Giáo dục và đào tạo ở vùng dân tộc thiểu số, một số thành tựu và những vấn đề đặt ra
02:44 PM 03/10/2015 | Lượt xem: 7108 In bài viết |Nhân dịp chuẩn bị vào năm học mới (2015- 2016), Tiến sĩ Phan Văn Hùng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT đã có những trao đổi với phóng viên Cổng Thông tin Điện tử UBDT về thực trạng giáo dục ở vùng đồng bào DTTS trong giai đoạn hiện nay.
PV: Thưa Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm, ông đánh giá như thế nào về chính sách giáo dục và đào tạo ở vùng DTTS trong thời gian qua?
Thứ trưởng, PCN Phan Văn Hùng: Phát triển nguồn nhân lực, đổi mới toàn diện công tác giáo dục và đào tạo là một trong 3 khâu đột phá trong Nghị quyết Đại hội XI của Đảng. Những năm vừa qua, Chính phủ đã ban hành hệ thống chính sách giáo dục ở vùng dân tộc khá toàn diện, đồng bộ, với nguồn vốn đầu tư ngày càng tăng. Có thể nêu một số chính sách nổi bật như: Xây dựng hệ thống trường lớp cơ sở vật chất, đảm bảo điều kiện học tập cho con em đồng bào các dân tộc; chính sách miễn học phí, hỗ trợ sinh hoạt phí, trang cấp sách, vở, đồ dùng học tập cho trẻ em nghèo vùng khó khăn; chế độ phụ cấp cho giáo viên công tác ở vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn. Để xây dựng đội ngũ cán bộ, trí thức là người dân tộc thiểu số, Nhà nước hình thành hệ thống các trường dự bị đại học dành cho con em các dân tộc, hình thành hệ thống trường đại học ở các vùng dân tộc như: Đại học Thái Nguyên, Đại học Tây Nguyên, Đại học Cần Thơ, đại học Sơn La,...Thực hiện chính sách cộng điểm cho các em học sinh dân tộc thiểu số thi vào học các trường cao đẳng, đại học, chính sách cử tuyển vào các trường đại học, cao đẳng,...
PV: Thứ trưởng có thể cho biết các chính sách và đầu tư cho giáo dục vùng DTTS đã phát huy hiệu quả như thế nào?
Thứ trưởng, PCN Phan Văn Hùng: Về cơ sở hạ tầng, đến nay, hầu hết các xã đều có hệ thống mầm non, trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông. Các thôn bản vùng sâu, vùng xa có các lớp mẫu giáo và tiểu học. Vùng dân tộc đã cơ bản hoàn thành chương trình xóa nạn mù chữ, phổ cập tiểu học và từng bước phổ cập trung học cơ sở. Từ năm 2010 đến nay, nhờ có các chính sách hỗ trợ con em nghèo vùng DTTS, vùng sâu, vùng xa, chế độ phụ cấp đã góp phần tăng tỉ lệ các em đến trường. Nhiều em đã có những nỗ lực và đạt thành tích cao trong học tập. đội ngũ trí thức là con em DTTS ngày càng tăng cao, con em các dân tộc đều có người học đại học, cao đẳng và các trường dạy nghề. Chương trình cử tuyển đã góp phần tạo nguồn, hình thành đội ngũ cán bộ cấp huyện, tỉnh và trung ương là người DTTS. Nhìn chung, các chính sách giáo dục và đào tạo dân tộc đã góp phần đặc biệt quan trọng trong quá trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo nhanh, bền vững vùng dân tộc.
Giờ học môn Tin học của học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Trà Lĩnh - Cao Bằng
PV: Theo Thứ trưởng, công tác giáo dục đào tạo ở vùng DTTS còn những hạn chế, yếu kém nào ?
Thứ trưởng, PCN Phan Văn Hùng: Bên cạnh một số thành tựu đã đạt được, giáo dục cho con em đồng bào DTTS vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém là: Cơ sở vật chất, điều kiện học tập cho các trường mầm non, tiểu học ở các thôn, bản vùng sâu, vùng xa chưa đảm bảo; chất lượng giáo dục ở vùng cao, vùng sâu còn thấp, số học sinh dân tộc thiểu số thi đỗ vào cao đẳng, đại học chưa cao. Còn ít học sinh là người dân tộc thiểu số thi được vào các trường đại học: Y dược, Bách khoa, Ngoại thương, Kinh tế quốc dân hoặc các chuyên ngành viễn thông, công nghệ thông tin...Nhiều sinh viên DTTS đã tốt nghiệp ra trường, nhưng chưa tìm được việc làm. Tỷ lệ lao động được học nghề còn rất thấp, chưa phù hợp với nhu cầu thực tế. Việc dạy chữ dân tộc còn gặp nhiều khó khăn.
PV: Trong thời gian tới Chính phủ, các Bộ, ngành và UBDT sẽ có những giải pháp gì để khắc phục những bất cập đó?
Thứ trưởng, PCN Phan Văn Hùng: Bên cạnh những chính sách đạt hiệu quả cao, trong thời gian tới, các ngành, các cấp cần khắc phục các hạn chế, yếu kém nêu trên. Cần có những chính sách, giải pháp ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất giáo dục, nhất là vùng cao, vùng khó khăn; nâng cao chất lượng giáo dục vùng DTTS, chuẩn hóa chương trình dạy học, xây dựng đội ngũ giáo viên là người dân tộc thiểu số đạt chuẩn. Thực hiện đổi mới toàn diện, đồng bộ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Có chính sách trợ giúp sinh viên dân tộc thiểu số đã tốt nghiệp đại học tìm được việc làm phù hợp. Áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong giảng dạy, đào tạo, tạo cơ hội cho thanh niên các dân tộc có điều kiện tiếp cận với giáo dục chất lượng cao.
Trong không khí cả nước chuẩn bị khai giảng năm học 2015 - 2016, tôi xin gửi đến các thầy, cô giáo, các em học sinh lời chúc mừng tốt đẹp nhất; chúc sự nghiệp giáo dục dân tộc đạt được nhiều thành tích cao hơn nữa.
PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm đã dành thời gian trả lời phỏng vấn !
Tiến Đạt (UBDT)