Gạo của Chính phủ đến với học sinh nghèo: Đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng
08:58 AM 17/05/2016 | Lượt xem: 3685 In bài viết |Thực hiện Quyết định số 36/2013/QĐ-TTg ngày 18/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh tại các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trong 3 năm học vừa qua (2013 - 2014, 2014 -2015 và năm học 2015 - 2016), Chính phủ đã hỗ trợ trên 196.000 tấn gạo dự trữ Quốc gia cho hơn 500.000 lượt học sinh/năm học của 49 tỉnh thành phố trong cả nước.
Sát sao mọi lúc, mọi nơi
Trong quá trình triển khai thực hiện, Bộ Tài chính (Tổng cục Dự trữ Nhà nước) đã thường xuyên phối hợp với Ủy ban Dân tộc, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ủy ban nhân dân các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tiếp nhận, phân phối và sử dụng gạo tại các địa phương. Từ đầu năm 2016 đến nay, Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) đã phối hợp với Vụ Chính sách Dân tộc - Ủy ban Dân tộc tổ chức 3 đợt kiểm tra, nắm tình hình.
Tại đợt kiểm tra đầu tiên diễn ra từ ngày 28 - 31/01/2016 tại tỉnh Hà Giang, Đoàn kiểm tra đã trực tiếp làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo tiến hành kiểm tra tại trường Trung học Phổ thông dân tộc bán trú, trường Tiểu học bán trú Bát Đại Sơn thuộc huyện Quản Bạ. Tiếp đó, từ ngày 12-13/4, tại tỉnh Quảng Nam, Đoàn đã trực tiếp làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo kiểm tra tại trường Phổ thông dân tộc bán trú, trường Tiểu học bán trú Bắc Trà My, huyện Bắc Trà My. Đợt 3 từ ngày 14 - 16/4 tại tỉnh Kon Tum, Đoàn đã trực tiếp làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo kiểm tra tại trường Tiểu học bán trú Đắk Rơ Nga, huyện Đắk Tô.
Đối với các địa phương còn lại, Tổng cục DTNN đã có công điện chỉ đạo các Cục DTNN khu vực chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành của địa phương để kiểm tra, giám sát quá trình phân phối, quản lý, sử dụng gạo trên địa bàn phụ trách.
Qua kiểm tra cho thấy, mặc dù tại một số địa phương điều kiện cơ sở vật chất còn khó khăn, nguồn kinh phí vận chuyển gạo còn hạn chế, địa bàn hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, nhưng về cơ bản các địa phương đã triển khai công tác tiếp nhận, phân phối gạo cho học sinh nghiêm túc, kịp thời, đúng thời gian năm học.
Đặc biệt, Đoàn kiểm tra đánh giá cao việc một số trường đã chú trọng, quan tâm đến công tác quản lý, bảo quản gạo. Mặc dù hầu hết các điểm trường không có kho chuyên dụng riêng biệt để bảo quản nhưng rất nhiều trường đã lựa chọn địa điểm bảo quản gạo tại nơi cao ráo; có bố trí hệ thống giá kê và có bạt che phủ (có nơi đưa từng bao gạo vào bảo quản trong túi nilon riêng biệt). Mặt khác, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục DTNN tổ chức cấp phát, giao gạo cho địa phương tối đa 02 lần/học kỳ (04 lần/năm học) để tạo điều kiện cho các trường trong việc bảo quản gạo nên gạo DTQG không bị suy giảm chất lượng trong thời gian sử dụng.
Ông Phạm Phan Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN: Gạo của Chính phủ đến với học sinh nghèo đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng.
Tiến sĩ Phạm Phan Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN cho biết: “Hiện nay, Chính phủ có nhiều chính sách hỗ trợ đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, tuy nhiên việc hỗ trợ gạo cho học sinh được các địa phương rà soát, bình xét rất kỹ. Việc bình xét được thực hiện từ cấp thôn, bản; danh sách đối tượng học sinh thụ hưởng chính sách được niêm yết công khai, bảo đảm tính khách quan, minh bạch. Trong quá trình phân phối, quản lý, sử dụng gạo, đa số các trường đã lập Ban tiếp nhận, quản lý, sử dụng gạo hỗ trợ cho học sinh, trong đó thành phần gồm: Hiệu trưởng hoặc phó hiệu trưởng làm Trưởng ban, các thành viên có đại diện Công đoàn trường, Đoàn thanh niên, Tổng phụ trách Đội, đại diện phụ huynh học sinh, giáo viên chủ nhiệm và đại diện chính quyền địa phương sở tại.
Tại các trường có mở sổ theo dõi tình hình tiếp nhận, sử dụng gạo hàng ngày, hàng tháng, từng học kỳ và cả năm học; số lượng gạo còn dư do số lượng học sinh nghỉ học (nghỉ ốm, chuyển trường hoặc bỏ học) được các trường xử lý, giải quyết theo hướng: Giao cho phụ huynh học sinh mang về nhà hoặc cấp ứng trước cho phụ huynh học sinh hoặc nhà trường giữ lại để bảo quản, sử dụng theo thời gian năm học. Bởi thế, đến thời điểm này chưa có trường hợp nào được xuất cấp chồng chéo hoặc bỏ sót.
Hiệu quả xã hội cao
Riêng năm học 2015 - 2016, Tổng cục DTNN đã xuất cấp trên 72 nghìn tấn gạo đến khoảng hơn 540 nghìn học sinh nghèo thuộc 49 tỉnh, thành phố của cả nước. Trong đó, học kỳ I xuất cấp 39.863 tấn và học kỳ II xuất cấp 32.272 tấn. Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN Phạm Phan Dũng cho biết, để có được kết quả đó, bất kỳ thời điểm nào Tổng cục DTNN luôn nỗ lực, chủ động xuất cấp gạo DTQG sớm đến với học sinh nghèo đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng.
Đầu học kỳ II năm học 2015 – 2016, Tổng cục DTNN đã chỉ đạo Cục DTNN KV Tây Nam Bộ chủ động báo cáo với Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ về quy trình thực hiện việc xuất cấp, giao nhận gạo DTQG hỗ trợ cho các địa phương. Qua đó, Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã ghi nhận và đánh giá cao công tác xuất cấp gạo hỗ trợ học sinh tại các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nói chung và đối với vùng Tây Nam Bộ nói riêng. Đồng thời, thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đề nghị Cục DTNN KV Tây Nam Bộ (đơn vị phụ trách địa bàn Tây Nam Bộ) tiếp tục phối hợp với các địa phương để kiểm tra, nắm tình hình phân phối, sử dụng gạo hỗ trợ và giữ mối liên hệ với Ban Chỉ đạo và các tỉnh, thành trong vùng đồng bằng Sông Cửu Long để triển khai tốt nhiệm vụ được giao.
Để bảo đảm chính sách hỗ trợ gạo của Chính phủ cho học sinh vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số mang lại hiệu quả xã hội cao nhất, Tổng cục DTNN đã chỉ đạo các Cục DTNN khu vực chủ động trao đổi với địa phương, với các trường học về tiêu chuẩn gạo DTQG, đồng thời hướng dẫn công tác bảo quản gạo DTQG nhằm hạn chế tác động của môi trường và bảo đảm chất lượng gạo trong thời gian bảo quản tại trường. Thời gian tới, Tổng cục DTNN sẽ chỉ đạo các Cục DTNN KV chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành của địa phương để tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quá trình tiếp nhận, phân phối và sử dụng gạo. “Đặc biệt, Tổng cục Dự trữ Nhà nước sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, Ủy ban Dân tộc, Ủy ban nhân dân các tỉnh và các Sở, ban, ngành của địa phương cùng giám sát việc cấp phát, sử dụng gạo và kịp thời thông báo mọi thông tin phản ánh liên quan đến thực hiện chính sách hỗ trợ gạo cho các địa phương để kịp thời có biện pháp khắc phục, giải quyết”, Tổng cục trưởng Phạm Phan Dũng nhấn mạnh.
Có thể thấy, việc hỗ trợ học sinh nghèo trực tiếp bằng nguồn gạo DTQG trong những năm qua đã và đang đem lại những ý nghĩa xã hội rất lớn. Khi được Đảng, Chính phủ giao thực hiện nhiệm vụ này, ngành DTQG đã luôn nỗ lực hết sức mình để đảm bảo việc xuất cấp gạo đến các em học sinh luôn đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng./.
Hồng Sâm