Tập trung nguồn lực hỗ trợ đồng bào miền núi, vùng khó khăn

04:06 PM 16/10/2018 |   Lượt xem: 3949 |   In bài viết | 

Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng thăm hỏi bà con dân tộc thiểu số huyện 30a Đam Rông.

Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo nhanh và bền vững ở các huyện miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, từ thực tiễn của mình, nhiều địa phương đã tích cực huy động các nguồn lực xã hội, đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo sinh kế giúp đồng bào vươn lên, bước đầu tạo đột phá trong phát triển kinh tế, góp phần giảm nhanh và bền vững tỷ lệ hộ nghèo. 

Khơi dậy tinh thần chủ động vươn lên của hộ nghèo

Chị Nguyễn Thị Lan ở thôn Vân Thành, xã Cát Vân, huyện Như Xuân (Thanh Hóa) có chồng bị bệnh, mình chị nặng gánh mưu sinh, nuôi hai con ăn học nên lâm cảnh nghèo, túng thiếu. Năm 2009, được Nhà nước hỗ trợ 10 triệu đồng, chị vay thêm Ngân hàng Chính sách xã hội 5 triệu đồng để mua một con trâu sinh sản. Được hướng dẫn kỹ thuật xây chuồng trại, chăn nuôi, tiêm các loại vắc-xin miễn phí phòng bệnh cho gia súc, trâu mẹ sinh sản, tăng thêm được ba con trâu qua các năm. Bán hai con trâu được 39 triệu đồng, cộng với nguồn tiết kiệm được 70 triệu đồng, anh em thân tộc người hỗ trợ xe cát, xe đá, người cho xi-măng, hàng xóm giúp công lao động, gia đình chị xây được ngôi nhà mới có tổng giá trị 120 triệu đồng.

Nhằm giảm nghèo nhanh, bền vững, huyện Như Xuân phân công 54 cơ quan, đơn vị, đảng bộ, chi bộ trực thuộc Huyện ủy giúp đỡ, hỗ trợ các xã, thôn có tỷ lệ hộ nghèo cao, đồng hành cùng nông hộ trong “cuộc chiến” giảm nghèo. Anh Đồng Văn Thanh, Trưởng trạm Khuyến nông huyện cho biết, hằng tháng ít nhất hai lần các cơ quan, đơn vị cử 50% cán bộ công chức xuống thôn, bản. Do nghèo, dân thiếu và cần hỗ trợ về mọi mặt, từ chính sách giảm nghèo, cách cải thiện nơi ở, tiết kiệm trong sinh hoạt ra sao, ưu tiên đầu tư làm gì trước, đến việc ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chỉnh trang khu dân cư, nhà ở, cải tạo vườn tạp, làm chuồng trại xa nhà, áp dụng kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng sản xuất hàng hóa...

Tại xã Hóa Quỳ, huyện Như Xuân hiện có 24 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, an toàn dịch bệnh. Đến thăm trang trại của gia đình anh Hoàng Ngọc Năm ở thôn Thanh Xuân, anh cho hay: Năm 2015 gia đình anh đầu tư xây dựng chuồng, nhập giống, nuôi gà thương phẩm. Thời kỳ đầu, đàn gà hay bị bệnh, hiệu quả không cao. Anh làm đơn tham gia chương trình khởi nghiệp của chương trình VTC16. Được các kỹ sư, chuyên gia đầu ngành chăn nuôi trực tiếp hướng dẫn sửa chữa các khu chuồng trại, bảo đảm thoáng mát trong mùa hè, giữ ấm cho gia cầm mỗi kỳ đông cùng kỹ thuật chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh cho đàn gia cầm, đến nay mỗi năm trang trại của anh nuôi được hơn hai lứa gà, cho sản lượng hơn 10 nghìn con gà thương phẩm, thực lãi hơn 20 nghìn đồng/con/lứa.

Mới đây, anh Năm cùng chín thành viên sáng lập góp vốn thành lập Công ty cổ phần nông nghiệp sạch Như Xuân, mở rộng liên kết, hợp tác trong tổ chức chăn nuôi an toàn. Bước đầu mô hình liên kết thu hút 40 hộ nông dân chăn nuôi gia cầm theo quy trình tạo ra thực phẩm sạch, an toàn, mở rộng thị trường tiêu thụ. Với giải pháp đồng hành, khơi dậy tinh thần chủ động vươn lên của hộ nghèo, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư khai thác tiềm năng, thế mạnh ở địa phương, tăng cường hợp tác, liên kết tổ chức sản xuất, huyện Như Xuân đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận thoát nghèo vào đầu năm 2018.

Phát triển liên vùng

Tỉnh Quảng Ngãi có sáu huyện miền núi với diện tích tự nhiên chiếm hơn hai phần ba tổng diện tích toàn tỉnh. Cuối năm 2017, tính theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều, tỉnh Quảng Ngãi có gần 40 nghìn hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 11,16% dân số; trong đó, sáu huyện miền núi có 22.697 hộ nghèo, chiếm hơn 55% số hộ nghèo toàn tỉnh, 57 xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 25% trở lên (chủ yếu tập trung ở các huyện vùng cao như Ba Tơ, Trà Bồng, Tây Trà, Sơn Hà, Sơn Tây).

Đồng chí Bùi Nam Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ cho biết: Huyện có sáu xã “An toàn khu” được Nhà nước ưu tiên đặc biệt trong đầu tư phát triển hạ tầng. Đến nay, các xã đều có đường bê-tông cho ô-tô về tận thôn, bản. Các thôn, xã trong huyện, đều có điện lưới với 98% số hộ dân được dùng điện. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội được xây dựng đều khắp 20 xã, thị trấn, trong đó huyện lỵ Ba Tơ đạt 40 trong số 49 tiêu chí đô thị loại 5. Từ các nguồn vốn hỗ trợ, chỉ trong ba năm gần đây đã xây dựng mới 116 công trình giao thông nông thôn, thủy lợi, cầu cống, trường học, trạm xá, nước sạch, vệ sinh môi trường, nhà sinh hoạt cộng đồng. Với Ba Tơ, quốc lộ 24 được sửa chữa, nâng cấp, nối liền vùng đồng bằng Quảng Ngãi đến các huyện vùng phía đông tỉnh Kon Tum, tạo sự phát triển kinh tế liên vùng và giao lưu hàng hóa, việc đi lại của người dân thuận lợi hơn.

Không chỉ ở Ba Tơ mà các tuyến đường huyết mạch từ trung tâm tỉnh lên các huyện Trà Bồng, Tây Trà, Sơn Hà, Sơn Tây, Minh Long... đều được nâng cấp, sửa chữa, tạo thuận lợi trong giao thương, buôn bán, không còn cảnh lầy lội, ách tắc giao thông khi mưa lũ tràn về. Đồng chí Nguyễn Quang Trung, Bí thư Đảng ủy xã Trà Giang, huyện Trà Bồng nhận xét: Kể từ khi tuyến đường từ tỉnh lên huyện được nâng cấp, rồi đường về các thôn cũng được bê-tông hóa kiên cố, an toàn, sản vật địa phương được tư thương vào thu mua tận nhà, giá cũng cao hơn trước. Bên cạnh đó, nhờ phát triển mạnh vùng cây nguyên liệu mà chủ lực là cây keo, đời sống người dân khá hẳn lên. Đến nay xã đã xóa xong nhà tạm, nhà dột nát, tỷ lệ hộ nghèo từ năm 2010 hơn 80%, nay giảm còn 63% theo chuẩn mới tiếp cận đa chiều. Trong ba năm gần đây xã duy trì ổn định 10 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Người dân trong xã bắt đầu tiếp cận và áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt, lập các nhóm, tổ hợp tác sản xuất như nuôi trâu, bò, trồng keo, quế...

Theo Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ngãi Lương Kim Sơn, năm 2018, toàn tỉnh có năm huyện nghèo đang thụ hưởng các chính sách theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27-12-2008 của Chính phủ (huyện Sơn Hà mới được Thủ tướng Chính phủ công nhận thoát nghèo vào tháng 3-2018); có 19 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2016 - 2020, 50 xã đặc biệt khó khăn và 47 thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc miền núi đang được hỗ trợ từ Chương trình 135. Trong tám tháng đầu năm, các sở, ngành và địa phương tổ chức triển khai thực hiện kịp thời các chính sách giảm nghèo. Cụ thể, 11.986 lượt đối tượng là hộ nghèo, đối tượng chính sách được vay vốn tín dụng ưu đãi với doanh số cho vay hơn 358 tỷ đồng, nâng tổng dư nợ vay các chính sách giảm nghèo bền vững lên gần 3.000 tỷ đồng...

Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà Phùng Tô Long cho biết: Sau khi được công nhận thoát nghèo, huyện tăng cường phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, trong đó tập trung vào chăn nuôi gà, trồng rau sạch... theo mô hình các tổ hợp tác hoặc hợp tác xã, duy trì hoạt động hiệu quả để làm cầu nối cho các nhóm hộ nông dân cung cấp sản phẩm ra thị trường. Hiện các sản phẩm nông sản địa phương của Sơn Hà đã có mặt trong chuỗi 19 siêu thị BigC ở miền trung và miền nam.

Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất

Lâm Đồng là tỉnh nam Tây Nguyên có hơn 194,6 nghìn hộ dân sinh sống ở khu vực nông thôn, với khoảng 788,6 nghìn người; đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 24% số dân toàn tỉnh, sinh sống tại 468 thôn. Thời gian qua, bằng nhiều nguồn lực, tỉnh Lâm Đồng tập trung đầu tư phát triển toàn diện vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, tại những vùng này, nhiều hộ đồng bào dân tộc đã ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, canh tác; trồng rau, hoa thương phẩm để tăng thu nhập và làm giàu...

Chúng tôi đến thôn Ta Ly 2, xã Ka Đô, huyện Đơn Dương để chứng kiến những vườn rau, cà chua thương phẩm vào mùa thu hoạch, những cung đường bê-tông chạy giữa buôn làng. Bí thư Chi bộ thôn Ta Ly 2, già làng Klong Ba thổ lộ: “Bà con người Cil mình đã biết sản xuất rau thương phẩm. Vui lắm. Để được bà con tin và làm theo, cán bộ, đảng viên phải làm gương trước…”. Già làng Klong Ba đã có “thâm niên” 15 năm trên cương vị Bí thư Chi bộ thôn, Đảng ủy viên xã Ka Đô. Thôn Ta Ly 2 có 113 hộ, 514 nhân khẩu, hơn 95% là đồng bào dân tộc Cơ Ho, Cil. Trước đây, với tập quán du canh, du cư, cuộc sống của bà con cứ phiêu bạt qua những sườn đồi nam Tây Nguyên. Năm 1992, thực hiện chủ trương đóng cửa rừng, họ bắt đầu dừng chân ở buôn Ta Ly 2 để định cư, phát triển trồng lúa, rau thương phẩm...

Già Klong Ba bảo, từ mô hình mẫu của gia đình ông, giờ đây bà con thôn Ta Ly 2 đã bắt đầu nghĩ đến chuyện làm giàu trên chính đồng ruộng của mình. Nhờ thường xuyên tuyên truyền, vận động nên bà con đã thay đổi tư duy, nếp sống. Cả thôn chỉ còn hai hộ nghèo, cái đói đã lùi xa, đường sá được trải bê-tông, nhà cửa khang trang, thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 20 triệu đồng/năm. “Thành công lớn nhất là sự thay đổi tư duy, bà con đã biết ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế”, Bí thư Đảng ủy xã Ka Đô Nguyễn Khánh Chỉnh cho biết. Theo đảng viên Liêng Trang K’Sáu, xã Đạ Sar, thông qua sinh hoạt chi bộ, các đảng viên hiểu và biết cách chuyển đổi một phần cơ cấu cây trồng từ cà-phê sang trồng rau, mang lại hiệu quả cao. Nhiều người dân trong thôn thấy thế cũng dần chuyển đổi. Năm 2017, Đạ Sar hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới với 39 nội dung, tỷ lệ hộ nghèo tiêu chí mới còn khoảng 6,4%, thu nhập bình quân hơn 35 triệu đồng/người/năm. Đáng chú ý, sản xuất nông nghiệp “kiểu mới” theo chủ trương của tỉnh Lâm Đồng đã có sức lan tỏa rộng.

Tuy đạt những kết quả đáng ghi nhận, song, theo đánh giá của Tỉnh ủy Lâm Đồng, hiện công tác giảm nghèo chưa thật sự bền vững; tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo bình quân còn ở mức cao; quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún; chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế; trình độ canh tác trong vùng dân tộc thiểu số còn lạc hậu... Trao đổi về vấn đề này, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Xuân Tiến cho biết, sắp tới Tỉnh ủy sẽ ban hành nghị quyết về công tác dân tộc. Theo đó, xác định mục tiêu cụ thể có tính khả thi, thiết thực trong vùng đồng bào dân tộc đến năm 2025; rà soát các dự án đầu tư vào vùng dân tộc thiểu số để có sự điều chỉnh đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; tiếp tục đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo các tiêu chí xây dựng nông thôn mới phù hợp. Các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục, an sinh xã hội cần có biện pháp thực hiện phù hợp bảo đảm tính hiệu quả và bền vững. Một trong những vấn đề quan trọng là tăng cường công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng được các yêu cầu đặt ra, góp phần xây dựng và phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số...

(nhandan.com.vn)