Dân số: 639 người (Theo số liệu Điều tra 53 dân tộc thiểu số 01/4/ 2019).
Ngôn ngữ: tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khơ Me (ngữ hệ Nam Á), chịu ảnh hưởng nhiều yếu tố ngôn ngữ của dân tộc Khơ Me và gần gũi với tiếng nói của một số nhóm trong dân tộc Xơ Ðăng. Người Rơ Măm hiện sử dụng thành thạo tiếng nói của nhiều dân tộc, trong đó có tiếng phổ thông.
Lịch sử: Những người già làng cho biết họ là cư dân đã sinh sống ở khu vực này từ xa xưa. Ðầu thế kỷ XX dân số của tộc này còn khá đông, phân bố trong 12 làng, ở lẫn với người Gia Lai. Hiện họ chỉ sống tập trung trong một làng.
Cho dù những ngôi nhà kiểu cũ không còn nữa, nhưng hàng năm các cột nêu ngày lễ đâm trâu, cái nọ tiếp cái kia vẫn đang và sẽ còn mọc lên với hàng cột vượt lên trên chiều cao của mái nhà, những hàng cây. Ðó là sự kết hợp hài hoà giữa truyền thống và hiện đại ở làng Le của người Rơ Măm hôm nay. |
Hoạt động sản xuất: Người Rơ Măm sống bằng nghề làm rẫy, trồng lúa nếp là chính, thêm một ít lúa tẻ, ngô và sắn. Họ sử dụng dao phát, rìu để đốn hạ cây, dùng lửa để đốt dọn rẫy, khi gieo trỉa dùng hai gậy chọc lỗ và một ống đựng hạt. Ðôi bàn tay vẫn là công cụ chính để tuốt lúa. Săn bắt và hái lượm còn giữ vai trò kinh tế quan trọng. Việc bắt cá dưới suối khá hiệu quả với đôi tay, rổ, đó và lá độc. Trong số những nghề phụ gia đình, nghề trồng bông, dệt vải được chú ý phát triển nhất. Vải họ dệt ra trước kia đủ cung cấp cho nhu cầu mặc của gia đình ngoài ra còn là hàng hoá trao đổi lấy dầu đốt, muối ăn và các công cụ lao động bằng sắt mà họ không làm ra được.
Ăn: Tập quán ăn bốc còn tồn tại khá phổ biến vào thời điểm hiện nay. Người dân thích cơm nếp đốt trong ống tre, nứa ăn với canh và muối ớt. Họ lấy nước từ các mạch ngầm, đựng trong những chiếc vỏ bầu khô để uống, không cần đun sôi. Những ngày lễ tết, hội hè cư dân uống rượu cần chế từ các loại gạo, sắn, bắp...
Mặc: Trong xã hội truyền thống, đàn ông Rơ Măm mặc khố, phía sau buông đến ống chân. Phụ nữ quấn váy và ở trần, một số mặc áo cộc tay. Váy và khố đều có màu trắng của vải mộc, không nhuộm. Phụ nữ ưa đeo hoa tai làm bằng ngà voi, nứa hoặc gỗ. Nam nữ thanh niên đều cắt 4 hoặc 6 chiếc răng cửa của hàm trên, khi bước vào tuổi trưởng thành.
Ở: Làng truyền thống của người Rơ Măm được dựng theo một trật tự cố định. Nhà ở là loại nhà sàn dài, cất kế tiếp, xung quanh ngôi nhà chung. Cửa chính của mọi ngôi nhà đều quay nhìn vào nhà rông và nhà ở của các gia đình là khu sân chơi. Quanh làng có hàng rào bảo vệ. Mỗi nóc nhà thường có nhiều bếp. Mỗi cặp vợ chồng ở trong một buồng có vách ngăn, với một bếp riêng. Gian chính giữa nhà là nơi tiếp khách... Tại làng Le, xã Mo Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, hiện nay mỗi gia đình sống trong một ngôi nhà cao to, rộng, thoáng, vách gỗ, mái ngói, do Nhà nước xây dựng.
Phương tiện vận chuyển: Gùi là phương tiện vận chuyển chính của người Rơ Măm, sử dụng sức mạnh của đôi vai và lưng. Gùi được đan cải hoa văn bằng nan nhuộm đen. Có loại gùi dành riêng cho việc vận chuyển công cụ săn bắt, đi rừng, làm rẫy của đàn ông. Có loại gùi lại chỉ sử dụng để vận chuyển váy, áo, đồ trang sức phụ nữ đem theo khi đi dự lễ tết, hội hè...
Quan hệ xã hội: Ðứng đầu làng là một già làng, người cao tuổi nhất trong làng, do dân tín nhiệm bầu ra. Làng truyền thống là một công xã láng giềng. Mọi thành viên quan hệ với nhau dựa trên cơ sở bình đẳng về nghĩa vụ và quyền lợi. Họ không chỉ quan hệ với nhau trong khuôn khổ làng mà còn quan hệ với làng khác, dân tộc khác qua việc trao đổi hàng hoá và trao đổi hôn nhân. Quan hệ xã hội ở đây còn lưu giữ khá đậm các tàn dư của thời kỳ mẫu hệ vào giai đoạn đang chuyển nhanh sang chế độ phụ quyền.
Cưới xin: Việc cưới xin của người Rơ Măm thường phải qua hai bước chính ăn hỏi và đám cưới. Lễ cưới được tổ chức đơn giản, chỉ là bữa ăn uống cộng cảm của dân làng để chứng kiến và chúc mừng bữa ăn chung đầu tiên của cô dâu, chú rể. Tính chất hôn nhân của họ đang ở giai đoạn tiến lên chế độ phụ hệ. Sau ngày cưới đôi vợ chồng trẻ sống bên nhà vợ 4-5 năm rồi về ở bên nhà chồng hoặc cư trú luân phiên cả hai bên. Việc ly dị rất ít xảy ra.
Khi nuôi con, đặc biệt lúc địu con đi xa, những phụ nữ Rơ Măm đeo trên đầu chiếc vòng có tác dụng trừ tà ma, theo quan niệm của họ. Trên chiếc vòng, ngoài các chùm chỉ màu, những quả lục lạc nhỏ bằng đồng, còn có một củ tham hụi mầu vàng, được gia đình trồng trên rẫy. Nét tiêu biểu trong kiến trúc nhà mồ truyền thống của người Rơ Măm là hình tượng những cặp ngà voi, được đẽo gọt công phu, trên đỉnh 4 cây cột dựng ở góc nhà mồ. |
Sinh đẻ: Trước kia phụ nữ Rơ Măm sinh đẻ trong ngôi nhà nhỏ ở ngoài rừng. Ðứa trẻ ra đời được cắt rốn bằng nứa hoặc một loại lá cây sắc. Mỗi làng có một hay hai bà đỡ là những người phụ nữ đã tuổi, nhiều kinh nghiệm trong việc sinh nở. Phụ nữ phải kiêng một số thức ăn có nhiều mỡ, từ khi có thai cho đến lúc đứa trẻ tròn 3 năm tuổi. Gần đây, họ sinh con tại nhà. Ngày đó người lạ không được vào, nếu ai vi phạm sẽ bị giữ lại trong nhà đến hết thời gian kiêng cữ và đứa trẻ sẽ được đặt tên trùng với tên người khách lạ.
Ma chay: Người Rơ Măm thường dùng trống để báo tin trong nhà có người chết. Xác chết được đặt ở mặt trước ngôi nhà, đầu hướng vào trong, mặt nhìn nghiêng. Việc chôn cất sẽ được tiến hành vào một hai hôm sau. Các ngôi mộ xếp theo hàng lối sao cho mặt người chết không nhìn hướng vào làng. Một số ít ngôi mộ chôn chung, từ 2 đến 3 người, thường là những người thân trong gia đình. Trong lễ bỏ mả có hai người đeo mặt nạ (một nam, một nữ) đánh trống nhảy múa. Mặt nạ nam có hai sừng trên đầu, mặt nạ nữ có hai chiếc răng nanh. Kết thúc lễ bỏ mả, hai chiếc mặt nạ được treo lại trên nhà mồ...
Thờ cúng: Người Rơ Măm quan niệm "vạn vật hữu linh", cả linh hồn con người sau khi chết cũng là lực lượng siêu nhiên đầy quyền lực và bí ẩn. Ðó là những đối tượng mà họ thờ cúng để cầu mong một cuộc sống tốt đẹp hơn. Một trong những lực lượng siêu nhiên được người dân thờ cúng nhiều nhất là thần lúa. Họ cúng thần lúa vào ngày bắt đầu trỉa giống, khi lúa lên đòng, trước ngày tuốt lúa... để cầu mong một mùa rẫy bội thu.
Lễ tết: Trong tất cả những nghi lễ được tiến hành theo chu kỳ sản xuất hay chu kỳ đời người đều có hiến tế các con vật như: gà, lợn hoặc trâu. Ngày lễ lớn nhất thường được tổ chức sau khi thu hoạch mùa rẫy. Các gia đình trong làng làm lễ mừng kế tiếp nhau, có thể mỗi ngày một gia đình hay 4-5 ngày một chủ hộ giết lợn, gà, thậm chí tổ chức đâm trâu mời bà con trong làng tới dự. Sau lễ mừng lúa mới là thời điểm diễn ra hàng loạt đám cưới của nam nữ thanh niên và lễ bỏ mả cho người đã chết.
Văn nghệ: Những làn điệu dân ca, những bài hát giao duyên của nam nữ thanh niên, những câu chuyện kể của người già với bộ nhạc cụ gồm chiêng, trống và các loại đàn, sáo... được làm ra từ nguồn tre, nứa trong rừng là yếu tố chính tạo dựng nên nền văn nghệ dân gian của cư dân nơi đây.
(Bức tranh Văn hóa các Dân tộc Việt Nam - NXB Giáo dục)