Hội đồng Dân tộc của Quốc hội thẩm tra báo cáo của Chính phủ về thực hiện chính sách dân tộc
08:22 AM 18/05/2023 | Lượt xem: 3716 In bài viết |Ngày 17/5, tại Hà Nội, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã tổ chức phiên họp Thường trực Hội đồng dân tộc Quốc hội mở rộng thẩm tra báo cáo của Chính phủ về “Tình hình thực hiện Chính sách dân tộc giai đoạn 2021 - 2022”. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm chủ trì phiên họp.
Tham dự phiên họp có các thành viên Hội đồng Dân tộc, đại diện các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội. Về phía Chính phủ có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Hầu A Lềnh; Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Y Vinh Tơr cùng lãnh đạo một số vụ, đơn vị trực thuộc UBDT.
Báo cáo tình hình thực hiện chính sách dân tộc giai đoạn 2021 - 2022 của UBDT cho thấy, công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, củng cố lòng tin của đồng bào DTTS đối với Đảng, Nhà nước.
Hệ thống chính sách dân tộc được ban hành khá đầy đủ, toàn diện và bao quát hầu hết các lĩnh vực đời sống chính trị, kinh tế - xã hội (KT-XH) của vùng đồng bào DTTS và miền núi. Cơ chế chính sách từng bước thay đổi cách thức tiếp cận theo hướng phát huy nội lực của đối tượng thụ hưởng. Bên cạnh các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, lần đầu tiên nước ta có chương trình MTQG riêng nhằm đầu tư, hỗ trợ phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi bao trùm tất cả các lĩnh vực với 10 Dự án và 14 Tiểu dự án thành phần. Chương trình MTQG này được xây dựng trên cơ sở tích hợp gần 30 chính sách, hoặc nội dung chính sách, bước đầu đã khắc phục được tình trạng tản mạn, dàn trải chính sách và nhiều đầu mối quản lý chính sách của các giai đoạn trước đây.
Các chính sách từng bước được rà soát, điều chỉnh, bổ sung bảo đảm tránh trùng lắp, thống nhất về cơ chế quản lý, tập trung nguồn lực; phân cấp mạnh cho địa phương và thể hiện rõ tính công khai, minh bạch trong tổ chức thực hiện; ưu tiên tập trung đầu tư có hiệu quả, nhất là đối với địa bàn đặc biệt khó khăn.
Việc xây dựng và thực hiện chính sách dân tộc có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và địa phương; nhu cầu và lợi ích của người dân và các đối tượng thụ hưởng đã tạo được sự đồng thuận của dư luận xã hội.
Hệ thống chính sách dân tộc tác động lên nhiều mặt đời sống của đồng vào DTTS và vùng DTTS và miền núi, đã tạo điều kiện cho KT-XH vùng từng bước phát triển toàn diện hơn cả về đời sống vật chất và tinh thần, củng cố niềm tin của đồng bào DTTS đối với Đảng, Nhà nước; vùng đồng bào DTTS và miền núi không xuất hiện các “điểm nóng”, an ninh chính trị và trật tự xã hội, khối Đại đoàn kết dân tộc được củng cố và tăng cường
Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh phát biểu tại phiên họp
Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ, Thường trực Hội đồng Dân tộc đánh giá cao Chính phủ và các bộ, ngành đã tích cực triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi. Công tác điều hành của Chính phủ tiếp tục có nhiều đổi mới, tập trung vào những vấn đề khó khăn, búc xúc, thể hiện sự linh hoạt, nhất quán, sâu sát, quyết liệt, nỗ lực và quyết tâm lớn trong việc thực hiện các mục tiêu đã đề ra. Đặc biệt là tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương xây dựng, hoàn thiện, ban hành các văn bản hướng dẫn, quy định bảo đảm cho việc triển khai thực hiện 3 Chương trình MTQG.
Trong năm 2022, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo triển khai thực hiện các chương trình, chính sách, dự án tập trung giải quyết khó khăn, bức xúc của hộ nghèo, chính sách giảm nghèo và chính sách cho vùng đồng bào DTTS và miền núi. Công tác bảo đảm quốc phòng, an ninh, chính trị, trật tự xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi được củng cố và tăng cường; khối Đại đoàn kết các dân tộc, niềm tin của đồng bào các DTTS đối với Đảng và Nhà nước ngày càng được nâng lên.
Các địa phương vùng đồng bào DTTS đã triển khai quyết liệt các biện pháp để vừa bảo đảm phát triển kinh tế vừa thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện các chính sách dân tộc; đồng thời, tích cực khắc phục hậu quả thiên tai, huy động các nguồn lực, thăm hỏi, động viên, hỗ trợ đồng bào ổn định cuộc sống.
Để tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc vùng đồng bào DTTS và miền núi trong thời gian tới đạt được các mục tiêu đề ra, Hội đồng Dân tộc đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương quyết liệt thực hiện các Chương trình MTQG. Trong đó tập trung vào các vấn đề như: Ban hành các văn bản về hướng dẫn, quy định tổ chức thực hiện một số Dự án, Tiểu dự án; xây dựng giải pháp chi tiết, cụ thể thực hiện công tác giải ngân bảo đảm theo kế hoạch đề ra; có cơ chế lồng ghép chính sách, tích hợp nguồn lực giữa các Chương trình MTQG bảo đảm hiệu quả…
Hội đồng Dân tộc đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát hệ thống văn bản chính sách, pháp luật để kịp thời sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến đồng bào DTTS và miền núi. Trên cơ sở đó đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ các văn bản không còn phù hợp để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả chính sách, pháp luật về lĩnh vực dân tộc.
Cùng với đó, Hội đồng Dân tộc đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành chức năng khẩn trương chuẩn bị các nội dung theo yêu cầu của Kết luận Số 116/TB/TTKQH ngày 20/8/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân định miền núi, vùng cao, bảo đảm chất lượng, tiến độ thời gian trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào phiên họp tháng 9/2023.
Quang cảnh phiên họp
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh đánh giá cao những ý kiến, phát biểu của các đại biểu về báo cáo tình hình thực hiện Chính sách dân tộc giai đoạn 2021 - 2022; đồng thời cho rằng các ý kiến đã chỉ ra những vấn đề cần hoàn thiện, những vấn đề mà cử tri cả nước quan tâm, phù hợp với mong muốn của UBDT.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh khẳng định, UBDT sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến, kiến nghị của các đại biểu tại phiên họp để hoàn thiện Báo cáo của Chính phủ.
Kết luận phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm đánh giá cao sự nỗ lực, trách nhiệm của Chính phủ, UBDT trong việc xây dựng báo cáo. Các nội dung trong báo cáo đã đánh giá rõ kết quả, thực trạng, khó khăn trong việc thực chính sách dân tộc thời gian qua.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm đề nghị, trên cơ sở báo cáo thẩm tra của Thường trực Hội đồng Dân tộc, ý kiến của các đại biểu tại phiên họp, UBDT khẩn trương có Báo cáo bổ sung của Chính phủ gửi các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội khóa XV. Rà soát lại các số liệu trong Báo cáo, nhất là số liệu giải ngân Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi của Kho bạc Nhà nước với Báo cáo của các địa phương.
Đồng thời, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội cũng đề nghị UBDT bổ sung đánh giá tác động của Quyết định 861 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 612 của UBDT. Phản ánh rõ trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành làm công tác dân tộc…
(baodantoc.vn)