Phổ biến pháp luật cho cán bộ công chức, viên chức và người lao động cơ quan Ủy ban Dân tộc

11:03 PM 29/09/2017 |   Lượt xem: 5849 |   In bài viết | 

Các đại biểu dự Hội nghị

Hội nghị đã được nghe TS. Trần Văn Dũng phổ biến những điểm mới của một số dự án Luật được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 3 ngày 20/6/2017 như: Luật số 12/2017/QH 14 ngày 20/6/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự; Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi); Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) và phổ biến, quán triệt quy chế làm việc của Ủy ban Dân tộc.

TS. Trần Văn Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp Luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp giới thiệu nội dung các dự án Luật tại Hội nghị

Luật số 12/2017/QH 14 sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số quy định của Bộ luật Hình sự 2015 liên quan đến: Nguyên tắc xử lý đối với người phạm tội tự thú, đầu thú, thành khẩn khai báo, tố giác đồng phạm, lập công chuộc tội, ăn năn, hối cải; phân loại tội phạm do pháp nhân thương mại thực hiện; không tố giác tội phạm; không áp dụng thời hiệu thi hành bản án đối với các tội quy định tại Chương XIII (Các tội xâm phạm an ninh quốc gia), Chương XXVI (Các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh), khoản 3 và khoản 4 Điều 353 (Tội tham ô tài sản), khoản 3 và khoản 4 Điều 354 (Tội nhận hối lộ).

Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) gồm 10 chương, 134 điều, quy định về: Quản lý nhà nước đối với tài sản công; Chế độ quản lý, sử dụng tài sản công; quyền và nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong việc quản lý, sử dụng tài sản công. Đối với tài sản công là tiền thuộc ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, dự trữ ngoại hối nhà nước được quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật có liên quan.

Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) gồm 9 chương 78 điều, quy định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án; thiệt hại được bồi thường; quyền, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại; cơ quan giải quyết bồi thường; thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường; phục hồi danh dự; kinh phí bồi thường; trách nhiệm hoàn trả; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong công tác bồi thường nhà nước.

Trong chương trình làm việc, các đại biểu tham dự Hội nghị được nghe đồng chí Bùi Văn Lịch, Chánh Văn phòng Ủy ban thừa lệnh Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc quán triệt Quy chế làm việc của Ủy ban Dân tộc (ban hành theo Quyết định số 559/QĐ-UBDT ngày 25/9/2017).

Thông qua Hội nghị phổ biến pháp luật, cán bộ công chức, viên chức, người lao động của Ủy ban Dân tộc đã cập nhật thêm các điểm mới từ một số văn bản luật, qua đó nâng cao nhận thức, áp dụng vào hoạt động chuyên môn và đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho đồng bào DTTS và miền núi.

Kim Thu