Tiếng loa phòng dịch trên biên giới
03:13 PM 14/05/2020 | Lượt xem: 1865 In bài viết |Trong những ngày này, người dân các xã biên giới ở huyện Đức Cơ (Gia Lai) đã quen thuộc với hình ảnh cán bộ Đồn Biên phòng Ia Nan chở theo phía sau xe máy một chiếc loa phát liên tục các nội dung tuyên truyền liên quan công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở khắp các đường làng, ngõ xóm.
Ông Rơ Châm Tưng, Bí thư Đảng ủy xã Ia Nan: Cùng với hình thức tuyên truyền “đi từng ngõ, gõ từng nhà” thì “Tiếng loa Biên phòng” được tuyên truyền bằng hai thứ tiếng Kinh và J’rai cho nên rất thiết thực, bổ ích. Thông qua mô hình, người dân các làng đồng bào dân tộc thiểu số đã nghe, hiểu về mức độ nguy hiểm của dịch Covid-19 và chấp hành nghiêm các quy định.
Nói về mô hình “Tiếng loa Biên phòng”, Đại úy Phan Trung Tình, Chính trị viên, Phó Đồn trưởng Biên phòng Ia Nan cho biết: “Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc tuyên truyền tập trung đông người không còn phù hợp, tuyên truyền nhỏ lẻ lại không phát huy hiệu quả. Do đó, Đảng ủy, Ban Chỉ huy Đồn xác định phải đổi mới công tác tuyên truyền, vận động. Việc sử dụng loa gắn trên xe máy giúp chúng tôi có thể đi đến được tất cả những nơi có người dân sinh sống để truyền đạt những thông tin cơ bản nhất về dịch và việc phòng, chống bệnh”. Đồng chí Tình cho biết, mỗi ngày, đơn vị tuyên truyền khoảng hai giờ (sáng từ 5 giờ 45 phút đến khoảng 6 giờ 45 phút; chiều từ 17 giờ 15 phút đến 18 giờ 15 phút) ở bốn thôn, làng và hôm sau lại tiếp tục ở các thôn, làng còn lại. Ở những khu vực tập trung đông người, cán bộ phụ trách sẽ chạy xe chậm và phát nhiều lần các nội dung tuyên truyền để người dân nghe, hiểu và tự giác chấp hành.
“Tùy tình hình thực tế, đơn vị sẽ xây dựng nội dung tuyên truyền phù hợp. Riêng trong giai đoạn thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, đơn vị tập trung tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch Covid-19, nhắc nhở người dân không ra đường khi không thật cần thiết, không tụ tập đông người và giữ khoảng cách tối thiểu 2 m; vận động người dân khai báo y tế đầy đủ và nếu có người thân từ nơi khác về thì báo chính quyền địa phương”, Đại úy Tình thông tin thêm.
Mặc dù mới triển khai, song “Tiếng loa Biên phòng” của Đồn Biên phòng Ia Nan đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao của người dân và cấp ủy, chính quyền địa phương. Ông Phạm Văn Xuân, chủ quầy hàng tại chợ xã Ia Nan cho biết: “Tôi thấy mô hình này rất thiết thực. Bà con buôn bán trong chợ hằng ngày đều nghe thông tin phát ra từ chiếc loa và ai cũng nghiêm chỉnh chấp hành, nhất là việc đeo khẩu trang để phòng ngừa dịch bệnh, buôn bán nhưng không tụ tập đông người và phải dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ”.
(baonhandan.com.vn, 8/5)