Hỗ trợ nông dân DTTS tiếp cận, đưa khoa học công nghệ vào sản xuất
06:38 AM 30/05/2022 | Lượt xem: 8662 In bài viết |Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại trực tiếp với nông dân Việt Nam, với chủ đề "Tiếp sức, hỗ trợ nông dân phục hồi, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững” diễn ra sáng 29/5, tại Tp. Sơn La, tỉnh Sơn La đã đặt ra nhiều giải pháp, chính sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn hiện đại, trong đó có giải pháp thu hút nông dân người DTTS, chính sách hỗ trợ nông dân DTTS tiếp cận và áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp.
Đây là lần thứ 4 Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam được tổ chức và là Hội nghị đầu tiên trong nhiệm kỳ Chính phủ mới. Hội nghị do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, phối hợp với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sơn La tổ chức.
Hội nghị có sự tham dự và chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; lãnh đạo các ban Đảng, các Ủy ban của Quốc hội; Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, lãnh đạo các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sơn La và các tỉnh, thành phố tại 62 điểm cầu trên cả nước; lãnh đạo Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và lãnh đạo Hội Nông dân 63 tỉnh, thành phố của cả nước. Về phía Ủy ban Dân tộc, có sự tham dự của Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị
Tham dự Hội nghị có hơn 500 đại biểu có mặt trực tiếp tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Sơn La, trong đó có khoảng 200 nông dân tiêu biểu đại diện cho hơn 10,2 triệu hộ hội viên nông dân cả nước, 29 nông dân tiêu biểu sẽ trực tiếp đặt câu hỏi và đối thoại với Thủ tướng.
Hội nghị lần này diễn ra ngay sau thành công của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, trong đó Trung ương đã tập trung tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; khẳng định sự quan tâm, chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về tầm quan trọng và chiến lược đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn phát triển bền vững. Nông nghiệp phải được phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia. Nông dân là chủ thể, tích cực trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất, ứng dụng khoa học - công nghệ, tham gia hợp tác, liên kết, khôi phục và phát triển ngành nghề nông thôn; xây dựng nông thôn mới, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Nông thôn là địa bàn chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hội nghị có ý nghĩa quan trọng trong việc cụ thể hóa chủ trương, chiến lược đó.
Ban Tổ chức Hội nghị đã nhận được hơn 1.600 câu hỏi, là những đề xuất, kiến nghị, trăn trở gửi tới Thủ tướng Chính phủ, thể hiện sự quan tâm, mong chờ của nông dân đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về những giải pháp, chính sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn hiện đại vì một tầm nhìn đưa nông nghiệp Việt Nam nằm trong những nước dẫn đầu của thế giới.
Tại Hội nghị, trả lời câu hỏi liên quan đến vấn đề về giải pháp thu hút lượng lao động trẻ ở lại phát triển nông nghiệp, duy trì và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; giải pháp thúc đẩy, nâng cao năng lực cho người nông dân, đặc biệt nông dân DTTS trong việc tiếp cận và áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết: Vùng đồng bào DTTS chiếm 3/4 diện tích của cả nước. Đây là nơi có tiềm năng lớn về nông nghiệp, du lịch… và là nơi phát huy bản sắc dân tộc được mạnh mẽ nhất. Các chính sách phát triển cho nông thôn nói chung và khu vực đồng bào DTTS nói riêng đang tạo cơ hội rất lớn cho nhiều khu vực, như Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ…
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 hướng đến mục tiêu đầu tiên là hỗ trợ để khai thác tiềm năng thế mạnh vùng đồng bào DTTS và miền núi. Trong 10 dự án thuộc Chương trình, thì dự án về hỗ trợ khoa học công nghệ rất được chú trọng, mục tiêu cuối cùng là tăng thu nhập cho nông dân. Chủ trương đã có, Ủy ban Dân tộc sẽ phối hợp với các bộ, ngành để cụ thể hóa 10 dự án này bằng các giải pháp liên kết vùng, tạo chuỗi sản suất…
Về việc tiếp cận khoa học công nghệ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho rằng, hiện nay Đảng, Nhà nước có nhiều chính sách, đề án Chuyển đổi số, có trụ cột về xã hội số. Có nghĩa là cần làm cho người dân biết và biến những kiến thức về khoa học công nghệ thành kiến thức của mình. Tới đây, Ủy ban Dân tộc sẽ phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ đưa các thông tin liên quan lên môi trường mạng để việc tiếp cận nhanh hơn. Vấn đề cuối cùng, là đổi mới về phương pháp đào tạo nghề, nhân rộng mô hình và hướng dẫn trực quan.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu cần tiếp tục nhận thức đúng về vị trí, vai trò chiến lược đặc biệt quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Phát huy sức mạnh, vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Thực hiện thành công mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước phải gắn liền với sự phát triển khu vực nông thôn và nâng cao trình độ của người nông dân. Mục tiêu là phát triển nông nghiệp sinh thái, xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Tham dự Hội nghị có hơn 500 đại biểu có mặt trực tiếp tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Sơn La, trong đó có khoảng 200 nông dân tiêu biểu đại diện cho hơn 10,2 triệu hộ hội viên nông dân cả nước
Trong quá trình đó, phải quán triệt một số quan điểm: Nông nghiệp, nông thôn, nông dân là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội; phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị; công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển, mục tiêu cao nhất là lợi ích của người dân, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và người dân nông thôn; xây dựng nông thôn hiện đại, phồn vinh, văn minh, có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, kết nối với đô thị, môi trường xanh, sạch, đẹp.
Thủ tướng cho biết, để thực hiện được mục tiêu nói trên, Trung ương sẽ ban hành các Nghị quyết về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất; tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao"; Nghị quyết về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045"; Nghị quyết về "Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới". Các cấp, các ngành phải quán triệt, tổ chức thực hiện thật tốt các Nghị quyết này.
Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ của người nông dân, nhất là trình độ theo hướng "tri thức hóa nông dân" để làm chủ công nghệ trong sản xuất, kinh doanh và có thể làm giàu từ nông nghiệp.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan liên quan tổng hợp đầy đủ các ý kiến, làm cơ sở để tiếp tục nghiên cứu, xem xét sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân.
(baodantoc.vn)