Hội thảo khoa học hoàn thiện hồ sơ đề xuất xây dựng Luật Hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi

07:13 AM 11/03/2017 |   Lượt xem: 8094 |   In bài viết | 

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình về việc giao cho UBDT chủ trì, phối hợp cùng các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục tổ chức nghiên cứu toàn diện, làm rõ về sự cần thiết, mục đích, quan điểm xây dựng, đối tượng, phạm vi điều chỉnh, nội dung và các vấn đề khác có liên quan đến Luật Hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Trong thời gian qua, Ban cán sự Đảng và Lãnh đạo UBDT đã tập trung chỉ đạo nghiên cứu một số cơ sở lý luận thực tiễn xây dựng Luật Hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi, khẩn trương chuẩn bị hồ sơ trình Chính phủ xem xét, trình Quốc hội để đưa Dự án Luật Hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi vào chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2018.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Lê Sơn Hải phát biểu tại Hội thảo

Tại Hội thảo, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Lê Sơn Hải đã tóm tắt những nội dung cơ bản của đề cương, sự cần thiết ban hành, những vấn đề xin ý kiến đối với dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

 Ý kiến của các đại biểu tại hội thảo bày tỏ sự băn khoăn về tên gọi của Luật và đề nghị cần có nghiên cứu và giải trình kỹ hơn về tên gọi của Luật. Sự cần thiết trong Tờ trình cần bám sát vào Hiến pháp năm 2013.

Về nội dung đề cương dự án Luật, có ý kiến cho rằng, nếu bố trí chính sách dân tộc theo dự thảo Luật thì sẽ không bố trí được nguồn lực, vì vậy dự án Luật cần phải đưa ra được Khung chung cho việc xây dựng chính sách vùng DTTS. Về nội dung này, các đại biểu dẫn chứng: Việc xây dựng cơ sở hạ tầng thời gian vừa qua còn nhỏ lẻ, nhất là xây dựng đường giao thông, cần xây dựng trục giao thông liên kết vùng; việc đào tạo cán bộ DTTS phải gắn với sử dụng khi Luật ra đời; về sinh kế giảm nghèo, từ xưa tới nay có nhiều chính sách nhưng nhỏ lẻ phân tán, vì vậy Luật ra đời phải đảm bảo cho các Bộ, ngành, địa phương lo được sinh kế giảm nghèo, không phải ở dạng chính sách nữa mà ở dạng Luật.

Các đại biểu cũng đề nghị, dự án Luật này phải  quy định những  cơ chế chính sách để phát huy nội lực của các DTTS và cần chứng minh được việc khắc phục những hạn chế mà các Luật khác không làm được. Nội dung Luật cũng cần quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc thực thi chính sách dân tộc.

Việc xây dựng Luật cũng cần hướng tới tính đặc thù với DTTS. Dẫn chứng như: Đối với người DTTS rất ít, để đảm bảo việc duy trì và phát triển giống nòi, có thể hạ độ tuổi kết hôn xuống thấp hơn so với quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình hiện hành, đảm bảo tính đặc thù phù hợp với phong tục, tập quán.

Bên cạnh đó, các ý kiến cũng khẳng định lại mục tiêu của Hội thảo cũng như việc xây dựng Luật là cần tăng cường tính thuyết phục đưa dự luật vào chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2018.

Tổng kết  Hội thảo, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Lê Sơn Hải cho biết, tên gọi của dự Luật sẽ tiếp tục được xem xét, đề xuất thêm các phương án, chú trọng vì sự phát triển của các DTTS. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm nhấn mạnh: Luật phải được xây dựng trên nền tảng tư duy mới. UBDT sẽ sửa lại Tờ trình theo những góp ý; nội dung cần làm nổi bật tư duy mới về chính sách; thiết kế lại đề cương Luật, trong đó nói rõ quan điểm về chính sách, đánh giá chính sách mới như thế nào; chính sách phải hài hòa, phù hợp với từng người, từng dân tộc, một số chính sách chỉ tập trung cho một nhóm người, một số dân tộc cụ thể.

Về vai trò quản lý, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm nhấn mạnh: UBDT xây dựng Luật với tư cách là cơ quan đầu mối, tranh thủ khắc phục những điểm hạn chế của Luật khác có quy định liên quan đến chính sách dân tộc. Những Luật nào đã ban hành không còn phù hợp sẽ bị bãi bỏ.

Xuân Thường