Lễ cưới truyền thống của người Dao đỏ vùng cao Yên Bái
08:29 AM 06/06/2017 | Lượt xem: 3312 In bài viết |Mặc dù đời sống kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, nhưng đồng bào dân tộc Dao đỏ tại xã Tân Phượng, huyện Lục Yên (Yên Bái) vẫn lưu giữ được những nét văn hóa đặc sắc, nhất là lễ cưới truyền thống được duy trì theo đúng bản sắc từ xưa để lại.
Đó cũng là cách mà người Dao đỏ nơi đây thể hiện tình đoàn kết, tương thân, tương ái vượt qua khó khăn, thách thức để chung tay xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.
May mắn khi được tham dự đám cưới của người Dao đỏ ở thôn Khe Pháo 1, xã Tân Phượng, chúng tôi không chỉ chứng kiến những nét độc đáo trong lễ cưới truyền thống của họ mà còn hiểu thêm về những giá trị văn hóa dân tộc mà người Dao đỏ vẫn giữ gìn, bảo tồn. Ngay từ 3 giờ sáng, gia đình ông Triệu Đức Thắng đã tất bật chuẩn bị cho lễ cưới của con trai là Triệu Tiến Lộc.
Những tấm vải đỏ được treo ngay phía trên cửa chính của ngôi nhà với mong muốn trừ tà ma, bảo vệ đám cưới được diễn ra may mắn, an toàn, suôn sẻ. Từ sáng sớm, gia đình nhà trai đã làm hai mâm cơm cúng tổ tiên, thổ địa, thần làng. Một điều không thể thiếu trong mỗi đám cưới của người dân tộc Dao đỏ là những câu đối chúc phúc, được họ hàng, người thân của nhà trai chuẩn bị với nội dung cầu mong cho cô dâu, chủ rể được hạnh phúc, sum vầy.
Đám cưới của người Dao đỏ chủ yếu diễn ra ở nhà trai. Nhà gái chỉ tổ chức một bữa cỗ mời họ hàng, bà con làng xóm để tiễn cô dâu về nhà chồng. Điều đặc biệt trong đám cưới người Dao đỏ, nhà trai và chú rể không phải sang đón mà cô dâu cùng đoàn nhà gái sẽ tự về nhà chồng. Trước khi về nhà chồng, cô dâu được làm phép với mong muốn sẽ gặp may mắn, hạnh phúc. Trên đường đi đến nhà trai, cô dâu phải che mặt, bởi người Dao đỏ quan niệm không để mặt trời soi mặt cô dâu vì sợ mất vía, cô dâu sẽ không gặp may trong đời sống sau này.
Cô dâu Bàn Thị Vị, thôn Khe Pháo 1, xã Tân Phượng, huyện Lục Yên, chia sẻ: “Ngày hôm nay, em vừa thấy vui và cũng cảm thấy buồn. Vui vì em được sang nhà chồng, ở cùng với người mình yêu thương, còn buồn là vì em phải xa bố mẹ và gia đình… Là một phụ nữ Dao đỏ, em rất tự hào vì đám cưới được tổ chức theo đúng phong tục truyền thống của dân tộc mình”
Là người cùng đoàn đưa cô dâu về nhà chồng, bạn Triệu Hồng Nhất, thôn Khe Pháo 1, xã Tân Phượng, huyện Lục Yên, cho biết: “Là con em của người Dao đỏ, em cảm thấy rất tự hào về phong tục tập quán của dân tộc mình. Đặc biệt, đám cưới là nghi lễ đánh dấu một bước ngoặt quan trọng đối với người con gái Dao đỏ. Nếu sau này cưới chồng, em rất mong muốn được tổ chức theo nghi lễ truyền thống. Không chỉ riêng em mà tất cả các bạn trẻ người Dao đỏ đều muốn lưu giữ những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình”.
Trong ngày trọng đại này, hầu hết phụ nữ Dao đỏ ở Tân Phượng đều diện trang phục truyền thống đến dự lễ cưới. Trang phục của họ thường có áo, váy, khăn quấn đầu, dây lưng, tất cả đều được thêu hoa văn nổi bật màu đỏ trên nền vải đen. Trong lễ cưới, cô dâu nổi bật với trang phục gồm khăn, mũ trùm kín đầu có đính nhiều tua chỉ màu sắc sặc sỡ và những đường thêu hoa văn thổ cẩm tinh xảo.
Trên trang phục của cô dâu, nhất thiết phải có bạc và nhiều màu sắc như: Màu đỏ thể hiện ánh bình minh rực rỡ, con người luôn hướng về phía mặt trời; màu xanh là của núi rừng, nơi con người sinh sống; màu trắng thể hiện sự trong trắng, thủy chung của người con gái. Mũ áo của cô dâu người Dao đỏ là một tác phẩm độc đáo của sắc màu, thể hiện sự tinh xảo trong từng đường thêu hoa văn thổ cẩm độc đáo. Đoàn nhà gái khi đến gần nhà trai sẽ nghỉ ngơi để cô dâu chỉnh trang lại trang phục truyền thống và đợi giờ đẹp mới vào nhà trai.
Khi giờ đẹp đến, đoàn nhà trai sẽ nổi kèn, đánh trống, chiêng và ra đón nhà gái. Sau đó, đội kèn dẫn đoàn về một bãi đất trống gần nhà trai để làm thủ tục kết tình duyên. Tại đây, đoàn nhà gái đứng cạnh nhau để đội kèn trống của nhà trai đi vòng tròn xung quanh và đi hình số 8 quanh nhà gái với ý nghĩa chúc đôi bạn trẻ mãi mãi hạnh phúc, chúc nghĩa tình thông gia thêm bền chặt. Trong khi làm các thủ tục đó, nhà trai mời trà, mời rượu bên nhà gái để thể hiện tấm lòng chân thành, quý trọng.
Trước khi vào nhà làm lễ bái đường, cô dâu phải ngồi trước cửa gian chính giữa ngôi nhà, mặt quay ra ngoài. Lễ bái đường là phần quan trọng nhất trong đám cưới của người Dao đỏ. Theo phong tục, chú rể sẽ đứng bên trái, cô dâu đứng bên phải, mặt hướng lên bàn thờ, cạnh đó là cụ ông, cụ bà và các bậc bề trên trong nội tộc của gia đình cô dâu, chú rể.
Nghi lễ này mang ý nghĩa cảm ơn ông bà, cha mẹ, các bậc bề trên đã có công sinh thành, nuôi dưỡng, dạy bảo; cảm ơn tổ tiên đã chở che cho con cháu khôn lớn rồi kết thành phu thê. Khi lễ bái đường được thực hiện xong, cô dâu và chú rể mới được tháo khăn, mũ ra để lộ mặt trước họ hàng hai bên và khách mời. Mỗi mâm cỗ mời nhà gái, nhà trai sẽ chọn một người ngồi cùng để lau bát đũa, kiểm tra thức ăn, rót rượu và gắp thức ăn.
Theo ông Triệu Tiến Tiên, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Tân Phượng, huyện Lục Yên: “Trước đây, người Dao đỏ thường tổ chức ăn cưới 2-3 ngày; trong lễ cưới hỏi, người Dao đỏ ở Yên Bái còn lưu giữ nhiều tập tục lạc hậu. Ngày nay, để phù hợp với nếp sống văn hóa mới, chính quyền địa phương đã vận động bà con tự lược bỏ nhiều thủ tục, nhưng vẫn giữ lại những phần quan trọng để đám cưới vừa vui, vừa ý nghĩa mà vẫn mang đậm bản sắc độc đáo của dân tộc mình”.
Đám cưới là một trong những sinh hoạt văn hóa truyền thống của người Dao đỏ ở Yên Bái, trong đó chứa đựng những giá trị về văn hóa, lịch sử và giáo dục. Việc bảo tồn những giá trị văn hóa là việc làm cần thiết góp phần làm phong phú những sinh hoạt văn hóa không chỉ riêng ở vùng cao Yên Bái, mà còn đối với cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
PV