Tiếp tục tìm giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng vùng Tây Nguyên
07:43 PM 01/07/2022 | Lượt xem: 3673 In bài viết |Sáng 01/7, tại tỉnh Đắk Lắk, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 18/1/2002 và Kết luận số 12-KL/TW ngày 24/10/2011 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Tây Nguyên.
Cùng tham dự Hội nghị có: Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; các Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng các bộ, ngành liên quan, thành viên Ban Chỉ đạo tổng kết, thành viên Tổ biên tập, lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, lãnh đạo một số Ủy ban của Quốc hội (Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính, ngân sách, Ủy ban Các vấn đề xã hội), lãnh đạo 5 địa phương vùng Tây Nguyên; các chuyên gia, nhà khoa học, các viện nghiên cứu, trường đại học.
Về phía Ủy ban Dân tộc, có sự tham dự của Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh.
Nhiều chuyển biến quan trọng
Hội nghị được tổ chức nhằm tiếp tục lắng nghe các ý kiến đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 10 và Kết luận 12 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2020; quan điểm, định hướng, các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nhằm xây dựng và phát triển vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045...
Các ý kiến tại Hội nghị đều khẳng định việc triển khai Nghị quyết 10 và Kết luận 12 của Bộ Chính trị đạt nhiều kết quả quan trọng, tình hình Tây Nguyên ổn định và có bước phát triển khá toàn diện. Quy mô kinh tế được mở rộng, năm 2020 đạt khoảng 287.000 tỷ đồng, gấp khoảng 14 lần năm 2002. GRDP bình quân giai đoạn 2002 - 2020 là 7,98%, tốc độ tăng GRDP và của các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ của Tây Nguyên đều cao nhất trong các vùng. GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 48,08 triệu đồng/người/năm, gấp 10,6 lần năm 2002.
Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; hệ thống giáo dục, đào tạo được đầu tư đồng bộ; mạng lưới y tế được củng cố (từ năm 2010 đến 2020, số bệnh viện tăng từ 75 lên 90, có trạm y tế ở tất cả các xã, phương, số giường bệnh tăng từ 8.647 lên 14.742). Các di tích văn hóa lịch sử được tu bổ, tôn tạo. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Tỷ lệ hộ nghèo giảm khá (từ 18,5% năm 2016 xuống 11% năm 2020); các chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai hiệu quả, góp phần cải thiện căn bản đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn. Thực hiện tốt công tác dân tộc, nâng cao ý thức đoàn kết, tính tự lực trong phát triển sản xuất, giảm nghèo.
Theo Thủ tướng, Tây Nguyên có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh đối với cả nước và khu vực Đông Dương
Thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh Nhân dân, thế trận lòng dân được củng cố vững chắc, nhất là trên tuyến biên giới và các địa bàn xung yếu; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, niềm tin của người dân với Đảng, Nhà nước được củng cố và tăng cường.
Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên được nâng lên; cơ bản giải quyết tình trạng "trắng" đảng viên và tổ chức đảng. Xây dựng chính quyền các cấp được đẩy mạnh; chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội được nâng cao; phát huy tốt vai trò già làng, Người có uy tín, khối Đại đoàn kết toàn dân được củng cố.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng bày tỏ không ít băn khoăn, trăn trở khi Tây Nguyên phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, cơ hội, lợi thế, do cơ chế chính sách còn hạn hẹp, đầu tư chưa tương xứng, tính tự lực, tự cường chưa được phát huy mạnh mẽ, thể chế chưa giải quyết được hết những vấn đề còn vướng mắc, việc tổ chức thực hiện cần phải cố gắng, hiệu quả hơn nữa.
Cần tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển vùng đồng bào DTTS Tây Nguyên
Tại Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh chia sẻ: Vùng Tây Nguyên là 1 trong 3 vùng chiến lược về an ninh trật tự, là 1 trong 6 vùng kinh tế trọng điểm của cả nước. Toàn vùng Tây Nguyên có 53 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có 52 DTTS với hơn 2 triệu người, chiếm trên 37% dân số toàn vùng. Đây là vùng có đông thành phần dân tộc nhất nước ta và cũng là nơi duy nhất có đủ các nhóm ngôn ngữ - dân tộc của Việt Nam cùng sinh sống.
Toàn Vùng có 4 tôn giáo chính: Công giáo, Phật giáo, Tin lành và Cao đài, với hơn 2 triệu tín đồ. Các DTTS ở Tây Nguyên có bản sắc văn hóa phong phú, là nơi lưu giữ được nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, có giá trị lịch sử và thẩm mỹ độc đáo. Các dân tộc ở Tây Nguyên sống đoàn kết, đan xen nhau, tập trung tại 521 xã vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã quan tâm, ban hành nhiều chính sách, chương trình, dự án nhằm hỗ trợ đầu tư phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi nói chung và vùng Tây Nguyên nói riêng (trong đó có 26 văn bản chính sách dành riêng cho vùng Tây nguyên). Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW và Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị, KT-XH vùng Tây Nguyên đã có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của hơn 2 triệu đồng bào DTTS không ngừng được cải thiện, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững, khối Đại đoàn kết dân tộc được củng cố tăng cường.
Tuy nhiên, vùng đồng bào DTTS Tây Nguyên còn rất nhiều khó khăn. Giảm nghèo thiếu tính bền vững. Đời sống của một bộ phần đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo của đồng bào DTTS so với dân số toàn vùng, chiếm 76,16%. Tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, con em đồng bào DTTS bỏ học giữa chừng gia tăng. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, phát triển nguồn nhân lực DTTS còn hạn chế...
Về một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để tiếp tục phát triển vùng Tây Nguyên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh nhấn mạnh: Cấp ủy, chính quyền các cấp cần thực hiện quyết liệt, đầy đủ, hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp đã được đề ra tại Kết luận 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW về công tác dân tộc trong tình hình mới; Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội khóa XIV phê duyệt Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
Tập trung nguồn lực phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển vùng đồng bào DTTS; hỗ trợ khởi nghiệp, tiêu thụ sản xuất, giải quyết việc làm cho đồng bào bào DTTS; giao đất giao rừng; khai thác thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên, bản sắc văn hóa để phát triển du lịch. Thực hiện tốt định canh, định cư, sắp xếp ổn định dân cư, bảo đảm đời sống cho người dân, xây dựng khối Đại đoàn kết. Thực hiện tốt công tác quản lý nhân khẩu, hộ tịch, giấy khai sinh... để đồng bào có điều kiện tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản và ổn định cuộc sống.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đề xuất nhiều sáng kiến, giải pháp phát triển vùng đồng bào DTTS Tây Nguyên
Bên cạnh đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh đề nghị các cấp ủy, chính quyền cơ sở cần tập trung chỉ đạo, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở, giữ vững quốc phòng - an ninh vùng Tây Nguyên. Không ngừng củng cố lực lượng cốt cán của các đoàn thể, tăng cường phát triển đảng viên, trong đó có đảng viên là người DTTS ở những vùng trọng điểm, vùng đặc biệt khó khăn; đề cao vai trò của già làng, trưởng buôn, trưởng các dòng họ, Người có uy tín. Kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở, nhất là cán bộ người DTTS. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; chú trọng xây dựng quy ước, hương ước và tổ chức phong trào tự quản về an ninh trật tự; phát huy hiệu quả hoạt động của các mô hình tự quản tại cộng đồng. Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh Nhân dân vững chắc.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc. Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, lồng ghép, tích hợp các chính sách hiện hành để hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật thực hiện tại vùng DTTS và miền núi. Đổi mới phương thức xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới theo hướng giảm dần cơ chế “cho không”, tăng chính sách tín dụng ưu đãi, hỗ trợ có điều kiện, đầu tư cơ sở hạ tầng cho cộng đồng để phát triển kinh tế hộ gia đình; phát huy tinh thần tự lực tự cường và quyền làm chủ của đồng bào các dân tộc.
Đồng thời, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, phổ biến giáo dục pháp luật trong đồng bào DTTS; công tác thanh tra, kiểm tra, sơ kết, tổng kết thực hiện các chính sách dân tộc. Bố trí, sử dụng cán bộ có đủ năng lực, trình độ làm công tác dân tộc ở các ngành, các cấp. Có chính sách luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng, tạo điều kiện để cán bộ làm công tác dân tộc các cấp không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng nêu rõ, việc tổng kết Nghị quyết số 10 và Kết luận số 12 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc nhìn lại chặng đường 20 năm vừa qua và xác định quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển cho toàn vùng Tây Nguyên trong giai đoạn sắp tới.
Thủ tướng nhấn mạnh một số bài học kinh nghiệm quan trọng như cần nhận thức đúng và đầy đủ về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của vùng đối với cả nước ở tất cả các cấp, các ngành; phát triển vùng Tây Nguyên phải tập trung và kết hợp giải quyết đồng bộ cả về chính trị, tư tưởng, KT-XH, môi trường, quốc phòng, an ninh; gắn phát triển kinh tế với chăm lo giải quyết các vấn đề xã hội, chính sách dân tộc, tôn giáo; khơi dậy niềm tự hào, biến giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống cách mạng, ý chí, khát vọng vươn lên, tự lực, tự cường, đoàn kết thành động lực phát triển; phải có cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực phát triển, nhất là hợp tác công tư, nguồn lực xã hội và đầu tư nước ngoài.
Về tiềm năng phát triển, Tây Nguyên có nhiều lợi thế như có 3,2 triệu ha đất rừng (21% cả nước), 1 triệu ha đất đỏ bazan, 1,8 triệu ha đất đỏ vàng; hệ sinh thái đa dạng; khí hậu điều hòa. Vùng có tiềm năng lớn về phát triển công nghiệp năng lượng (thủy điện, điện gió, điện mặt trời); giàu khoáng sản và là trung tâm sản xuất Bauxite. Tây Nguyên cũng là vùng sản xuất cây công nghiệp lớn (cao su, cà phê, hồ tiêu, chè, điều...); có nhiều loại dược liệu quý như sâm Ngọc Linh, có điều kiện thuận lợi để phát triển thành trung tâm du lịch lớn của cả nước.
Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm phát triển xác định Tây Nguyên là địa bàn chiến lược; phát triển Tây Nguyên nhanh, bền vững là trách nhiệm của tất cả các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị, trong đó phải chú trọng phát huy tinh thần tự lực, tự cường và đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn.
Về một số định hướng, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ, thứ nhất cần tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng. Thứ hai, phát triển nhanh và bền vững kinh tế vùng. Nghiên cứu các cơ chế, chính sách đặc thù để Tây Nguyên khai thác hết tiềm năng, hóa giải các thách thức, có giải pháp phù hợp. Thứ ba, phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, bảo vệ đa dạng sinh học, môi trường. Phát huy nguồn lực con người, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, nhất là đồng bào DTTS gốc Tây Nguyên. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực trong đồng bào dân tộc, coi đây là một trong những khâu đột phá cho sự phát triển nhanh và bền vững của vùng.
Đổi mới cách tiếp cận về giảm nghèo; bảo đảm mức sống tối thiểu tăng dần và khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản của người dân; gắn giảm nghèo với đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới, phát triển các mô hình sinh kế mới, phát triển giáo dục, dạy nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.
Thứ tư, phát triển KT-XH gắn với củng cố quốc phòng, an ninh; quan tâm vấn đề dân tộc, tôn giáo, làm sâu sắc hơn các quan hệ hợp tác Tiểu vùng sông Mekong mở rộng, khu vực Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia.
Thứ năm, tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của các cấp chính quyền. Xây dựng, củng cố khối Đại đoàn kết dân tộc, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển.
Thứ sáu, tập trung huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực bằng các biện pháp khác nhau, kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa nguồn lực nhà nước và tư nhân, nguồn lực trong nước và ngoài nước… trên cơ sở trọng tâm, trọng điểm.
Trên cơ sở báo cáo tổng kết, các ý kiến tham luận tại Hội nghị, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo tổng kết - tiếp thu tối đa để hoàn thiện dự thảo báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW và Kết luận số 12-KL/TW, hoàn thiện dự thảo tờ trình và dự thảo Nghị quyết mới của Bộ Chính trị, huy động tối đa trí tuệ tập thể, tiếp tục lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, chuyên gia, nhà khoa học, báo cáo Ban Cán sự Đảng Chính phủ xem xét, cho ý kiến trước khi trình Bộ Chính trị, bảo đảm chất lượng, tiến độ, kế hoạch đề ra.
(baodantoc.vn)