Tuyên truyền chống dịch Covid-19 ở vùng dân tộc thiểu số miền núi cần dễ hiểu, dễ áp dụng

02:55 PM 24/04/2020 |   Lượt xem: 6777 |   In bài viết | 

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh

Là thành viên của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) gây ra, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Hoàng Thị Hạnh cho biết:

Với tình thế “chống dịch như chống giặc”, ngay từ đầu, Ban Cán sự Đảng và Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT đã vào cuộc quyết liệt trong việc chỉ đạo các đơn vị trực thuộc nắm bắt liên tục tình hình diễn biến của dịch bệnh để có những chỉ đạo kịp thời, xuyên suốt. Cụ thể, trong hơn 2 tháng qua, bằng nhiều văn bản, UBDT đã hướng dẫn, chỉ đạo Ban Dân tộc tham mưu với UBND các tỉnh vùng đồng bào DTTS&MN thực hiện nghiêm túc các văn bản, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế về công tác phòng chống dịch bệnh.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Ủy ban đề nghị các địa phương vùng DTTS&MN chỉ đạo tăng cường thông tin, tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch bệnh đến đồng bào vùng DTTS&MN; rà soát, cập nhật báo cáo tình hình về số người DTTS dương tính với Covid-19, số người đang cách ly người tại nhà, cách ly tại các cơ sở y tế, các trung tâm, số lượng người DTTS đến từ vùng dịch hoặc tiếp xúc với người đến từ vùng dịch hiện đang sinh sống tại địa phương cần giám sát y tế, số lượng người DTTS đi lao động qua biên giới với các nước láng giềng trở về địa phương...

Đồng bào vùng cao Yên Bái may khẩu trang chống Covid-19

Phóng viên: Thưa bà, trong các công tác đó, đâu là trọng tâm của công tác phòng chống dịch đối với đồng bào ở vùng DTTS&MN?

Thứ trưởng Hoàng Thị Hạnh: Lãnh đạo UBDT đều xác định, trọng tâm của công tác này đối với đồng bào vùng DTTS&MN đó là công tác tuyên truyền. Xác định công tác phòng chống dịch Covid-19 sẽ cấp bách và còn nhiều thách thức, nhất là trong việc tiếp cận với những thông tin, UBDT đã đang và sẽ luôn xác định công tác tuyên truyền, vận động là nhiệm vụ quan trọng góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước của đồng bào vùng DTTS&MN.

Cụ thể, trước tình hình đại dịch Covid-19, UBDT đã kịp thời chỉ đạo, định hướng 19 cơ quan báo, tạp chí thực hiện Quyết định số 45/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Báo Dân tộc và Phát triển, Tạp chí Dân tộc, Cổng thông tin điện tử UBDT; đề nghị Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam tăng thời lượng tin bài về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong đồng bào DTTS&MN...

Phóng viênĐối với vùng DTTS&MN, rõ ràng làm sao để tuyên truyền cho đồng bào hiểu và có những việc làm thiết thực, hiệu quả trong phòng chống dịch Covid-19 là điều không dễ dàng nhất là vào đầu năm, trong mùa lễ hội thưa bà?

Thứ trưởng Hoàng Thị Hạnh: Đúng vậy. Như chúng ta đã biết, ở khắp các vùng trên cả nước, mùa Xuân là mùa lễ hội. Đặc biệt với đồng bào DTTS&MN thì lễ hội trong mùa Xuân là nét văn hóa được in đậm trong tiềm thức của họ. Vì vậy, việc làm sao để có thể tuyên truyền vận động việc tổ chức các lễ hội như thế nào cho phù hợp với công tác phòng chống dịch Covid-19 là điều luôn đặt ra với Cấp ủy chính quyền các cấp ở cơ sở.

Đồng bào hướng dẫn nhau đeo khẩu trang chống dịch

Với vùng Tây Nam bộ, vào tháng 3, tháng 4 dương lịch có Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer; Ở miền Trung có tết Ramưwan của người Chăm Bàni ở Tây duyên hải miền Trung; Còn ở miền Bắc có Lễ hội Hoa Ban, lễ hội Khau Vai... sắp diễn ra. Trong các dịp lễ hội này, đồng bào thường tụ tập đông người, làm lễ ở Đền, Chùa... và thậm chí đi qua các tỉnh, qua biên giới thăm hỏi người thân. Vậy để lễ hội diễn ra phù hợp với tình hình hiện nay là điều không dễ.

UBDT đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo Quốc gia đồng thời trao đổi, hướng dẫn Ban Dân tộc các địa phương tham mưu cho UBND các tỉnh, tùy điều kiện tình hình để có sự thăm hỏi kịp thời, động viên cả vật chất lẫn tinh thần thuyết phục đồng bào chung tay cùng cả nước chống dịch Covid-19. Từ sự phối hợp này, đến nay, 100% các tỉnh vùng DTTS&MN đều có Chỉ thị hoặc công văn chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc vận động phòng chống Covid-19. Từ đó, qua nắm bắt tình hình, đến ngày 5/4, hầu hết các Chùa, Đền ở khu vực có lễ hội đều đóng cửa, không diễn ra việc tụ tập đông người như mọi năm.

Phóng viênVậy trong công tác vận động đó, bà đặc biệt ấn tượng với các hình thức tuyên truyền nào nhất là ở cơ sở?

Thứ trưởng Hoàng Thị Hạnh: Trước hết, có thể nói, thực hiện nghiêm Chỉ thị 16/CT-TTg, qua báo cáo của Ban Dân tộc các tỉnh và nắm bắt thực tế tình hình, có thể nói ở 100% các tỉnh, đồng bào đã dừng gần như triệt để các nghi lễ, tôn giáo có tụ tập đông người.

Đồng bào đã đồng lòng cùng Cấp ủy, chính quyền các cấp bằng các hành động cụ thể như: không đi chúc tết lẫn nhau, tổ chức Tết truyền thống tại gia đình... trên tinh thần lành mạnh, an toàn và tiết kiệm.

Ví dụ tại Bạc Liêu, lãnh đạo UBND tỉnh đã làm việc với các sư sãi Trụ trì chùa Khmer trên địa bàn về tết Chôl Chnăm Thmây bằng cách tỉnh không tổ chức đoàn đi thăm hỏi, gửi thư, quà đến các Chùa động viên. Tại Kiên Giang, nơi giáp nước bạn Camphuchia, Chính quyền phối hợp với Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước của tỉnh hướng dẫn tổ chức các hoạt động tết Chôl Chnăm Thmây không phân công người đi dự Lễ ở nước ngoài và ngược lại cũng không nhận người nước ngoài về nước hành lễ.

Công văn tuyên truyền chống Covid-19 của Ban Tuyên giáo Huyện ủy Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái

Còn tại Yên Bái, tôi thực sự ấn tượng với các tuyên truyền của Ban Tuyên giáo huyện Mù Cang Chải. Ban Tuyên giáo huyện Mù Cang Chải đã tóm lược những chỉ đạo của Chính phủ, hướng dẫn quả Bộ Y tế thành 6 nội dung thật ngắn gọn, dễ hiều, dễ nhớ, dễ áp dụng để tuyên truyền trong nhân dân: “3 tin”, “4 dừng”, “5 bắt buộc”, “6 ở”, “9 nên” và “10 không” (như trong ảnh trên). Tôi cho rằng đó là phương pháp tuyên truyền sẽ mang lại hiệu quả cao. Cầm những “tờ rơi” tuyên truyền này, đồng bào có thể trao đổi học hỏi lẫn nhau tạo thành cộng vận động sôi nổi không nhàm chán...

Phóng viên“Cuộc chiến” chống Covid-19 chắc chắn sẽ nhiều khó khăn, để công tác này đạt hiệu quả hơn nhất là với đồng bào DTTS&MN, theo bà sắp tới các bộ, ngành, địa phương cần có thêm những giải pháp gì?

Thứ trưởng Hoàng Thị Hạnh: Để công tác này đạt hiệu quả hơn trong thời gian tới, tôi cho rằng: Bộ Thông tin và Truyền thông cần phối hợp với Bộ Giáo dục & Đào tạo tiếp tục có những hỗ trợ thiết thực để đưa tiến bộ về công nghệ thông tin trong việc dạy và học trực tuyến cho thầy và trò vùng đồng bào DTTS&MN đặc biệt là ở các khu vực biên giới.

Với ngành Y tế, tôi cho rằng Bộ Y tế cần phối hợp với UBDT tiếp tục nghiên cứu triển khai công tác về Y tế dự phòng ở vùng DTTS&MN gắn với hệ thống Y tế xã, nhất là Y tế thôn bản. Vấn đề này không chỉ cần trong việc phòng, chống dịch Covid-19 mà còn có ý nghĩa thiết thực trong công tác Y tế dự phòng toàn diện ở vùng cao, vùng khó khăn, biên giới.

Còn với UBND các tỉnh, theo tôi, cần tiếp tục rà soát, thống kê số người DTTS đi lao động làm thuê qua biên giới trở về nhất là những nhân khẩu thuộc các hộ nghèo để tham mưu Chính phủ cơ sự hỗ trợ kịp thời về đời sống vật chất tinh thần mang tính đặc thù cho đồng bào ngoài các hỗ trợ chung hiện nay đang có; Đồng thời UBND các tỉnh cũng cần có kế hoạch chuyển đổi, hướng dẫn bà con lao động sản xuất để ổn định đời sống lâu dài, bền vững.

Phóng viênTrân trọng cám ơn bà!

(baotainguyenmoitruong.vn)

Từ tác động của dịch Covid-19 đối với ngành Giáo dục: Thêm một góc nhìn về đầu tư cho giáo dục vùng DTTS

02:54 PM 28/04/2020 |   Lượt xem: 31811 |   In bài viết | 

Do dịch bệnh, để học trực tuyến, học sinh miền núi gặp rất nhiều khó khăn. (Trong ảnh: Em Lường Thị Thắm, dân dộc Thái, ở bản Nát, xã Quài Cang, huyện Tuần Giáo (Điện Biên) phải leo lên mỏm đá cao để bắt sóng 3G học trực tuyến).

Thiệt hại trước mắt

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc học trực tuyến là giải pháp bắt buộc khi học sinh không thể đến trường. Chưa bàn đến chất lượng mà chỉ xét trên phương diện kinh tế, việc học trực tuyến đã làm tăng chi phí giáo dục lên rất nhiều.

Học sinh học trực tuyến cần có đủ các thiết bị như máy tính, loa, tai nghe có micro, máy in - một bộ như vậy rẻ nhất cũng xấp xỉ 10 triệu đồng. Với những gia đình có hai con nếu học cùng buổi thì đồng nghĩa với việc phải có hai bộ thiết bị để học như vậy.

Vì thế, đại đa số gia đình điều kiện kinh tế eo hẹp, lựa chọn khả thi nhất là mua cho con chiếc điện thoại thông minh giá rẻ. Nhưng dù rẻ thì mỗi chiếc điện thoại có đủ chức năng để học trực tuyến ít nhất cũng vài triệu đồng.

Ở góc độ toàn ngành, việc chuyển sang giảng dạy trực tuyến khiến chi phí giáo dục tăng lên cấp số nhân. Chỉ tính từ đầu học kỳ 2 của năm học 2020 - 2021, toàn bộ chương trình đào tạo của ngành đã bị xáo trộn, gây phát sinh thêm nhiều chi phí để xây dựng, thiết kế lại chương trình. Đó là chưa kể còn các chi phí cho công tác tiêu độc, khử trùng, phòng, chống dịch bệnh trong nhiều tháng qua và các chi phí khác chưa thống kê hết được.

Tác động lâu dài

Trong khi chi phí GD&ĐT tăng lên thì dịch vụ giáo dục (DVGD) lại suy giảm mạnh. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, DVGD có mức suy giảm kinh tế lớn nhất so với tất cả lĩnh vực.

Báo cáo đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến nền kinh tế và các khuyến nghị chính sách của Trường Đại học Kinh tế quốc dân vừa được công bố cho thấy, mức suy giảm DVGD tương ứng với diễn biến dịch bệnh. Theo đó, nếu hết dịch trong tháng 4/2020, DVGD sẽ suy giảm 35% với chuyển đổi học qua mạng. Nếu dịch kéo dài đến hết tháng 6, mức suy giảm có thể lên tới 60% và phải cơ cấu ngành.

Đây rõ ràng là những thiệt hại rất lớn, nhưng là trước mắt. Về lâu dài, ngành GD&ĐT sẽ chịu những tác động lớn do dịch Covid-19. Đầu tiên phải kể đến thi THPT; do lịch học bị xáo trộn, hiện Bộ GD&ĐT đã xây dựng hai phương án, hoặc bỏ kỳ thi THPT năm nay, hoặc vẫn tổ chức nhưng giao cho các địa phương xét tốt nghiệp THPT.

Cả hai phương án đều có vướng mắc. Bởi nếu bỏ kỳ thi THPT thì phải sửa đổi Luật Giáo dục vừa mới được bổ sung, sửa đổi; còn nếu giao cho các địa phương tự xét tuyển thì “chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra”.

Một vấn đề cũng cần suy nghĩ nghiêm túc là phát triển mô hình học trực tuyến. Đại dịch Covid-19 là thách thức, nhưng cũng là cơ hội để ngành Giáo dục từng bước thích ứng với thời đại 4.0.

Nhưng để phát triển mô hình giáo dục này còn rất nhiều việc phải làm; đó là con người, phương tiện, chương trình giáo dục… Ngoài ra, mô hình học trực tuyến chỉ khả thi khi điều kiện kinh tế của gia đình học sinh đáp ứng được các đòi hỏi về trang thiết bị học tập. Nhưng hiện nay, đại đa số học sinh đều có gia cảnh không khá giả, nhất là học sinh DTTS ở miền núi thì học trực tuyến vẫn quá tầm tay.

Vậy nên, cùng với việc xây dựng mô hình học trực tuyến một cách bài bản thì vấn đề then chốt vẫn là thúc đẩy các giải pháp phát triển kinh tế, giảm khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng miền, bảo đảm tất cả học sinh cả nước, đặc biệt là vùng DTTS, đều đủ điều kiện về trang thiết bị phục vụ học trực tuyến.

(baodantoc.com.vn)