Tổng kết triển khai Đề án Bộ cơ sở dữ liệu các dân tộc thiểu số Việt Nam và sơ kết 03 năm triển khai phần mềm quản lý văn bản và điều hành

08:05 AM 16/09/2016 |   Lượt xem: 3412 |   In bài viết | 

Toàn cảnh Hội nghị.

Dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các Vụ, đơn vị là thành viên Ban Chỉ đạo Ứng dụng CNTT cơ quan UBDT; các thành viên Tổ Thư ký giúp việc Ban Chỉ đạo; Vụ Địa phương II, Vụ Địa phương III và Văn phòng đại diện tại Tp.Hồ Chí Minh tham dự qua hệ thống họp trực tuyến.

Trình bày dự thảo Báo cáo tổng kết triển khai Đề án Xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về các dân tộc thiểu số Việt Nam, TS.Nguyễn Ngọc Hà, Giám đốc TTTT, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo cho biết: Trong những năm qua, việc thực hiện Đề án Xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về các DTTS Việt Nam 2011-2015 đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Ban Chỉ đạo đã phối hợp với Tổng cục Thống kê phân tích và xử lý số liệu từ số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, chuẩn hóa dữ liệu theo từng địa bàn và dân tộc; xây dựng Module quản lý văn bản, chính sách trên Cổng Thông tin điện tử UBDT. Hiện đã có hơn 4.000 văn bản của UBDT được số hóa đưa lên Cổng Thông tin điện tử Ủy ban, phục vụ tra cứu và khai thác dữ liệu về chính sách dân tộc; cập nhật số liệu dân tộc từ Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 vào phần mềm, số liệu được hiển thị trên Bản đồ mức tỉnh, thành phố; cung cấp văn bản, chính sách về dân tộc trên Cổng Thông tin điện tử; xây dựng phần mềm quản lý hệ thống thông tin trên thiết bị di động để phục vụ Lãnh đạo trong quản lý và thực hiện công tác dân tộc…

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Phan Văn Hùng phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Đề án Xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về các DTTS Việt Nam 2011-2015 của UBDT còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế: Mặc dù Đề án đã được phê duyệt từ năm 2010 nhưng kinh phí đầu tư hạn hẹp, không liên tục và tập trung nên vẫn chưa hình thành một hệ thống cơ sở dữ liệu của ngành; hệ thống thông tin của UBDT nhìn chung chưa đầy đủ về nội dung, thiếu những thông tin hữu ích, thông tin cần thiết phục vụ cho công tác quản lý và xây dựng chính sách; chưa có các quy định, hướng dẫn và quy chế cụ thể về việc cung cấp số liệu về công tác dân tộc; việc tổng hợp dữ liệu báo cáo, gửi và nhận báo cáo phần lớn được thực hiện thủ công nên mất nhiều thời gian; thông tin báo cáo thường không đầy đủ, thiếu chính xác hoặc có đơn vị báo cáo không đúng thời gian quy định nên việc tổng hợp thông tin gặp nhiều khó khăn…

Phát huy hiệu quả của Đề án Xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về các dân tộc thiểu số Việt Nam 2011-2015, giai đoạn 2016-2020, UBDT định hướng tập trung thực hiện các nội dung trọng tâm như: Đầu tư mới hạ tầng công nghệ thông tin theo hướng hiện đại phục vụ công tác dân tộc; thu thập, xử lý, phân tích thông tin của các cơ sở dữ liệu thành phần từ các nguồn thông tin có liên quan; xây dựng giải pháp kỹ thuật phần cứng, phần mềm, môi trường pháp lý đảm bảo người sử dụng cập nhật dữ liệu thường xuyên, khai thác thông tin một cách thuận tiện; lưu trữ, quản lý toàn bộ cơ sở dữ liệu theo mô hình thống nhất để có thể tích hợp và trao đổi thông tin với các cơ sở dữ liệu có liên quan một cách thuận tiện và dễ dàng; triển khai đào tạo, tập huấn cho cán bộ trong hệ thống cơ quan công tác dân tộc cập nhật, sử dụng và khai thác hiệu quả.

Cũng tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe thành viên của Tổ thư ký giúp việc Ban Chỉ đạo trình bày dự thảo Báo cáo sơ kết 3 năm triển khai hệ thống quản lý văn bản và điều hành tác nghiêp (2013-2016 ) và báo cáo kết quả triển khai xây dựng hệ thống thông tin hỗ trợ lãnh đạo trên Ipad.

Báo cáo sơ kết 3 năm triển khai hệ thống quản lý văn bản và điều hành cho thấy, trong những năm qua, việc triển khai ứng dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành đã phục vụ hiệu quả việc xử lý văn bản đi, đến trên môi trường mạng. Từ khi đưa vào ứng dụng chính thức từ năm 2014, đã có trên 90% tổng số các văn bản đi, đến được số hóa và gửi đi các Vụ, đơn vị, cá nhân liên quan tham gia xử lý; tháng 01/2016, TTTT đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ kết nối, liên thông với trục liên thông Chính phủ, đảm bảo sau khi kết nối hệ thống sẽ được gửi/nhận văn bản điện tử từ các Bộ, ban ngành và địa phương trên hệ thống này. Ngoài ra, TTTT đã cài đặt, kết nối phần mềm quản lý văn bản đến một số Ban Dân tộc của các tỉnh, thành phố, đảm bảo Ban Dân tộc có thể truy cập để tiếp nhận các văn bản chỉ đạo, điều hành của UBDT.

TTTT cũng định hướng một số nội dung nhằm triển khai, ứng dụng hiệu quả phần mềm quản lý văn bản trong thời gian tới như: Xây dựng quy chế vận hành, khai thác và sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành; xây dựng giải pháp hạ tầng mạng ổn định; nghiên cứu phương án đưa hệ điều hành tác nghiệp ra ngoài internet để khai thác (thay vì chỉ khai thác trong mạng nội bộ như hiện nay), đáp ứng truy cập, xử lý văn bản mọi nơi, mọi lúc; phối hợp với các đơn vị ngoài Ủy ban xây dựng giải pháp kết nối mạng đến trụ sở Ủy ban; xây dựng các phương án dự phòng, thiết bị lưu trữ, máy chủ đảm bảo hệ thống an toàn thông tin khi xảy ra sự cố; tiếp tục hoàn thiện phần mềm phù hợp với quy trình nghiệp vụ…; triển khai chữ ký số, từng bước thay chữ ký truyền thống để đảm bảo tin học hóa toàn bộ quy trình xử lý văn bản; nâng cấp đồng bộ hệ thống hạ tầng mạng, máy chủ phục vụ phần mềm quản lý văn bản điều hành đảm bảo kết nối, liên thông đến các đơn vị sự nghiệp và cơ quan làm công tác dân tộc trong giai đoạn tiếp theo.

Tại Hội nghị, đại diện TTTT cũng đã giới thiệu một số kết quả ban đầu của việc triển khai cập nhật dữ liệu về công tác dân tộc và vùng đồng bào DTTS trên Ipad phục vụ Lãnh đạo UBDT. Phần mềm sẽ tiếp tục được cập nhật, hoàn thiện trong thời gian tới để có thể sớm đưa vào khai thác, sử dụng.

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Phan Văn Hùng đề nghị TTTT, đơn vị thường trực Ban Chỉ đạo tiếp thu ý kiến đại biểu, bổ sung, chỉnh sửa, hoàn thiện các báo cáo, trong đó cần nhấn mạnh tới những kết quả đã đạt được để tiếp tục phát huy, đưa ra những biện pháp giải quyết các khó khăn, hạn chế nhằm tạo sự chuyển biến tốt trong ứng dụng CNTT và cải thiện vị trí xếp hạng ứng dụng CNTT của UBDT.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm yêu cầu, trong thời gian tới cần xây dựng quy chế sử dụng, quy chế phối hợp, thực hiện hệ thống quản lý văn bản điều hành tác nghiệp và hệ thống thông tin phục vụ Lãnh đạo Ủy ban và các Vụ, đơn vị; có quy chế phối hợp với các đơn vị ngoài UBDT; TTTT cần có các giải pháp hỗ trợ hướng dẫn các Vụ, đơn vị về hạ tầng, con người, trang thiết bị trong việc khai thác các ứng dụng CNTT; tăng cường phối hợp với các Vụ, đơn vị trong việc chia sẻ thông tin và ứng dụng CNTT trong triển khai nhiệm vụ chuyên môn.

Huyền Trang - Tiến Đạt