Nói chuyện với đồng bào tỉnh Yên Bái - 25-9-1958

07:43 AM 21/12/2015 |   Lượt xem: 5889 |   In bài viết | 

Tỉnh nhà có 10 dân tộc anh em. Trước khi bọn thực dân phong kiến chia rẽ chúng ta, chia rẽ các dân tộc, xúi giục dân tộc này hiềm khích oán ghét dân tộc khác để chúng áp bức bóc lột chúng ta. Nay chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ. Ví dụ: 10 dân tộc ở tỉnh nhà như 10 ngón tay. Nếu xoè 10 ngón tay mà bẻ từng ngón, như thế có dễ bẻ không? Nếu nắm chặt cả 10 ngón tay thì có bẻ được không? Nếu kẻ nào chia rẽ thì phải làm thế nào? Thì phải đập vào đầu chúng nó. Đó là điểm thứ nhất tại sao phải đoàn kết chặt chẽ giữa các dân tộc.

Trước kia chúng ta khổ vì thực dân phong kiến bóc lột. Bây giờ chúng ta đã được thoát khỏi, chúng ta phải làm thế nào cho sướng hơn. Muốn sướng hơn phải ăn no mặc ấm. Muốn ăn no mặc ấm phải làm thế nào? Phải tăng gia sản xuất! Song có một số đồng bào năm nay làm chỗ này, năm sau làm chỗ khác. Có đúng thế không? Như thế không tốt. Ví dụ như cây bưởi năm nay trồng chỗ này sang năm trồng chỗ khác thì không tốt. Phải trồng một chỗ thì rễ mới sâu, nhánh mới tốt, quả mới tốt. Như thế đồng bào cần cố gắng phải làm ăn định canh. Điểm nữa là nên tăng vụ. Những ruộng làm một mùa cố gắng làm cả chiêm, cả mùa. Ruộng một vụ gặt được nhiều hay hai vụ gặt được nhiều? Thứ ba là về phân bón. Đồng bào biết làm phân bón hơn trước nhưng còn hơn một nửa số ruộng cấy chay. Ruộng không có phân như người không có cơm. Người không có cơm có lớn được không? Lúa không có phân có tốt không? Nên phải cố gắng bỏ nhiều phân. Phân càng nhiều thì thóc càng nhiều. Muốn nhiều thóc phải bỏ nhiều phân.

- Có một số đồng bào còn giấu diện tích, làm 1 mẫu rưỡi nói 1 mẫu, vì chưa hiểu, sợ nói thật Chính phủ đánh thuế. Có như thế không? Chính phủ là Chính phủ của dân, lấy thuế để làm lợi ích cho dân như mở trường học, làm nhà thương, chứ không phải bỏ túi Bác Hồ, bỏ túi Chính phủ.

Ví dụ như phân hoá học ta chưa sản xuất được nhiều, còn phải mua của nước bạn, nếu ta làm 100 mẫu mà nói 50 mẫu thì việc đặt mua của Chính phủ sẽ thiếu. Như thế thì ai thiệt? Đồng bào thiệt, Chính phủ thiệt, nhân dân thiệt.

Ta nói: nhân dân làm chủ, mà ông chủ, bà chủ lại tự dối ông chủ, bà chủ thì có đúng không? Vì thế không nên sợ tăng vụ, sợ đóng thêm thuế, giấu diện tích mà phải nói thật thì hơn.

- Đất của ta không thiếu, nhưng một số đồng bào dân tộc ít người còn phải làm rẫy, làm nương. Đã gọi là đoàn kết thì phải giúp đỡ nhau như anh em trong nhà. Dân tộc nhiều người phải giúp đỡ dân tộc ít người, dân tộc ít người cần cố gắng làm ruộng. Hai bên phải giúp đỡ lẫn nhau. Dân tộc đông người không phải giúp qua loa, cũng như dân tộc ít người không nên ngồi chờ giúp. Một bên ra sức giúp, một bên ra sức làm. Giúp nhau thì việc gì cũng nhất định làm được.

Muốn tăng gia sản xuất tốt phải có tổ chức, phải có tổ đổi công. Có người hiểu, có người chưa hiểu vì sao phải có tổ đổi công. Có người còn sợ vào tổ đổi công. Một ngón tay có đỡ nổi cái ống phóng thanh? Năm ngón tay cũng chưa chắc, phải cả 10 ngón tay mới nổi. Ở nông thôn làm ăn riêng lẻ 1 - 2 nhà thì không tốt, làm ít kết quả, 5-10 nhà cùng làm thì nhanh hơn, tốt hơn. Cho nên phải vào tổ đổi công. Thế nào là tổ đổi công? Không phải đánh trống, đếm đầu người 1, 2, 3 rồi báo cáo lên huyện, lên tỉnh. Tổ đổi công phải thật sự giúp đỡ nhau, chứ không phải chỉ khai trên giấy. Không phải là cầm tay dắt cổ bảo "anh phải vào tổ đổi công" mà phải làm cho đồng bào tự nguyện tự giác.

Vấn đề thứ ba là phải tiết kiệm. Vì sao phải tiết kiệm? Ví dụ mỗi gia đình trước kia thu được 1 tấn. Bây giờ nhờ có phân bón nên được 2 tấn. Thế là có tăng gia. Tăng gia nhiều đấy. Nhưng làm được bao nhiêu lại chén hết, như thế kết quả cũng như không. Đồng bào ta đây có nhiều điểm tốt, nhưng cũng còn có khuyết điểm cần phải sửa chữa dần dần. Hỏi có tiết kiệm không? Cũng có tiết kiệm nhưng lúc đám cưới, mời họ nội, họ ngoại chè chén linh đình, 2 bữa say sưa bằng thích. Nhưng sau đấy nhà trai, nhà gái phải bán trâu, bò, thóc, bán ruộng, đi vay nợ. Như thế là không tốt. Mà đã không tốt là xấu. Đã xấu thì phải sửa. Đám cưới như thế, đám ma cũng thế. Thường thì chôn cất cũng đủ, nhưng cũng cứ phải chén. Thế rồi cũng bán thóc, bán trâu, bán ruộng.

Bây giờ ví dụ ai cũng tiết kiệm từ trên xuống dưới, từ thành thị đến nông thôn đều tiết kiệm, mỗi người mỗi ngày bớt một dúm gạo thôi, mỗi tháng mỗi người dành được nửa kilô. Trong kháng chiến chúng ta đã làm được. Làm như thế trong tỉnh nhà, mỗi năm tiết kiệm được 750 tấn gạo. Với 750 tấn gạo đồng bào làm được bao nhiêu việc to tát. Trước kia, ta phải đưa gạo ở dưới xuôi lên. Đồng chí Chủ tịch có cho biết là vừa rồi cũng phải đưa lên 300 tấn. Nếu tiết kiệm được như trên thì không phải đưa gạo ở dưới xuôi lên. Làm như thế có khó không? Không khó. Có dễ không? Không dễ. Mà phải có tổ chức.

 

Nói ngày 25-9-1958

(Hồ Chí Minh toàn tập, t.9, tr. 226 - 228)