều có sức khỏe, kinh nghiệm trong xây dựng, nhờ học các lớp đào tạo nghề nông thôn, học từ những người đi trước… Mỗi năm trong tổ nhóm sẽ xây từ 1 đến 2 căn nhà; thời gian làm nhà lúc nông nhàn. Ngoài việc làm thợ, mọi người còn giúp nhau công, phương tiện trong việc khai thác, vận chuyển cát, sỏi về xây nhà.
Bà con dân tộc giúp nhau xây nhà.
Tại làng Đăk Ven, hôm nay A Thắng và các bạn tranh thủ trời tạnh mưa đến giúp anh A Phiếu xây nhà. A Phiếu là hộ nghèo, gia đình 4 nhân khẩu ở trong căn nhà gỗ sập xệ. Từ tháng 4, sau một thời gian tích góp, cũng như được mọi người động viên, góp sức, A Phiếu quyết tâm xây nhà.
Anh tâm sự: "Tôi dự trù xây 100 triệu đồng, nhưng nhờ có tổ vần đổi công giúp nhau xây nhà nên căn nhà mình xây dự trù lên đến 150 triệu đồng, có gác lửng. Nhờ mô hình này mà mọi người dân trong làng đều tự xây dựng được một căn nhà mới khang trang, đẹp, với chi phí thấp nhất".
Theo A Thắng, Trưởng thôn Đăk Ven, mô hình trên không chỉ giúp người dân tự xây dựng cho mình căn nhà to, đẹp hơn, mà còn giúp mọi người trong thôn, làng đoàn kết giúp nhau lúc khó khăn. Anh tin tưởng sau này không phải chỉ 1 căn nhà, mà tất cả 170 hộ trong làng đều được ở những ngôi nhà khang trang. Về sau, tổ, nhóm sẽ còn góp công xây nhà vệ sinh để thôn có một môi trường sạch, đẹp. Mô hình trên cũng đã góp phần xây dựng nông thôn mới ở các thôn làng người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Đăk Pek.
Ngôi nhà mới xây của A Phổ.
Từ hiệu quả mô hình ở làng Pêng Siel, mô hình tổ, nhóm giúp nhau xây nhà đã lan rộng ra 8/13 thôn, làng trong xã. Điều dễ nhận thấy khi dạo quanh các thôn, làng có mô hình trên là các căn nhà đều được xây dựng khang trang, với kiểu nhà vườn nhỏ, mái thái, thiết kế thoáng, có không gian xung quanh, tạo cảnh quan đẹp cho làng.
Phó chủ tịch UBND xã Đăk Pek, anh A Kiên cho biết: Mô hình tổ vần đổi công giúp nhau xây nhà trên địa bàn xã rất thiết thực đối với bà con dân tộc thiểu số, giúp người dân ổn định cuộc sống, tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống. Mô hình còn góp phần hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã. Đây là mô hình thiết thực cần phải nhân rộng.
Đăk Pek là một xã vùng III của huyện Đăk Glei, cuộc sống của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhiều năm qua, Đăk Pek đã trở thành xã kiểu mẫu trong việc xóa nhà tạm bợ, góp phần xây dựng nông thôn mới của huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum.
Theo: Cao Nguyên (TTXVN)