Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh: “Xây dựng tinh thần phụng sự và cống hiến, với một tấm lòng vì đồng bào DTTS”
10:00 PM 20/01/2023 | Lượt xem: 3498 In bài viết |Nhìn lại một năm nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự quyết liệt, sáng tạo, đổi mới, ngành công tác dân tộc đã đạt được kết quả nổi bật, tạo tiền đề vững chắc để cơ quan công tác dân tộc bước vào thực hiện nhiệm vụ năm 2023 và những năm tiếp theo với niềm tin và khí thế mới. Phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển có cuộc phỏng vấn Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh bên thềm Năm mới.
Nhìn lại năm 2022 - năm thứ hai triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2026; thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, cơ quan công tác dân tộc đã đạt được những kết quả nổi bật gì, thưa Bộ trưởng, Chủ nhiệm?
Năm 2022 là năm tình hình thế giới có nhiều diễn biến nhanh, phức tạp; lạm phát thế giới tăng cao và hậu quả của đại dịch Covid-19 dẫn đến suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Ở trong nước, áp lực lạm phát tăng cao; giá xăng dầu, nguyên vật liệu biến động mạnh đã ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành, lĩnh vực, trong khi đó, dịch bệnh, thiên tai, bão lũ diễn biến phức tạp, gây nhiều thiệt hại cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của Nhân dân. Trong bối cảnh đó, bám sát các nghị quyết, kết luận của Đảng, nghị quyết Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, với phương châm “Đổi mới, kỷ cương, đoàn kết, dân chủ, phối hợp”, Ủy ban Dân tộc đã tích cực chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện nhiệm vụ về công tác dân tộc và đã đạt được kết quả quan trọng.
Có thể nói, trong năm 2022, cơ quan làm công tác dân tộc đã triển khai thực hiện một khối lượng công việc rất lớn, trong đó có nhiều nội dung công việc chưa có tiền lệ, liên quan đến nhiều lĩnh vực như tài chính, đầu tư, pháp luật... Trọng tâm là ban hành hàng trăm văn bản quy phạm pháp luật, sửa đổi các thông tư, ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc, trọng tâm là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (gọi tắt là Chương trình MTQG DTTS và miền núi) theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương, thể hiện sự đổi mới tư duy về xây dựng và thực hiện chính sách dân tộc. Các văn bản hướng dẫn có sự tham gia của các địa phương, sát thực tế hơn, phù hợp hơn với điều kiện vùng DTTS và miền núi.
Một trong những điểm nhấn quan trọng của ngành công tác dân tộc, đó là với vai trò chủ trì tham mưu của Ủy ban Dân tộc, đầu năm 2022, Chính phủ đã có Nghị quyết ban hành Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với nhiều mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng. Đây là một bước tiến mới, một dấu mốc rất quan trọng trong lĩnh vực công tác dân tộc năm 2022.
Để thực hiện mục tiêu đề ra trong Chiến lược công tác dân tộc, cuối năm 2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc với yêu cầu đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới.
Đồng thời, năm 2022 cũng đã ghi nhận sự chuyển biến rất lớn trong công tác phối hợp giữa Ủy ban Dân tộc với các bộ, ngành, địa phương trong lĩnh vực công tác dân tộc, triển khai thực hiện chính sách dân tộc. Qua đó, nhận thức về công tác dân tộc đã có sự chuyển biến rõ rệt trong hệ thống chính trị cả nước từ Trung ương đến địa phương. Các bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương đã có sự phối hợp chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn, thể hiện nổi bật nhất là việc phối hợp triển khai và hướng dẫn thực hiện Chương trình MTQG DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.
Đồng thời, với phương châm hướng về cơ sở, kịp thời tháo gỡ những khó khăn trong thực hiện công tác dân tộc, năm 2022, lãnh đạo Ủy ban Dân tộc đã đi công tác, làm việc, dự hội nghị, hội thảo, tháp tùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước làm việc tại 50 tỉnh, thành phố.
Bên cạnh việc tổ chức thực hiện Chương trình MTQG DTTS và miền núi, Ủy ban Dân tộc còn tiếp tục đôn đốc thực hiện các chính sách dân tộc khác còn hiệu lực như: Đề án Bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối với cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2018 - 2025; Chính sách đối với Người có uy tín; Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2015 - 2025; Đề án hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng DTTS; Đề án Tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS đến năm 2025…
Ủy ban Dân tộc đã chủ trì tham mưu xây dựng Đề án “Xác định thành phần, tên gọi của một số dân tộc và xây dựng Danh mục các dân tộc Việt Nam”; Nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Uỷ ban Dân tộc; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc…
Công tác thông tin, tuyên truyền và phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào DTTS được tăng cường. Hợp tác quốc tế về công tác dân tộc tiếp tục được đẩy mạnh. Công tác kiện toàn, tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc được chú trọng.
Các địa phương đã xây dựng, ban hành các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch, chương trình hành động, chính sách dân tộc đặc thù để huy động nguồn lực, góp phần giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS tại địa phương.
Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành, địa phương và sự nỗ lực cố gắng của đồng bào các dân tộc trong việc triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách dân tộc, chính sách an sinh xã hội nên đời sống của đồng bào các DTTS nhìn chung ổn định và ngày càng được cải thiện.
Tính đến cuối năm 2022, cả nước có 3.434 xã thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn 53 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Năm 2022, tỷ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1 - 1,5%/năm; trong đó tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm trên 3%/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm 4 - 5%/năm. Tình hình kinh tế, đời sống của người dân vùng DTTS và miền núi cơ bản ổn định nhờ kiểm soát được dịch bệnh Covid-19 và thực hiện Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế của Chính phủ phát huy hiệu quả.
Nhờ triển khai thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào vùng DTTS và miền núi không ngừng được nâng lên, an ninh chính trị được giữ vững, khối đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường, niềm tin của đồng bào các dân tộc với Đảng, Nhà nước ngày càng được củng cố.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh trò chuyện với lãnh đạo và đồng bào các DTTS tỉnh Lai Châu (tháng 6/2022).
Có thể thấy, triển khai thực hiện Chương trình MTQG DTTS và miền núi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành công tác dân tộc trong năm 2022. Xin Bộ trưởng, Chủ nhiệm cho biết những kết quả bước đầu trong triển khai thực hiện Chương trình?
Chương trình MTQG DTTS và miền núi có nội dung cơ bản được tích hợp từ hơn 100 chính sách cụ thể từ giai đoạn 2016 - 2020 kết hợp với một số chính sách mới được thiết kế thành tổng cộng 10 dự án, 14 tiểu dự án với 36 nội dung chính sách thành phần do 23 bộ, ngành tham gia quản lý và tổ chức triển khai thực hiện. Do đây là Chương trình MTQG đầu tiên được phê duyệt dành riêng cho vùng đồng bào DTTS và miền núi, đồng thời là Chương trình có tổng nguồn lực đầu tư từ ngân sách Nhà nước lớn nhất hiện nay, vì vậy để tổ chức thực hiện các nội dung của Chương trình theo đúng thủ tục, trình tự và quy định của pháp luật đòi hỏi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương phải nghiên cứu, ban hành một số lượng lớn các văn bản quy định, hướng dẫn về cơ chế, chính sách phục vụ triển khai thực hiện Chương trình từ cấp Trung ương đến địa phương.
Với sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương; sự nỗ lực, quyết tâm cao và tính chủ động tích cực trong phối hợp của Ủy ban Dân tộc với các bộ, cơ quan Trung ương, thành viên Tổ công tác, các nhiệm vụ về Chương trình MTQG DTTS và miền núi của cấp Trung ương cơ bản được hoàn thành.
Đến nay, đã có hơn 200 văn bản khác nhau được ban hành để quy định, hướng dẫn và tổ chức thực hiện các nội dung về cơ chế, chính sách và hướng dẫn, tổ chức triển khai thực Chương trình MTQG DTTS và miền núi từ Trung ương đến địa phương.
Để tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, cơ quan Trung ương trong thực hiện nhiệm vụ và nâng cao hiệu quả quản lý, chỉ đạo điều hành tổ chức triển khai Đề án Tổng thể và Chương trình MTQG DTTS và miền núi, Ủy ban Dân tộc - cơ quan chủ trì Chương trình đã ký kết các chương trình phối hợp, quy chế phối hợp công tác giai đoạn 2021 - 2025 với 18 bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và đã được cụ thể hoá trong kế hoạch chi tiết thực hiện Chương trình phối hợp năm 2022. Ủy ban Dân tộc nói riêng, Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTQG nói chung đã tổ chức nhiều chuyến công tác tại địa phương, nhằm đánh giá tình hình, kịp thời tháo gỡ khó khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình MTQG DTTS và miền núi.
Các địa phương đã tập trung chỉ đạo, điều hành, thực hiện nhiệm vụ Chương trình MTQG DTTS và miền núi; thành lập Ban Chỉ đạo, cơ quan thường trực, huy động nguồn lực, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị triển khai thực hiện Chương trình MTQG DTTS và miền núi. Công tác tuyên truyền, vận động được triển khai rộng rãi bằng nhiều hình thức, do đó Chương trình MTQG DTTS và miền núi được các cấp, các ngành, dư luận xã hội và người dân đặc biệt quan tâm, tích cực vào cuộc để tổ chức triển khai thực hiện.
Năm 2023 là năm có tính chất bản lề trong thực hiện công tác dân tộc của giai đoạn 5 năm (2021 - 2025). Xin Bộ trưởng, Chủ nhiệm cho biết một số nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp cơ bản của cơ quan làm công tác dân tộc trong năm 2023 và những năm tiếp theo?
Ngành công tác dân tộc xác định năm 2023 là năm bản lề quan trọng, với nhiều nhiệm vụ lớn, nặng nề để triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Kết luận số 65-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới; Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội phê duyệt Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; các nghị quyết, quyết định, chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Ủy ban Dân tộc sẽ tiếp tục quán triệt, tích cực, chủ động phối hợp với các bộ, ban, ngành, địa phương, triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện nhiệm vụ về công tác dân tộc. Tập trung xây dựng các đề án, chính sách dân tộc trong Chương trình công tác của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2023. Tham mưu, đề xuất sửa đổi những văn bản pháp lý không còn phù hợp, đặc biệt là Nghị định 05/2011/NĐ-CP về Công tác dân tộc và một số chính sách mới phù hợp với tình hình hiện nay.
Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ trong bối cảnh mới, tình hình mới cho ngành công tác dân tộc. Vì vậy toàn ngành công tác dân tộc quyết tâm thực hiện hiệu quả những nhiệm vụ mới đặt ra, trọng tâm là ban hành các đề án, xây dựng chương trình hành động cụ thể thực hiện Chiến lược công tác dân tộc.
Cùng với đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cơ quan công tác dân tộc trong năm 2023 và giai đoạn tới là tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án Tổng thể và Chương trình MTQG DTTS và miền núi. Đây là Chương trình lớn, bao phủ rộng khắp mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, với địa bàn trải rộng, nhiệm vụ nặng nề, nhiều khó khăn, thách thức. Ngành công tác dân tộc sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, công tác tham mưu, phối hợp, chỉ đạo, điều hành, định mức... nhằm thực hiện Chương trình MTQG DTTS và miền núi đúng tiến độ, hiệu quả.
Có thể nói, hệ thống văn bản hướng dẫn, quản lý, chỉ đạo, điều hành thực hiện chính sách dân tộc đến nay đã khá đầy đủ, ngành công tác dân tộc sẽ tiếp tục phối hợp tham mưu, hoàn thiện, bổ sung, sửa đổi phù hợp với tình hình thực tế, khắc phục được những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Giai đoạn này, việc thực thi chính sách sẽ là nhân tố quyết định thành công.
Bên cạnh những nhiệm vụ nặng nề đó, ngành công tác dân tộc đứng trước nhiều khó khăn khi vùng đồng bào DTTS và miền núi tiếp tục hứng chịu những khó khăn chung do tình hình thế giới, khu vực và trong nước, đặc biệt dịch bệnh, thiên tai và những khó khăn nội tại chưa được giải quyết trong nhiều năm qua.
Do đó, để chính sách dân tộc đến đúng đối tượng, đúng địa bàn, chính xác và khách quan, toàn hệ thống cơ quan công tác dân tộc sẽ tiếp tục đổi mới, sáng tạo, quyết tâm cao, tập trung mọi nguồn lực, tăng cường phối hợp, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân để chính sách đi vào cuộc sống và mang lại hiệu quả cao.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh trò chuyện với các em học sinh Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc.
Nhân dịp Năm mới, Bộ trưởng, Chủ nhiệm nhắn gửi điều gì tới hệ thống cơ quan công tác dân tộc các cấp?
Cơ quan công tác dân tộc bước vào thực hiện nhiệm vụ trong năm 2023 với nhiều thời cơ, thuận lợi, song cũng nhiều thách thức đan xen. Toàn ngành công tác dân tộc cần phát huy tinh thần đoàn kết, nhất trí, đồng lòng. Trách nhiệm của chúng ta là trách nhiệm trước Đảng, Chính phủ và trước Nhân dân. Phải có đức tính hy sinh, xây dựng tinh thần phụng sự và cống hiến với một tấm lòng vì đồng bào.
Đối với đội ngũ lãnh đạo, trong chỉ đạo, điều hành, phải suy nghĩ, cân nhắc kỹ lưỡng, tư tưởng phải thông suốt, quyết tâm phải lớn, nỗ lực phải cao, hành động phải quyết liệt, hiệu quả, khẩn trương, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm. Đối với mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phải đổi mới phương pháp tham mưu, tự học hỏi, nâng cao trình độ; cập nhật các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Bước vào Năm mới với khí thế mới, quyết tâm cao, chúng ta vững tin triển khai thực hiện hiệu quả công tác dân tộc, chính sách dân tộc, mở ra bước phát triển mới cho vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng, Chủ nhiệm!
(baodantoc.vn)