Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số

03:40 PM 13/06/2017 |   Lượt xem: 5293 |   In bài viết | 

Đề án thực sự thiết thực và cần thiết đối với vùng đồng bào DTTS&MN

Trước thực trạng ứng dụng CNTT tại vùng DTTS&MN hiện nay còn nhiều khó khăn, thiếu thốn và hạn chế do hạ tầng CNTT chưa đồng bộ và ứng dụng chưa rộng rãi. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực CNTT vùng DTTS vừa thiếu và yếu; ứng dụng CNTT trong hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn chưa được đẩy mạnh… Vì vậy, xây dựng Đề án "Hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tăng cường ứng dụng CNTT phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng DTTS Việt Nam" thực sự thiết thực và cần thiết nhằm hỗ trợ đồng bào DTTS&MN tiếp cận, học hỏi, trao đổi các công nghệ mới trên nhiều lĩnh vực; nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào, thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ts. Phan Văn Hùng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT chủ trì buổi tọa đàm.

Đề án tập trung vào các nội dung: Xây dựng Trung tâm dữ liệu đáp ứng nhu cầu lưu trữ toàn bộ dữ liệu, thông tin để đảm bảo cung cấp thường xuyên, liên tục phục vụ việc phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng DTTS. Xây dựng các kênh thông tin kết nối tới địa bàn các xã, thôn, bản thuộc vùng đồng bào DTTS nhằm phục vụ cho chính quyền cơ sở truyền phát các nội dung thông tin đáp ứng nhu cầu của đồng bào. Xây dựng Trung tâm tư vấn điện thoại để phục vụ việc hỏi đáp, thắc mắc giúp chính quyền xã, thôn, bản hướng dẫn thông tin đến đồng bào DTTS. Xây dựng Cổng thông tin điện tử phục vụ giao tiếp, đối thoại trực tuyến với đồng bào DTTS. Xây dựng Hệ thống thông tin hỗ trợ việc làm phục vụ đồng bào DTTS. Xây dựng diễn đàn đối thoại trực tuyến về công tác dân tộc nhằm phản bác lại các luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch. Xây dựng hệ thống mạng tin học liên thông của cơ quan làm công tác dân tộc từ trung ương đến địa phương. Xây dựng trạm đón tiếp và hướng dẫn đồng bào DTTS tìm việc làm tại một số thành phố lớn. Triển khai dự án “Ứng dụng công nghệ ảnh và video 3600 phục vụ quản lý nhà nước về công tác dân tộc”. Xây dựng bộ từ điển trực tuyến DTTS và Cổng thông tin đối ngoại phục vụ hợp tác quốc tế. Xây dựng dự án “Ứng dụng công nghệ trực tuyến trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác dân tộc. Xây dựng các ứng dụng phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và các hoạt động nghiệp vụ chuyên môn ngành công tác dân tộc nhằm thúc đẩy hiện đại hóa hành chính, từng bước triển khai chính phủ điện tử trong hệ thống cơ quan công tác dân tộc. Xây dựng hệ thống truyền hình tương tác phục vụ đồng bào DTTS. Xây dựng mạng xã hội phục vụ giao tiếp của đồng bào DTTS với các cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã đưa ra một số đề xuất: Đề án cần có cái nhìn tổng thể thực trạng 53 dân tộc để có xuất phát điểm đúng định hướng và có chiết xuất thông tin chính xác, hiệu quả để phục vụ cho xây dựng Đề án; có bước chuẩn bị cụ thể trước khi đưa Đề án ra Hội thảo; nêu rõ được sự cần thiết và mục tiêu của Đề án và có những dẫn chứng với số liệu cụ thể…

Phát biểu tại tọa đàm, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Phan Văn Hùng yêu cầu: Trung tâm Thông tin cần nhận định rõ các lĩnh vực ứng dụng để xây dựng đề cương Đề án; tính toán rõ kinh phí, nội dung thực hiện, tính khả thi của Đề án; Đề án cần ngắn gọn, tránh dàn trải;  tham khảo các kinh nghiệm về ứng dụng công nghệ thông tin tại vùng DTTS của các nước láng giềng như Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan... để áp dụng. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm đề nghị TTTT (đơn vị chủ trì xây dựng đề án) tiếp tục tổ chức các Hội thảo với một số bộ, ngành  để xin ý kiến và trao đổi thông tin rộng rãi, định hướng cho Đề án; phân công cụ thể nhiệm vụ với các đối tác để thống nhất thực hiện xây dựng Đề án.

Kim Thu